Mùa cá bông lau ở Vàm Nao

05/03/2007 15:59 GMT+7

Thiên nhiên thật hào phóng khi ban tặng cho người dân nghèo miền Tây Nam Bộ bằng các mùa cá rộ. Mùa cá linh vừa hết lại bắt đầu mùa cá bông lau. Và nói đến cá bông lau thì không thể bỏ qua ngã ba sông Vàm Nao (An Giang), nơi mà dân chài ví von là "ổ cá" bông lau của sông nước miền Tây.

Người dân ở xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang gọi cá bông lau là "heo nước", bởi gần ngày Tết cổ truyền chúng kéo bầy bầy lội nhởn nhơ sông Vàm Nao. Mùa cá rộ ở quê vui như Tết, con cá đem lại cái ăn cái mặc nên ai nấy hớn hở tay chèo tay lưới giăng bắt những con cá bông lau to ù.

Cá bông lau xuất hiện từ tháng giêng tới tháng 4 năm sau chúng thưa dần và bơi đi đâu mất. Ở Vàm Nao ít ai câu cá bông lau, đa phần đều giăng lưới, lưới có mắt rộng khoảng 14 cm, cao trên 10m, dài 400m - 500m. Cá đi nhiều theo con nước đêm nên người giăng lưới cũng phải thức cùng cá. Một đêm thức trắng buông lưới dính được 4 con bông lau là có lời. Cá bông lau dính lưới thường là cá to, 1 con thường 3 kg trở lên. Hiện tại do cá chưa rộ nên 1 kg cá bông lau bán cho các vựa giá thấp nhất là 50.000 đồng.

Từ xã Mỹ Hội Đông tới huyện Phú Tân có khoảng 10 bến cá, mỗi bến gồm 30-40 ghe đánh lưới cá bông lau. Các bến có quy định chung, ai đến trước thả lưới trước, người đến sau chờ tài không được tranh giành. Các ngư dân kể: ngã ba sông Vàm Nao không lớn nhưng cá tôm nhiều vô kể, trước kia cá to như con nghé rất nhiều và gây hại cho người, để diệt cá dữ người dân lấy trái bí đao luộc chín rồi liệng xuống sông.

Cá háu mồi nuốt trái bí đao vào bị cháy ruột chết. Rằng những ngư dân trước đây đánh bắt được cá hô, cá tra dầu trăm ký là chuyện thường. Rằng cá bông lau biến động theo mùa, năm nào lũ lớn cá ít, năm nào lũ nhỏ cá nhiều. Ông bà xưa nói rằng cá bông lau là cá dứa sống ở biển Cà Mau, Kiên Giang. Lúc ở biển vóc dáng chúng bằng cườm tay trẻ con nhưng sau khi bơi vào sông rạch chúng được "thay máu" hay sao đó nên lớn hơn cá dứa nhiều(?). Các ngư dân bảo: "Chúng tôi đã đan lưới đánh bắt cá bông lau loại từ 1,7 kg trở xuống nhưng kỳ lạ thay chẳng dính con nào từ 1,7 kg cả. Do đó phải làm lưới để bắt cá bông lau từ 2 kg trở lên!"...

Tuy có hình dáng hao hao giống cá hú, cá tra nhưng cá bông lau thịt ngon hơn nhiều, chúng luôn được các nhà hàng ưa chuộng. Người ta chế biến cá bông lau thành các món như cá bông lau kho tộ, cá bông lau nấu canh chua, lẩu cá bông lau, cá bông lau chiên... Món nào thực khách cũng khoái vì da cá dai và giòn hơn các loại cá da trơn khác. Song nếu được hãy trải qua một đêm trắng trên sông nước với các ngư dân này để tận mắt thấy cái khổ và cái thú của họ. Trong đêm dài tĩnh mịch những ngư dân sẽ kể cho khách nghe về những chuyện xa xưa ở sông Vàm Nao, niềm vui ngày cá hội và nỗi buồn mùa vắng cá.

Làng cá Vàm Nao còn nghèo, có nhà cửa chẳng đóng cứ để tênh hênh, có tài sản gì đáng giá đâu mà sợ mất! Bạn sẽ tận mắt thấy ngư dân hồi hộp thế nào khi kéo lưới, 4 tiếng đồng hồ chờ đợi ai cũng mong mành lưới kéo lên sẽ nặng hơn. Lưới nhẹ tênh là trắng cá, lưới nặng là niềm vui và đôi khi thất vọng khi lưới nặng trĩu nhưng chỉ dính đầy rác!

Cá bông lau bao đời qua đã gắn liền với ngư dân nghèo cho họ cái ăn cái mặc, đáng tiếc là nguồn lợi thiên nhiên này ngày càng giảm. Một đồng nghiệp lâu năm rất tiếc chuyện này và anh cho rằng không nơi nào có mỏ cá sông lý thú như Vàm Nao, nếu quy hoạch thành bãi câu cá thiên nhiên thì thật tuyệt vời. Tất nhiên với du khách, đặc biệt là khách Tây trải qua giây phút chờ đợi con cá sông nào đó tới đớp mồi vẫn lý thú hơn ngồi trong các ao hồ câu mấy con cá nuôi đang nằm chờ làm thịt.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.