Làm sao để Nhà Quốc hội mới sử dụng được lâu dài ?

23/03/2007 00:08 GMT+7

Hôm qua 22.3, QH đã thảo luận tại tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2002-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tình hình thực hiện dự án khí-điện-đạm Bà Rịa-Vũng Tàu và phương án xây dựng Nhà QH mới.

Về việc xây dựng Nhà QH mới, đa số ĐBQH đồng tình với phương án xây dựng tại lô D, trung tâm chính trị Ba Đình nhưng vẫn còn có những ý kiến ĐB cho rằng việc xây dựng Nhà QH mới nói riêng và quy hoạch lại hệ thống cơ quan hành chính ở Hà Nội cần có tầm nhìn xa hơn...

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Nhà QH là công trình tiêu biểu nhất cho một đất nước cho nên đã làm phải làm thật đàng hoàng và kiến trúc phải đẹp để nhiều đời sau cũng không lạc hậu. Ví dụ như Phủ Chủ tịch..., người ta đã xây dựng gần 100 năm mà đến nay ở ta, chưa thấy công trình nào hơn...". "Tôi rất đồng tình với việc xây dựng ở lô D, trung tâm chính trị Ba Đình vì di chuyển đi chỗ khác thì nó mất hết ý nghĩa", nguyên Thủ tướng bày tỏ. Cũng theo ông Phan Văn Khải, Hội trường Ba Đình hiện nay đã hư hỏng rất nhiều và khi còn đương chức, mỗi khi Đại hội Đảng được tổ chức tại đây, ông đã phải chỉ đạo Bộ Xây dựng kiểm tra, sửa chữa để "đảm bảo an toàn". "Có nhiều người bảo khi xây dựng Nhà QH mới thì vẫn cần giữ Hội trường Ba Đình", nguyên Thủ tướng nói tiếp, "nhưng cũng có thể thấy trước là xây dựng xong 5-10 năm rồi thì ta cũng thấy chướng mà đập bỏ đi thôi. Có bỏ đi thì công trình mới có không gian. Như ở hội trường hiện nay, bước 3 bước đã ra tới đường. Không có nước nào mà công trình nhà QH như thế".

Thảo luận về việc thực hiện dự án khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, đa số ĐB nhất trí đề nghị của Chính phủ công nhận hoàn thành công trình vào thời điểm này với 9 dự án thành phần đã hoàn thành và cho phép tạm dừng 4 dự án không có hiệu quả kinh tế đồng thời cho phép tách 2 dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.200 MW và chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi cụm công trình quan trọng quốc gia này.

ĐB Đỗ Ngọc Quang (Bắc Ninh) nói: "Ta xây dựng làm sao để nhà QH phải tồn tại được 100-200 năm. Không nhìn xa, cứ xây dựng xong lại sửa, phá làm hỏng hết cảnh quan". ĐB Quang đặt câu hỏi: "Cứ thử hình dung 50-100 năm sau, QH sẽ hoạt động thế nào? Số lượng ĐB chắc không chỉ dừng ở con số 500 mà có thể lên tới 1.000, rồi nhân viên phục vụ. Nếu không tính xa thì ngay chỗ để xe, phương tiện làm việc cũng sẽ là vấn đề gay go vì sau này ĐB, các nhân viên phục vụ cũng sẽ đi bằng ô tô". "Lấy ví dụ như ở Thái Lan thôi, họ cũng không lường trước nên xây dựng xong, sử dụng được khoảng 10 năm đã phải tính chuyển sang gần sân bay mới... Nếu không tính kỹ 10-20 năm sau lại thành nhà bảo tàng", ĐB Quang tỏ ý lo lắng. Đồng tình với một số ý kiến của ĐB Quang, Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung nói: "Đặt trong tổng thể quy hoạch hiện nay thì có thể nói quy hoạch các cơ quan Trung ương ở Hà Nội rất chắp vá. Ngay cả Văn phòng Chính phủ thôi, phòng tiếp khách quốc tế cũng rất chật nên nhiều khi chụp ảnh các nguyên thủ ta cũng thấy là phải chụp ảnh ở hành lang, cầu thang...". "Các ĐB cũng tham quan trụ sở QH nhiều nước thì thấy họ xây dựng hàng trăm năm rồi nhưng vẫn rất đẹp. Phải làm được như thế và điều kiện của ta hiện nay là làm được", Bộ trưởng Nội vụ tin tưởng. Theo ông, "phải tính tới một trung tâm hành chính mới cho Hà Nội. Nếu chọn được địa điểm tốt thì xây dựng cũng không mất bao lâu... Ta xây nhà QH mới cũng rất cần có phòng làm việc cho từng ĐBQH, rồi chỗ để cho ô tô...". Không nói là 100-200 năm nhưng Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nhấn mạnh: "QH phải quyết xây dựng được một trụ sở ít nhất sử dụng được tới 50 năm mà chưa cần phải phá". ĐB Vũ Nguyên Nhiệm (Quảng Ninh) góp thêm ý: "Nhà QH mới xây dựng sao cho có đủ cả chỗ ăn, ở, chỗ họp thì rất thuận tiện. Hiện nay, ĐB lên Hà Nội họp, ở nhiều khu vực khác nhau, các đoàn xe đưa đi thì người dân phải dừng hết lại để tránh đường và nhiều người họ nhìn ĐB với ánh mắt không thân thiện". "Khi ngồi trên xe đi họp, đôi khi tôi phải kéo rèm che lên để tránh những ánh mắt ấy", ông tỏ ý buồn.

Đại biểu Dương Trung Quốc:

Mở rộng mặt bằng sang Di tích Hoàng thành là không hợp lý


ĐB Dương Trung Quốc
Có thể nói rằng quá trình lựa chọn phương án tối ưu cho địa điểm và phương án xây Nhà Quốc hội là một trải nghiệm đáng mừng cho thấy Luật Di sản đã phát huy hiệu quả và tinh thần của Nghị quyết V khóa VIII của Đảng đang trở thành những nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và sự phát triển của xã hội.

Sau việc di dời vị trí của Trung tâm Hội nghị quốc gia, mà kết quả của Hội nghị APEC là một bằng chứng của một quyết định đúng đắn. Việc xây dựng Nhà Quốc hội còn là công trình hệ trọng hơn. Dự án chỉ nêu lên địa điểm cho một tòa nhà (chủ yếu là nơi hội họp) cộng với không gian của trụ sở Bộ Ngoại giao cho thấy vẫn là một giải pháp không tổng thể, chưa tương xứng với một công trình kiến trúc gắn với hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, có giá trị tiêu biểu và đáp ứng đòi hỏi của hoạt động Quốc hội trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên nếu chỉ nhìn nhận tòa nhà này trong mối tương quan với khu Di tích Hoàng thành Thăng Long thì dự án này cụ thể hóa ý kiến kết luận mang tính chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong thông báo ngày 2.3.2007. Đó là một quyết định mang tính khả thi nhất trong điều kiện hiện nay với nội dung "tán thành phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay" và coi Di tích 18 Hoàng Diệu (khu Di tích Hoàng thành) cùng với nhiều công trình trong khu vực như Lăng Bác, khu Thành cổ, Bảo tàng và khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh... tạo thành một quần thể văn hóa.

Cũng chính vì thế mà chúng tôi hết sức băn khoăn khi thấy trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại hội trường ngày 21.3 và văn bản thẩm định của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lại đưa ra khái niệm về không gian "khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và có mở rộng (khu C và khu D theo bản đồ khai quật khảo cổ học)". Điều đó cũng có nghĩa là không hoàn toàn khớp với kết luận của Bộ Chính trị. Sự "mở rộng này" đến đâu thực khó định lượng và nếu khớp bản vẽ kèm theo của Bộ Xây dựng với bản đồ khảo cổ học của khu Di tích 18 Hoàng Diệu thì trên thực tế nó đã xâm phạm vào tính nguyên vẹn của di tích. Hơn thế, một không gian thuộc khu "mở rộng" lại chỉ để làm "nhà xe" ngầm theo chú thích trên bản đồ là không hợp lý.

M.Q (ghi)

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.