Nữ sinh Lào trên đất võ

06/03/2007 22:04 GMT+7

Nhân dịp 8.3, phóng viên Thanh Niên đã đến ký túc xá (KTX) nữ sinh Lào hiện đang lưu học tại trường Đại học Quy Nhơn để tìm hiểu chuyện học hành, sinh hoạt với nhiều kỷ niệm khó quên của những cô gái đến từ đất nước triệu voi trên miền đất võ...

Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những trường có số lượng lưu học sinh Lào khá đông với 340 người đang theo học ở cấp đại học và cao học. Trong đó có 76 nữ sinh đến từ các tỉnh: Chămpasắc, Attapư và Sêkông. Trước khi đến thành phố biển để "mài đèn sách", các nữ sinh hoặc vừa mới học xong cấp 3, đại học hoặc là cán bộ của các sở ban ngành ở các tỉnh của Lào được tỉnh cử đi học.

Nữ sinh Lyta Chănthàvạt, học khóa 26 khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, kể: "Vốn đã nghe nhiều về hào khí của quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ nên từ lâu mình đã ôm ấp ước mơ được học tại trường Đại học Quy Nhơn. Ngày sang nhập học, mình và bạn bè rất xúc động khi rất nhiều thầy cô là lãnh đạo nhà trường ra đón trước cổng với những đóa hoa tươi thắm. Ở đây 5 năm, xa nhà cũng có đôi chút khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhà trường cũng như bạn bè trong lớp nên việc học hành cũng như nơi ăn, chốn ở rất thuận lợi...".

Trước khi bước vào các khóa học, sinh viên Lào được làm quen với cách nói, đọc và nghĩa của tiếng Việt trong thời gian 1 năm. Bởi vậy, khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều cô gái nói chuyện chẳng khác gì người địa phương, đôi khi còn pha vào một vài câu khá dí dỏm "xứ nẫu"...

Về chuyện sinh hoạt, đi đứng, các cô gái Lào "ghiền" nhất là những ngày nghỉ cuối tuần với những cuộc dã ngoại, tắm biển cùng nhiều bạn bè người Việt cùng khóa. Dù "chân yếu tay mềm" nhưng nhiều cô cũng đã chu du không sót một điểm du lịch ở tỉnh Bình Định như: Bảo tàng Quang Trung,  Khu du lịch Ghềnh Ráng, Hầm Hô và các bãi biển dọc đường Quy Nhơn - Sông Cầu...

Họ thích ngắm cảnh biển trên Đồi Thi Nhân (thuộc Khu du lịch Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) và được bạn bè kể về thân thế và sự nghiệp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, về cuộc đời nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử... Nữ sinh Súc-sôm-phôn Phôn-asa, khoa Giáo dục chính trị bật mí: "Mỗi khi rảnh rỗi, chúng mình thích dạo quanh thành phố Quy Nhơn dạo mát, mua sắm. Mình vàâ những bạn nữ sinh Lào đặc biệt khoái khẩu món bánh hỏi, cháo lòng. Ăn ngon quá!".


Nữ sinh Lào trong ký túc xá trường Đại học Quy Nhơn

Những ngày này, khi khắp các đường phố đang rộn rã những đóa hoa tươi thắm thì nơi KTX của trường Đại học Quy Nhơn, nữ sinh Lào đang rất hạnh phúc khi nhận được những lời chúc thật đẹp cho ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Có người chỉ mới nhập học, có người sắp ra trường, nhưng quãng thời gian sinh sống ở vùng đất võ Bình Định đã in sâu trong tâm trí của các cô gái Lào.

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ, nữ sinh Thít Đavông, học ngành Quản trị doanh nghiệp nhanh nhảu kể câu chuyện vui khi lần đầu tiên bập bẹ tiếng Việt: Thầy giáo chỉ vào bức tranh có một con chim đậu trên cành và chiếc xe đạp ở dưới gốc cây, hỏi: "Con chim ở đâu em?" - "Dạ thưa thầy, con chim ở dưới đất" - "Thế thì chiếc xe đạp ở đâu?" - "Dạ ở trên cây". Hay câu chuyện: Một ngày mùa hè, cô sinh viên Lào hớt hải chạy đến bác bảo vệ và nói: "Bố ơi, nước chưa đến, nước chưa đến". Nghe xong, bác bảo vệ luống cuống vì chưa hiểu việc gì liên quan đến nước. Rảo quanh một vòng, té ra là KTX bị... cúp nước, nhưng do cô mới học tiếng Việt vài ngày nên chưa biết diễn đạt thế nào.

Về tài nấu ăn, nữ sinh Phôn-vi-lay hồn nhiên: "Cách đây không lâu, các bạn cùng lớp kéo nhau về nhà một bạn nữ ở Quy Nhơn để liên hoan. Mình tình nguyện làm đầu bếp phục vụ món lẩu, nhưng do chưa quen cách nấu để hợp với khẩu vị của các bạn Việt Nam nên khi thưởng thức ai cũng vừa ăn vừa gật đầu khen ngon mà mặt cứ... nhăn nhó"...

Khi được hỏi về những dự định sau khi ra trường, các cô gái Lào đều có chung một suy nghĩ là muốn quay trở về phục vụ quê hương bằng kiến thức đã học tại Việt Nam. Cô Võ Thị Thanh Diệp, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế - trường Đại học Quy Nhơn cho biết, các nữ sinh Lào học tập rất chăm chỉ, nhưng do chưa hiểu hết sự đa dạng của tiếng Việt nên kết quả đạt được vẫn chưa thỏa mãn. Đặc biệt, họ tham gia rất tích cực trong các hoạt động của trường với nhiều chương trình hát, múa mang bản sắc của nhân dân Lào.

Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.