Biện pháp gì để phòng chống nạn nổ bình gas?

14/03/2007 00:22 GMT+7

Trong hai ngày 11 - 12.3, trên địa bàn TP.HCM đã liên tục xảy ra 2 vụ cháy nổ bình gas nghiêm trọng khiến nhiều người bị thương gây thiệt hại lớn về tài sản. PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn nhanh thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM (ảnh) về vấn đề nóng bỏng này và được ông cho biết:

- Hiện, thành phố có 71 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh sang chiết nạp gas và gần 2.000 cửa hàng kinh doanh gas, trong đó còn nhiều cửa hàng gas hoạt động trái phép. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã khảo sát và phát hiện không ít cửa hàng gas sang nạp trái phép và sử dụng niêm bình gas giả nhãn hiệu của các công ty kinh doanh gas lớn.

Đáng chú ý, việc sang nạp gas trái phép không chỉ dừng lại ở bình gas loại 6kg, 9kg, 12kg, 13kg mà cả bình gas loại lớn 45kg, 48kg, 50kg. Điều này cho thấy việc sang chiết gas trái phép, sản xuất và lưu thông niêm gas giả đang ở phạm vi lớn. Cho nên Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM xem việc quản lý gas, xăng dầu, khí hóa lỏng... là một trong những công tác đặc biệt quan trọng vì đây là những chất dễ xảy ra cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thời gian qua cũng đã xảy ra các vụ cháy nổ gas ở cửa hàng kinh doanh gas trái phép gây thiệt hại về người và tài sản, gồm: ở  đường Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh; Q.4 và mới đây nhất là vụ cháy nổ gas ở đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp).

* Vậy theo ông nguyên nhân vì sao những cơ sở sang chiết nạp gas trái phép vẫn còn tồn tại?

- Theo tôi do ý thức chấp hành pháp luật của thương nhân kinh doanh gas chưa cao, tình trạng sang chiết gas trái phép tại các cửa hàng còn nhiều (phổ biến là sang chiết bình loại 12kg qua bình mini 200g). Một số cửa hàng chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, không có giấy xác nhận  đủ điều kiện về an ninh trật tự và một số cửa hàng chạy theo lợi nhuận, bán gas không rõ xuất xứ, chất lượng gas chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, về công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra còn mỏng, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành thành phố và quận, huyện, đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ. Công tác xử lý hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các thương nhân kinh doanh gas vi phạm. Do đó, sau khi bị xử phạt vi phạm, các thương nhân kinh doanh gas vẫn tiếp tục vi phạm, thậm chí vi phạm lần sau còn quy mô lớn hơn lần trước. Một số bộ phận người tiêu dùng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của việc sử dụng gas không rõ xuất xứ nên đã tiếp tay tiêu thụ gas lậu và các phụ kiện rẻ tiền hoặc do bất cẩn trong sử dụng gas, không thường xuyên kiểm tra các phụ kiện kèm theo bếp gas và bình gas như van điều áp, khóa, dây dẫn gas, vi phạm an toàn sử dụng gas khi đun nấu dẫn đến cháy nổ.

* Đối mặt với nguy cơ cháy nổ từ việc sang chiết gas "lậu" trong mùa nắng nóng này,  Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM có biện pháp gì để ngăn chặn?

- Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Thương mại, Chi cục quản lý thị trường, chính quyền địa phương cùng các ban ngành khác tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở (có phép) vi phạm; đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở hoạt động trái phép và xử lý đến nơi đến chốn các cơ sở vi phạm công tác PCCC. Thông qua Báo Thanh Niên, tôi đề nghị người dân nếu phát hiện cơ sở sang chiết, nạp gas trái phép thì hãy tố giác qua điện thoại nóng của Sở Cảnh sát PC&CC. ĐT: 8387477, 8387230.

Đàm Huy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.