Phước Sang: Người đàn ông tự tin

03/03/2007 15:57 GMT+7

Đêm cuối cùng của tháng 2, đám đông tụ tập trước rạp Thăng Long (TP.HCM) chờ xem buổi chiếu ra mắt Áo lụa Hà Đông, bộ phim đoạt giải Khán giả bình chọn tại LHP Pusan 2006 ở Hàn Quốc. Bất cứ ai bước vào rạp cũng được đón chào bằng những cô gái xinh đẹp trong trang phục áo dài. Đặc biệt hơn, họ còn nhận được một cái bắt tay rất chặt từ một người đàn ông trung niên dáng vóc đậm người. Khoác áo dài đen và đội khăn đóng trên đầu, nhà sản xuất Phước Sang án ngữ ngay lối vào. Anh cúi chào từng người, nụ cười nở trên môi.

Không hẳn chỉ là một quán quân trong cuộc đua doanh thu

Áo lụa Hà Đông sẽ bắt đầu được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 8.3. Phước Sang, người vốn am tường thị hiếu khán giả, đã quyết định chọn đúng thời điểm này để tung ra bộ phim từng làm nên niềm tự hào mang tên Việt Nam ở Pusan gần đây. Nhìn vào dòng chữ được in trên tấm vé "Tang thương hơn chiến tranh... Mãnh liệt hơn tình yêu", tôi hồi hộp chờ đón cảm xúc của chính mình. Khi bước ngang qua Sang, một cú lắc vai đầy thân thiện làm tôi sực nhớ đã quên lời anh dặn dò "nhớ mang theo khăn giấy". 

Ban sáng, tôi bật cười khi nghe Sang nói thế. Có thể do tôi ấn tượng rằng những phim mang thương hiệu Phước Sang luôn tràn đầy những tiếng cười sảng khoái. Thế nhưng tôi đã lầm.

Một kịch bản cảm động với những góc máy đẹp, tài dàn dựng của đạo diễn Lưu Huỳnh, cộng với diễn xuất xuất sắc của Trương Ngọc Ánh, Quốc Khánh và các diễn viên nhỏ tuổi đã mang lại một đêm đầy thổn thức ở rạp Thăng Long. Những khoảng lặng tưởng như kéo dài vô tận, bỗng vỡ tan bằng những tiếng nấc nghẹn từ ở nơi nào đó từ hàng ghế khán giả đã chứng minh rằng Sang nói đúng. Sản phẩm hợp tác giữa Phước Sang Entertainment, AVA Production và Vietnam Studio có kinh phí xấp xỉ 1 triệu USD xứng đáng là một trong những bộ phim đáng xem nhất của Việt Nam trong những năm gần đây.

"Không thể cầm được nước mắt", đó là lời thú nhận qua tin nhắn của tôi gửi tới chiếc di động luôn bận rộn của Phước Sang khi bộ phim khép lại. Có lẽ khi ấy, Sang cũng nhận nhiều tin nhắn khác từ bạn bè, đồng nghiệp. Chạy bở hơi tai với hàng núi việc trong ngày phim ra mắt, đêm hôm ấy Sang có thể ngủ ngon vì những lời động viên chân thành nhất.


Phước Sang trên trường quay Võ lâm truyền kỳ
Bây giờ, ngồi nhớ lại lần đầu tiên nghe Sang thổ lộ nỗi trăn trở của anh trong nghề làm phim, tôi vẫn dễ dàng hình dung ra chân dung anh. Hăng say nhưng tỉnh táo. Ở Sang, đó là sự kết hợp hiếm thấy giữa mộng mơ và thực tế. Khi nói chuyện, Sang nhìn thẳng người đối diện. Ánh mắt anh không bao giờ lảng tránh sự dò xét của người khác. Ngôn ngữ của anh khúc chiết, đơn giản, không màu mè mỹ từ nhưng lúc nào cũng hừng hực nhiệt huyết. Điều đó cho người ta có cảm giác niềm đam mê và những hoài bão to lớn của Sang đối với điện ảnh không bao giờ cạn kiệt. Điểm lôi cuốn nhất từ con người này, đó chính là sự tự tin.

Đã có rất nhiều bài báo viết về anh, khen chê đủ cả. Người ta gọi anh chàng độc thân gốc Vĩnh Long này bằng đủ thứ danh xưng, từ ông bầu, nghệ sĩ, nhà kinh doanh... Không ít người thắc mắc, Phước Sang thành công là do đâu? Không kể những phim do anh sản xuất trong thời hoàng kim của phim video Việt Nam thập niên 1990, trong 3 năm gần đây, 3 phim điện ảnh chiếu vào dịp Tết của hãng Phước Sang đều giành ngôi quán quân trong cuộc đua doanh thu với các đối thủ. Khi đàn ông có bầu (2005) và Đẻ mướn (2006), mỗi phim từng đem về cho ông chủ đang độ tuổi U.40 này khoảng 13 tỉ. Năm nay, Võ lâm truyền kỳ, với kinh phí làm phim và quảng cáo tốn chừng 4,5 tỉ đồng được dự đoán sẽ vượt con số 13 tỉ khoảng 30%. Bây giờ đến lượt Áo lụa Hà Đông, và sắp tới là phim Mười hợp tác với Hàn Quốc, tài sản của Phước Sang hoặc được tích lũy thêm khi phim có lãi hoặc sẽ hao hụt khi phim thất bại, khó ai đoán trước được. Nhưng rõ ràng, càng ngày anh càng giàu hơn về kinh nghiệm làm nghề và sống với nghề.

"Ai sẽ nhớ đến tôi?"

Phước Sang cho biết hãng phim của anh hiện chỉ có dàn thiết bị quay phim và làm hậu kỳ trị giá khoảng 1 triệu USD. Con số đó còn ít ỏi nhưng Sang không nôn nóng đầu tư ồ ạt vào "phần cứng" trong thời gian tới. Hỏi Sang có mộng xây dựng phim trường riêng không, anh lắc đầu dứt khoát. Xét về thực lực các hãng phim hiện nay, phim trường nên do nhà nước đầu tư rồi cho tư nhân thuê là tốt nhất. Đó cũng là cách tuyệt vời mà nhà nước có thể bảo hộ điện ảnh quốc nội. Còn về khâu kiểm duyệt, liệu anh có phàn nàn gì không? Sang trả lời ngay: "Tôi có khả năng thích nghi rất cao, vả lại chế độ kiểm duyệt là điều tất yếu, ở nước nào cũng vậy thôi. Hiện tại, theo tôi, các nghệ sĩ của ta vẫn được bảo đảm tự do sáng tạo ở mức tốt nhất có thể". 

Từ khi còn là sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Sang cứ luôn trăn trở một câu hỏi trong đầu: Thời chiến tranh, giữa bom đạn tàn khốc, điện ảnh Việt Nam vẫn sản sinh ra những tác phẩm lớn làm lay động lòng người. Tại sao bây giờ chúng ta thiếu hụt những bộ phim hay? Anh không phân biệt phim nghệ thuật hay phim thị trường, miễn là phim có khán giả. Không như một số đồng nghiệp khác, anh không mất thời gian tự giằng xé giữa cơm áo gạo tiền và các giấc mơ, tuy cao đẹp nhưng lắm khi viển vông. Anh tự vấn lương tâm rằng "Tôi mà không tự kiếm sống được thì ai thèm nhớ đến tôi?". Ra trường, Phước Sang cùng với lứa bạn đồng học của anh đã bao phen vất vả để bươn chải kiếm sống. Show diễn ít thì phải nghĩ ra nhiều kế sinh nhai khác. Đến giờ phút này, nếu hỏi Phước Sang tích lũy gia tài của mình từ đâu nhiều nhất, từ việc dựng kịch, từ nghề làm phim hay nghề làm ông chủ nhà hàng tiệc cưới? Cũng khó nói lắm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, Sang giàu lên là nhờ vào năng lực phân tích và phán đoán cung cầu thị trường.  

3 bộ phim gần đây của Sang đều gắn liền với các đề tài xã hội nóng hổi, tùy theo thời điểm. Việc đọc báo và dành thời gian tiếp cận các bài viết, tác phẩm văn học, hay những bộ phim tạo sóng gió dư luận là phần không thể thiếu trong danh mục làm việc của Sang. Có khi anh ngồi đọc trầm ngâm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hoặc bất cứ cuốn sách bán chạy nào khác để tự rút ra những chất liệu nào có thể khả dĩ ứng dụng cho những dự án phim ảnh hay kịch nghệ của mình. Thời gian này, phim là mối ưu tiên số một của Phước Sang.

Giấc mơ phim hè, tại sao không?

Chuyến đi Hàn Quốc thăm phim trường KOFIC ở Hàn Quốc vừa qua làm nảy lên trong Sang những ý tưởng mới. Chỉ cần nhìn vào cách điều hành ở một phim trường, có thể thấy người ta làm điện ảnh với cả một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia. Còn mình thì sao? Điện ảnh nước nhà còn èo uột quá, mỗi năm chỉ có vài phim sống qua được 1 - 2 tháng phim Tết, còn lại thì "biếu" hẳn sân cho phim ngoại nhập tung hoành. Trong cuộc chiến giành giật khán giả, Sang lập chiến lược cho hãng của mình là phải từng bước lôi kéo công chúng qua từng bộ phim. Mỗi phim là từng nấc thang cho anh tiến lên gần hơn với mục đích của mình: Góp phần vào công cuộc chấn hưng điện ảnh dân tộc bằng cách tạo nhu cầu cho khán giả đến rạp xem phim made-in-Vietnam. Phim Việt đã có mùa phim Tết, tại sao không thể có thêm mùa phim hè?

Cũng khá lâu rồi, Sang không đảm nhận vai nặng ký nào trong phim. Liệu có một vai diễn hay một dự án ấp ủ bấy lâu chưa thực hiện? Có chứ, giọng Sang cười hào sảng. "Muốn làm một phim về Kiều từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn bị thói mê tín ám ảnh. Tôi nghe nói hễ ai vận đến Kiều là gặp... xui xẻo. Nên còn đang lưỡng lự lắm đây". Tôi dạm hỏi nếu hãng Phước Sang làm phim Kiều, anh thích đóng vai gì? Chàng Bùi Kiệm của Lục Vân Tiên nghĩ ngợi: "Ngoại hình này chắc đóng Kim Trọng không được rồi, Thúc Sinh là nhu nhược quá, còn Từ Hải thực tình tôi không thích vì là danh tướng nhưng cuối cùng lại chết vì đàn bà, Sở Khanh lại chẳng phải bản chất của tôi. Thôi, để từ từ nghĩ đã...".

Phước Sang vừa cho biết anh đã có trong tay bản hợp đồng với Vietnam Media để đem Áo lụa Hà Đông trình chiếu ở Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Canada, Thái, Singapore và Brunei. Sau thành công lớn ở Pusan, Phước Sang chắc nịch: "Với những gì tôi đã, đang và sẽ cố gắng làm được cho điện ảnh, 10 năm nữa, người ta sẽ còn nhắc đến tôi".

Q.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.