Diễn viên múa Linh Nga: Không phải cô gái trong tháp ngà

17/03/2007 14:46 GMT+7

Khi bài báo lên trang, lúc đó tôi đã sang lại Trung Quốc rồi. Uổng quá vì không được đọc liền, đành xem trên internet vậy". Linh Nga nói pha chút tiếc nuối. Chiếc đầm đen thêu ren cùng những trang sức ngộ nghĩnh lủng lẳng nơi tay và cổ Linh Nga khiến cho tôi có cảm giác cô vừa là một thiếu nữ hồn nhiên nhưng luôn đầy ắp nghị lực của người đàn bà từng trải.

Ngoài kia, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Hùng vẫy tay chào. Anh vừa đích thân chở con gái rượu đến trò chuyện với tôi, đơn giản vì Linh Nga không hề biết đi xe máy!

1 Cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với Linh Nga chính là nhan sắc. Sự rực rỡ trộn lẫn với vẻ đẹp kín đáo đậm chất Á Đông hiện rõ trên gương mặt cô. Làn da trắng của con gái xứ Bắc như nõn nà thêm bởi thời gian gần 10 năm cô sống ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Linh Nga không hề là cô gái trong "tháp ngà" nhung lụa. Câu chuyện học hành, làm việc của cô khiến tôi thật sự tin tưởng vào những gì mà thế hệ trẻ đã và đang làm.

... Mùa đông năm 1986, trời Moscow hôm đó thật lạnh. Ngoài sân tuyết rơi ken dày, gió lạnh thổi bạt vào từng ngóc ngách của căn nhà nhỏ nhưng không làm vơi đi niềm vui của một cặp vợ chồng trẻ người Việt khi họ chào đón sự ra đời của đứa con gái đầu lòng. Hai vợ chồng mừng vui khôn tả. Bé gái sinh ra đã có làn da trắng nõn, cặp môi hồng chúm chím. Ôm con vào lòng, cả bố mẹ bé đều mong mỏi sau này con sẽ thành công khi nối nghiệp họ. 20 năm sau, đôi vợ chồng trẻ ấy đã là những người nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp ngành múa tận nước Nga xa xôi, hai vợ chồng bồng bế con về quê hương làm việc. Họ trở thành cặp múa đôi nổi tiếng ở Việt Nam. Anh chính là Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Hùng, Phó giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và người bạn đời là nghệ sĩ kiêm biên đạo múa Vương Linh. Họ là những người có công đầu trong việc đưa nghệ thuật múa hàn lâm lên sân khấu ca nhạc, hình thành nên nghệ thuật múa đương đại Việt Nam vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Cô bé nhỏ xinh lớn lên trong tiếng dương cầm du dương, bên những động tác múa thật uyển chuyển, nhẹ nhàng và thanh thoát của bố mẹ. Chẳng gò ép, vậy mà năm lên 10 tuổi, bé Linh Nga đã là "trụ cột" của nhóm Những ngôi sao nhỏ, cùng bố mẹ rong ruổi khắp mọi miền đất nước biểu diễn. Năm Linh Nga 12 tuổi, tình cờ ông hiệu trưởng trường múa Bắc Kinh sang Việt Nam gặp và xem cô múa. Sau lần đó, ông quyết định tặng học bổng trị giá 5.000 USD để cô bé theo học tại trường.

Với giọng nói nhỏ nhẹ, rặt âm Bắc, Linh Nga nhớ lại: "Đó là cơ hội làm thay đổi cuộc đời tôi. Từ nhỏ luôn sống trong vòng tay chăm sóc của bố mẹ, nay phải tự thân một mình lo liệu mọi thứ ở xứ người. Chẳng hiểu sao ngày đó tôi giàu nghị lực đến thế. Nội chuyện hằng đêm nằm nhớ mẹ, nhớ bố, với con bé 12 tuổi như tôi, đã là sự đánh đổi, hy sinh rất lớn. Nhưng gia đình không có lựa chọn nào khác. Sang Pháp, Ý, Nga học ba lê thì không đủ tiền mà múa dân gian hiện đại của Trung Quốc lại không đâu sánh bằng, còn được cả học bổng toàn phần. Thế là mẹ con tôi ôm nhau mà khóc, cạn cả nước mắt. Bố mẹ đèo tôi ra sân bay, gửi gắm những người đi cùng chuyến, căn dặn tôi đủ điều. Tôi bay mà lòng nặng trĩu...".

2 Xa gia đình từ lúc còn quá bé, có thể là thiệt thòi lớn về tình cảm với Linh Nga nhưng bù lại, cô nhận được nhiều điều khác. 10 năm học hành nơi xứ người, cô đã tập cho mình tính nhẫn nại, chịu đựng. Trong cái lạnh kinh người, có hôm tuyết rơi trắng xóa, trời vừa hừng đông, bé Linh Nga đã lồm cồm bò dậy cùng các bạn trong lớp tập thể dục. 7 giờ 30 sáng, tất cả đều tập trung đầy đủ để học văn hóa. Trưa về ăn vội bát cơm, nghỉ 30 phút là phải tập múa cùng thầy cô giáo. Tuổi thơ của cô chôn chặt trong những giờ học căng thẳng bằng tiếng Trung, những động tác múa phức tạp buộc phải luyện từ tấm bé. Rồi mọi thứ cứ phôi pha dần với thời gian. Khó khăn rồi cũng trở nên quen thuộc.

Và cứ thế cô gái nhỏ lầm lũi học, lầm lũi bước một mình giữa ngôi trường danh giá nhất Bắc Kinh, nơi những tên tuổi lừng lẫy từng theo học như Chương Tử Di, Chung Lệ Đề, Vương Yến. Linh Nga kể cô đã thấy Chương Tử Di về thăm lại chốn xưa nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Nữ diễn viên này thật giản dị và chân thành. Mặc chiếc áo thun, quần lửng, cô đi một vòng hồi tưởng lại những tháng năm cũ, thăm hỏi thầy cô giáo và không quên động viên thế hệ đàn em. Chương Tử Di đã bật khóc khi thốt lên rằng: "Tôi đã bước ra từ ngôi trường này. Xin cám ơn thầy cô đã dạy bảo tôi nhiều điều".

Sang năm thứ ba bậc đại học của Học viện múa Bắc Kinh, Linh Nga đã thay đổi cách nghĩ về người Trung Quốc. "Múa dân gian hiện đại của họ là bộ môn nghệ thuật phát triển, diễn đạt được nội tâm con người qua sự biểu lộ ngôn ngữ hình thể. Và khán giả, đặc biệt là khán giả Bắc Kinh có sự am hiểu tường tận về múa nên nghệ sĩ luôn được tôn vinh" - Linh Nga nhìn nhận.

Vì muốn học đến tường tận đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian hiện đại nên Linh Nga đã chấp nhận những "cú ngã" nhớ đời, những lần trặc tay, bong gân chân đau nhói. Đêm về cô một mình chịu đựng, lặng lẽ bóp dầu, chườm nước đá vết thương. Cũng may chưa lần nào cô bị gãy xương. Linh Nga sợ nhất chuyện này. Gãy xương đồng nghĩa với việc kết thúc sự nghiệp. Bố mẹ cô cũng lo cho con gái. Ngày hè, lễ Tết, được bay về Việt Nam sum họp gia đình, bố đều tự tay đưa đón con vì cứ nơm nớp lo sợ rủi ro trên đường. Những nhọc nhằn đã tôi luyện Linh Nga thành người giỏi chịu đựng. "Nhiều hôm thèm món ăn Việt mà chẳng biết làm sao để nấu. Nghề múa cấm kỵ chuyện phát phì. Có lúc thèm ăn đến quay quắt cả người mà chẳng dám "xả láng", Linh Nga nói thêm.

3 Linh Nga thổ lộ đang lên kế hoạch chuẩn bị một chương trình múa thật ấn tượng, hoành tráng trên sân khấu quê nhà vào tháng 8.2008 ngay sau khi tốt nghiệp về nước. Cô buồn khi mãi thấy nghệ thuật múa nước nhà ngày càng mai một. Khán giả cứ lầm tưởng những màn múa minh họa cho ca sĩ là nghệ thuật múa đương đại. Theo cô, phải xác định đó là những điệu nhảy thì đúng hơn. Học múa dưới 10 năm thì không thể làm gì được, trong khi múa minh họa như thế tập 3 tuần là có thể hành nghề. Linh Nga cho biết rất nhiều nghệ sĩ như Hồng Ánh, Phi Hùng, Thu Minh, người mẫu Hoàng Mến... từng học múa nhưng nay đã chuyển nghề. Đơn giản vì không ai có thể sống được với nghề múa. Mà nghề này học thì lâu nhưng tuổi thọ lại rất ngắn. Đến năm 25, 26 tuổi là đã "toan về chiều".

Bởi không thể chỉ múa mãi nên Linh Nga đã lập kế hoạch cho cuộc sống dù cô chỉ vừa bước sang tuổi 21. Tận dụng những gì học được, cô sẽ biểu diễn và sau đó truyền nghề lại cho thế hệ sau. Nói chuyện với tôi mà cô gái trẻ cứ bàn toàn những chuyện liên quan đến các bậc "trưởng lão". Nào là phải có đầu tư cho nghệ thuật múa, nào phải phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ, phải xin nhiều học bổng nữa cho các em có cơ hội được đào tạo từ bé ở nước ngoài. Linh Nga nói cô rất vui khi thấy còn nhiều khán giả vẫn quan tâm đến múa. Người nghệ sĩ phải có trách nhiệm và bổn phận tạo ra cái hay, cái mới, cái đẹp để khán giả thưởng thức. Làm không được thì đừng đổ lỗi rằng khán giả đang quay lưng...

Nắng chiều vàng ươm trên con phố nhỏ. Tiếng xe máy vang lên trước ngõ. Linh Nga gật đầu chào tôi kèm theo tiết lộ cuối: rất nhiều tờ báo, tạp chí nghe tin cô về nước đã liên lạc mời chụp ảnh thời trang. "Đó chỉ là thú vui thôi vì tôi không là người mẫu. Được dịp ghi lại khoảnh khắc thanh xuân của mình thì còn gì bằng. Tôi vẫn luôn là một nghệ sĩ múa. Bây giờ và mãi mãi sau này". Dáng cao gầy của cô gái ngồi sau yên xe của bố trông thật tự tin và vững chãi làm tôi tin rằng cô sẽ là một ngôi sao sáng trong làng múa Việt Nam.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.