Trẻ sơ sinh bị vàng da, có phải bệnh?

31/01/2007 11:05 GMT+7

Hỏi: Con tôi nay được 26 ngày tuổi. Lúc mới sinh da cháu hơi vàng, BS bảo đó là vàng sinh lý, khoảng 1 tuần cháu sẽ khỏi. Nhưng đến nay da cháu vẫn còn vàng. Như thế cháu có bị bệnh gì không, tôi phải điều trị cho cháu như thế nào? Cháu lúc sinh được 3kg, nay được 3,6kg, bú khỏe nhưng để nằm thì hay ọc sữa, tôi thấy cháu hay uốn mình và ngáp. Bác sĩ có thể tư vấn? (Lý Hồng Lập - Đà Nẵng)

Đáp: Vàng da ở trẻ sơ sinh rất thường xảy ra. Da và mắt của bé bị vàng do có quá nhiều sắc tố Bilirubin trong máu. Bilirubin là một sắc tố mật màu vàng, là một sản phẩm được giải phóng ra từ các hồng cầu nguyên thủy từ mẹ truyền qua con bị vỡ. Bé vàng da rất rõ vào ngày thứ 2-3 sau sinh và kéo dài từ 7-10 ngày. Trong thời gian này gan của bé được phát triển đầy đủ nên có thể chuyển hóa được các sắc tố mật thừa ra tạo nên bởi các hồng cầu bị hủy. Đây là một loại vàng da sinh lý, thường tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu lượng Bilirubin máu cao thì cần cho bé làm quang trị liệu: dùng đèn tử ngoại được điều chỉnh để chiếu xuyên qua da làm sắc tố rubin biến thành những chất tan trong nước và thải qua nước tiểu (phải được tiến hành trong bệnh viện).

Ngoài ra. còn một số trường hợp vàng da sinh lý không phải do tán huyết (hồng cầu từ người mẹ truyền qua nhau thai sang con bị vỡ, còn lại trong những ngày đầu) như: vàng da ở trẻ sinh non, vàng da ở con trai do mẹ có dùng thuốc tránh thai, trẻ được cho bú trễ… cũng là những yếu tố thuận lợi khiến xảy ra hiện tượng vàng da sinh lý. Một loại vàng da sinh lý khác là vàng da do sữa mẹ, thường xuất hiện vào ngày thứ 5, tiếp theo giai đoạn vàng da do huyết tán, diễn biến lành tính nhưng thường kéo dài 4-5 tuần lễ. Trường hợp này, nếu ngưng sữa mẹ thì hiện tượng vàng da giảm đột ngột và biến mất 2-3 ngày sau, nhưng khi bú lại dễ bị tái vàng da do ở một số phụ nữ trong sữa có men lipoproteine lipase, đun nóng sữa mẹ ở 56 độ C sẽ phá hủy được men này.

Đa phần vàng da sinh lý thường mất đi sau 10 ngày, muộn nhất là  4-5 tuần và không kèm theo các biểu hiện gan, lách to; trẻ không có các triệu chứng gì đặc biệt. Nếu xuất hiện vàng da kéo dài, kèm theo bé bị co giật hoặc ngủ li bì, ói ra nhiều (không phải ọc sữa bình thường sau khi bú)... thì nên đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.