Nữ sinh thích làm "đại bàng"

30/01/2007 11:50 GMT+7

Một nhóm nữ sinh ùa vào quán cà phê trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), gần trường THPT Đ.T.H. Những cô gái trẻ măng, xinh đẹp thi nhau "phun châu nhả ngọc". Cô bé có mái tóc nhuộm vàng vênh mặt cong cớn: "Mịa! Con lày… éo biết sợ bố con thằng lào, thích thì chiến…".

Chúng tôi tò mò quay sang. Hóa ra, các nàng đang nói chuyện về một cô gái trường khác mà các nàng đã gặp trong quán "net", chỉ vì cái tội cô ả nọ dám "liếc anh giai" của một cô trong hội, với lại "của đáng tội", nhìn cô ta cũng xinh đáo để, khiến nàng "người iu" của "anh giai" nọ phát điên lên, và cuối câu chuyện, được biết họ đã hẹn nhau trên mạng để "giải quyết mâu thuẫn".

Đấy là trên mạng, còn không biết trong các vụ "offline" sau đó, tình hình sẽ căng thẳng đến đâu, khi mà các cô đều đang ở độ tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", không biết sợ là gì, hơn nữa lại có sự hỗ trợ của các "ông bạn" sẵn sàng "chết vì người đẹp".

Tình yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình như chỉ thấy đẹp trong thơ ca, còn thực tế hiện nay, hiếm có đôi nào yêu nhau hồi cấp 3 mà sau này có thể trở thành vợ chồng. Ít thì một, hai, nhiều thì ba, bốn, năm lần yêu nữa, thậm chí là một con số có… hai chữ số. Ấy vậy mà, cơn ghen tình yêu tuổi học trò cũng không kém chút nào so với người lớn về tính dã man, tàn bạo.

Cách đây không lâu, một vụ án gây xôn xao không chỉ trong giới học sinh thị trấn Xuân Mai, tỉnh Hà Tây, bởi thủ phạm là một nữ sinh lớp 10 trường THPT Xuân Mai. Không ai có thể ngờ được cô nữ sinh học khá, ngoan hiền Cấn Thị Phú trong một ngày… xấu trời lại bỗng lột xác trở thành kẻ giết người bằng dao. Vụ việc xảy ra vào chiều 1/12/2006, tại ngay trước cổng trường Xuân Mai đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tất cả học sinh ở đây.

Nguyên nhân được kể lại, vì nhà Phú ở cách trường THPT Xuân Mai chừng 2 cây số, nhà nghèo, không có xe đi học nên mỗi buổi, Phú hay ra trước cửa nhà đứng đợi bạn để xin được đi nhờ xe. Những lần đứng đợi bạn ấy, Phú thường bị Sơn (học lớp 11A7, trường THPT Xuân Mai) trêu ghẹo.

Chẳng biết hai anh chị có "đầu mày cuối mắt" gì không mà những "lời qua tiếng lại" ấy đã đến tai người yêu của Sơn là Kiều Thị Tuyết, học sinh lớp 11B2 cùng trường. Lẽ ra, trong trường hợp ấy, Tuyết phải "chỉnh đốn" lại người yêu mình, nhưng có lẽ cũng vì ít tuổi, chưa đủ độ chín chắn nên Tuyết đã rủ cô bạn là Nguyễn Thị Minh Nguyệt học cùng lớp "dạy cho con em dại" một bài học nhớ đời.

Theo lời khai của Phú thì cách ngày xảy ra vụ án không lâu, gặp Phú ở chân cầu thang trường học, Tuyết đã dọa nạt Phú và nói Sơn là "sở hữu" của mình, đừng có "thích chết" mà động vào. Và, nhiều ngày tiếp theo, Tuyết vẫn tìm đến lớp của Phú để gửi những "thông điệp" tương tự.

Mâu thuẫn cứ thế lớn dần, đến nỗi chiều 1/12/2006, khi gặp nhau ở cổng trường học, hai cô gái này tiếp tục lớn tiếng cãi vã. Vì có cô bạn Nguyệt cùng đi nên Tuyết đã lao vào đánh Phú trước. Mọi người chưa kịp can ngăn cuộc ẩu đả của 3 nữ sinh thì đã thấy Tuyết và Nguyệt mỗi người nằm một nơi.

Hai cô gái được đưa đi cấp cứu nhưng vì vết dao đâm vào ngực trái quá nặng, Tuyết đã chết ngay sau khi được đưa vào bệnh viện. Nguyệt bị đâm vào ngực phải và vẫn đang được các bác sĩ điều trị.

Một nhân viên tư vấn tâm lý học đường qua mạng 1088 kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một cô bé tên Q., học lớp 12 ở một trường nội thành Hà Nội. Cô bé này đặc biệt chỉ tìm thấy "khoái cảm" ở những vụ đánh nhau, nói tục, chửi bậy thì "thôi rồi". Càng ở trong đám đông thì cô bé càng thích gây lộn.

Có điều rất buồn cười, đó là bạn thân của cô là một chú nhóc mảnh mai còn hơn phận liễu yếu đào tơ. Và, để bảo vệ chú nhóc này trước sự trêu chọc của đám bạn, cô bé buộc phải ra tay "giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha". Chúng tôi tò mò và quyết định xin địa chỉ để gặp bằng được cô bé "đặc biệt" này.

Trò chuyện với cô bé, tôi hoàn toàn bất ngờ bởi cái "phẩm hạnh" ấy thật không xứng chút nào với gương mặt ngây thơ xinh đẹp của cô. Cô kể về những lần cầm "ổi Tàu" (mũ cối) đập vào mặt những "con ranh" cùng trường với một niềm hứng thú khó tả. Cười rất tươi, hồn nhiên, ngây thơ trong ngay cả giọng điệu: "Bọn bạn em nó đặt cho em biệt danh là "ác ôn vùng nông thôn", em thấy em cũng hiền mà!".

Sở dĩ cô nàng có "ổi Tàu" là vì đợt đầu năm, các em phải học quân sự, vì thế mũ cối là "vũ khí thô sơ" được cô bé này sử dụng nhiều nhất. Bố mẹ cô hoảng hồn vì con gái mình, yểu điệu thục nữ chẳng thấy đâu, chỉ thấy lối hành xử như con trai, họ không dám mắng, vì mắng là cô nàng bỏ nhà đi bụi ngay lập tức.

Thực ra, bạo lực học đường đã được chuyển hóa thành… phim. Chúng ta có thể nhận thấy khá nhiều những bộ phim Hàn Quốc đang tràn ngập các quầy băng đĩa hiện nay đều theo mô típ này. Ở Hàn Quốc, nếu phải giải quyết mâu thuẫn giữa hai "đại bàng" tuổi học trò thì trận thư hùng sẽ được diễn ra trên sân thượng của ngôi trường ấy, đi theo hai "người hùng" sẽ là đám lâu nhâu, tạm gọi nôm na là "đệ", thậm chí sẽ có những người đẹp với nhiệm vụ… ôm cặp sách, nhưng khi cần là cũng lao bổ vào nhau.

Khi cơn sóng phim Hàn tràn vào Việt Nam, rất nhiều "teen" đã học lối hành xử kiểu bạo lực học đường. Chỉ có điều, trên phim ảnh, người ta đánh nhau "đẹp" lắm, đánh mãi cũng chả thấy ai chết, tuy rằng máu me cũng tung tóe như thật. Còn ở ta, nhiều "teen" gái bây giờ, thích là "chiến" ngay. Mà không đơn thuần chỉ là bằng tay chân, cũng thủ dao như côn đồ thứ thiệt, cần thiết là "xực" một phát "đi luôn".

Chiều tối 12/12/2006, chúng tôi có dịp đi qua trước cổng trường THPT Trần Phú, Hà Nội và đã vô tình chứng kiến cảnh "show hàng" của hai thanh niên với dao phóng lợn. Đúng lúc đám học sinh ùa ra cổng trường đông nhất, một chiếc xe máy mở phịch yên, chủ nhân của nó rút ra một con dao phóng, mặt mũi hằm hằm đuổi theo một nam sinh lúc đó đã vứt xe bỏ chạy.

Chẳng hiểu nguyên nhân tại sao, chỉ thấy nhốn nháo sau đó là một đám nữ sinh cũng lao vào đánh nhau. Anh bạn đi cùng tôi sẵn chiếc máy ảnh rút ra "bắn" lia lịa. Các cô nàng thấy ánh đèn lóe sáng thì ngừng "chiến", quay ra chửi không tiếc lời cái kẻ bỗng dưng "can thiệp" vào chuyện nội bộ của họ. Tôi lân la hỏi một cô gái te tua nhất: "Có chuyện gì vậy em?", tức thì nhận được một cái lườm tưởng… rách mắt: "Liên quan gì mà phải lắm nhọt?".

Lâu lâu mới được chứng kiến một vụ "chị em tương tàn", cũng tò mò muốn thử xem dạo này, cái đám "măng mới mọc" này có gì hay ho, thế mà suýt nữa thì vạ lây. Chụp ảnh xong rồi, chúng tôi mới thấy "choáng", nhỡ mà cái kẻ đang cầm dao phóng kia tức mình quay lại, tìm ngay "cái thằng nào" vừa định đưa ảnh chúng lên báo thì không khéo ngày ăn 4 bữa cơm (thêm một bữa trên nóc tủ) chứ chẳng chơi; hoặc giả, cái đám nữ sinh kia, mỗi ả chỉ cần "rứt một cọng tóc" thì chúng tôi cũng đủ "khóc tiếng mán". Thôi thôi, 36 chước, chước chuồn là hơn…

Trên một số diễn đàn của dân "teen", các thành viên đã "bình chọn" dân trường Đ.T.H. hiện nay là "gấu" nhất. "Gấu" bởi các trận "offline" cũng thường xuyên hơn, gái trai đều "máu lửa" như nhau, đi xe nẹt pô, bốc đầu, đánh võng và một hiện tượng không thể không nhắc đến là ở một số trường THPT, đã manh nha hình thành những nhóm học sinh thích chơi hơn học, mà ngôi "tiên chỉ" luôn thuộc về những chú nhóc, cô ả "ngứa chân ngứa tay", khiến đám học sinh cùng trường có gặp cũng chỉ dám… nhìn xuống.

Q. - cô bé kể trên có cái nick giao dịch khá lạ "thichdanhngườiXXX" - (thích đánh người - TG) cho biết, cô đặc biệt "ghét" những "con bé" đi Spacy, hễ thấy "con nào" ở trường mà "xí xớn" lượn Spacy là thể nào cũng bị Q. cho "ăn" vài cái "ổi", thậm chí "ngứa mắt" quá thì bắt uống nước cống như chơi.

Không có số liệu thống kê cụ thể, song những vụ án giết người, cố ý gây thương tích mà thủ phạm là nữ sinh dường như gia tăng thời gian gần đây. Đây là tình trạng nhức nhối có thật đang diễn ra làm đau lòng các bậc cha mẹ và làm đau đầu các cơ quan chức năng.

Giải thích thế nào về hiện tượng này, do sự giáo dục của gia đình, nhà trường ư? Điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ, nhiều em gái khi điện thoại đến Trung tâm tư vấn đề nghị được tư vấn cho biết, các em cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, điều đó khiến các em dễ rơi vào trạng thái nổi loạn, phải làm một hành động gì đó để được chú ý hơn, và đánh nhau cũng là một cách nhằm gây sự chú ý. Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, các trường hợp này gia đình cần hết sức quan tâm nhằm điều chỉnh tâm lý cho các em, tránh hậu quả đáng tiếc

Theo Sơn Trí/báo Công An Nhân Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.