"Vụ Watergate" tại xứ sương mù

01/02/2007 22:05 GMT+7

Chính trường Anh gần đây dậy sóng khi cuộc điều tra chi tiền mua chức tước tại Công đảng đã lan rộng tới Chính phủ. Sự việc càng thêm rối rắm sau khi Lord Levy, người vận động gây quỹ hàng đầu của Thủ tướng T.Blair, bị bắt giữ lần hai.

Lần này, Lord Levy - phái viên Trung Đông của ông T.Blair - bị bắt giữ vì tình nghi có âm mưu làm sai lệch tiến trình xét xử của tòa. Levy đã bị thẩm vấn suốt hơn 4 giờ hôm 30.1.2007 và sau đó được tại ngoại. Lần đầu tiên Levy bị bắt là hồi tháng 7.2006 do liên quan đến cáo buộc dùng tiền mua chức tước (4 doanh nhân đã cho Công đảng mượn tiền trước cuộc bầu cử năm 2005 để được Thủ tướng Blair đề cử phong tước). Dù Levy bác bỏ mọi cáo buộc nhưng sự kiện này vẫn là một cú sốc lớn tại Anh.

Phe đối lập xứ sương mù so sánh vụ bê bối này với hành động che đậy thông tin  trong vụ Watergate làm Tổng thống Mỹ R.Nixon mất chức hồi năm 1974. Lord Levy là nhân vật thân cận thứ hai của ông Blair bị bắt vì tình nghi làm sai lệch công lý. Cách đây 12 ngày, bà R.Turner, một nhân vật thân cận khác của Thủ tướng Anh, cũng đã bị bắt tại nhà riêng. Chính phủ Anh từ chối đưa ra nhận xét nhưng ông Blair đã lên tiếng ủng hộ hai người này. 

Các diễn biến mới của cuộc điều tra khiến Công đảng và Chính phủ xứ sương mù như ngồi trên lửa. Cảnh sát Anh dự kiến sẽ gửi bằng chứng thu thập được đến các công tố viên vào đầu tháng này. Họ sẽ tập trung vào các vấn đề bị cho là phạm tội theo Đạo luật 1925, vốn cấm việc "mua quan bán chức" cũng như các tội trạng che đậy sự thật. Theo Báo Telegraph, ít nhất sẽ có hai người bị buộc tội. Đến nay chưa ai trong Công đảng bị chính thức buộc tội nhưng các diễn tiến mới đã làm tăng thêm nghi ngờ rằng các cáo buộc có thể được đưa ra với hình thức phạt cao nhất là 1 năm tù giam.

Theo cảnh sát London, đến nay đã có khoảng 90 người dính líu đến các vụ điều tra cáo buộc mua danh bán tước, trong đó có cả Thủ tướng T.Blair và cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ M.Howard. Bốn người đã bị bắt là L.Levy, R.Turner, Sir C.Evans (người tài trợ chính cho Công đảng) và Des Smith. Chưa ai trong số họ bị cáo buộc và tất cả đều phủ nhận mình có liên quan. Tuy nhiên, điều này cho thấy các cuộc điều tra của cảnh sát về vụ mua chức tước đã lan tới các lãnh đạo hàng đầu trong Chính phủ.

Kể từ khi cuộc điều tra bắt đầu hồi tháng 3.2006, cảnh sát đã thẩm vấn toàn bộ nội các của Thủ tướng Blair và cả thành viên của các đảng đối lập. Tháng 12.2006, chính ông Blair cũng trở thành vị Thủ tướng Anh đầu tiên bị cảnh sát thẩm vấn kể từ thời Thủ tướng Lloyd George vào những năm 20 của thế kỷ trước. Lúc đó, các cố vấn của ông Blair nhấn mạnh rằng thủ tướng bị thẩm vấn với tư cách là nhân chứng, chứ không phải một nghi can trong vụ này.

Hãng tin BBC cho biết trong số các thành viên thân tín của ông Blair đã bị nhà điều tra thẩm vấn còn có Giám đốc cơ quan cố vấn chính trị của Chính phủ J.McTernan (bị thẩm vấn 2 lần), Chánh văn phòng thủ tướng J.Powell. "Sự việc đáng tiếc này ngày càng giống vụ Watergate. Chúng ta hãy chờ kết quả điều tra của cảnh sát xem liệu vụ việc tương tự (việc che đậy sự thật như vụ Watergate) cũng đã xảy ra ở Phố Downing hay không", E.Davey - Chánh văn phòng của lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do - nói. Nghị sĩ Đảng Bảo thủ N.Evans nhận định vụ bắt giữ Levy là một sự kiện "động trời" và thêm rằng: "Chúng ta phải nhận ra rằng các cáo buộc thật sự là rất hệ trọng. Không ai đứng trên pháp luật, cho dù là Thủ tướng hoặc Lord Levy. Tôi nghĩ đây là điều tất cả chúng ta phải biết".

Những diễn biến mới đã gia tăng áp lực lên ông Blair - người đang chuẩn bị rời ghế lãnh đạo sau một thập kỷ cầm quyền. Một số nhà phân tích dự đoán tới khả năng Thủ tướng Blair có thể sẽ từ chức nếu bất kỳ quan chức nào dính líu đến vụ điều tra bị buộc tội.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.