Nếu không chia tài sản thì... ly dị ?!

13/01/2007 15:26 GMT+7

Tình cờ tôi hay chuyện một người bạn đòi chồng chia tài sản, không thì sẽ ly dị! Ban đầu nghe cứ thấy là lạ. Thông thường người ta giận nhau thì ra tòa ly dị, rồi từ đó tòa mới phán quyết việc chia con cái, tài sản. Đằng này người vợ bảo: không cần ly dị, ở vậy cũng được nhưng nhất quyết anh phải chia tài sản cho tôi.

Chuyện nghe vô lý, tài sản là của chung mà. Nhưng lắng nghe tâm sự của bạn rồi ngẫm lại thì bỗng dưng lại thấy cái "tối hậu thư" nọ như đang rung hồi chuông cảnh báo...

M. vốn xinh gái. Chả vậy mà đang học đại học đã bị anh chồng bây giờ "chấm cú một".  Vừa chân ướt chân ráo ra trường M. đã về làm dâu nhà người. Thế rồi hai năm liền M. sinh cho chồng hai cậu con trai. Gánh nặng gia đình gồm hai con nhỏ lại thêm bố mẹ chồng đã cột chặt chân bạn tôi. Vốn là người năng động nên cũng đã đôi lần M. bung ra mở nhà hàng rồi lập công ty kinh doanh hàng tiểu thủ công mỹ nghệ. Nhưng rồi bố chồng đau ốm nằm liệt giường, mẹ già ngoài quê cũng ngã bệnh, con cái còn thơ dại khiến M. phải xếp mọi thứ lại.

Đến khi con cái trưởng thành đi du học xa nhà, bố chồng cũng qua đời, chồng công việc bận rộn đi từ sáng sớm đến khuya mới về, bỗng chốc M. cảm thấy chống chếnh trong căn nhà rộng với mẹ chồng. Nhìn lại bản thân bỗng dưng M. có cảm giác mình không có gì hết: sự nghiệp không, bạn bè không, tiền bạc cũng không. Hai mươi năm trôi qua, tuổi già đã ngấp nghé, khiến cô cảm thấy lo lắng, buồn tủi. Mọi người nhìn vào cứ bảo M. giàu: có nhà cửa, xe hơi, đất đai, có nhà hàng. Thế nhưng chỉ có M. mới biết: tiền bạc tất cả đều nằm trong tay chồng.

Hằng tháng, chồng đưa tiền đủ chi tiêu trong gia đình. Khi nào cần tiêu riêng thì phải ngửa tay xin tiền chồng. Khi còn con bên cạnh, còn công việc để lo toan thì M. không nghĩ ngợi nhiều, nhưng bây giờ đối mặt với sự trống trải thì cô lo. Lo đau ốm, lo tuổi già. Vậy là M. hỏi xin tiền chồng để làm vốn đi buôn bán. Chồng cho ít một vì sợ cô làm ăn không khéo lại mất cả chì lẫn chài. Điều đó làm M. buồn và bực. Nỗi ấm ức của suốt gần hai mươi năm bỗng dồn về khiến cô can đảm ra một cái "tối hậu thư" gây bất ngờ cho chồng: "Chia cho tôi một ít tài sản nếu không thì ly dị!".

Cô lập luận: "Tài sản hiện nay hai vợ chồng có được là của chung. Bởi vì nếu không có vợ hy sinh sự nghiệp ở nhà nuôi con, chăm sóc bố mẹ của chồng, chăm lo nhà cửa thử hỏi chồng có điều kiện để gây dựng sự nghiệp riêng không? Thế tại sao đồng tiền làm ra anh muốn sử dụng thế nào tùy thích, còn tôi thì cứ muốn tiêu gì dù chỉ may sắm một ít áo quần cho mình cũng phải... xin. Ngay cả con cái dường như mẹ cũng không có mấy quyền lực đối với chúng, một khi muốn cho con tiền tiêu vặt cũng phải hỏi xin chồng. Như vậy thử hỏi tôi là vợ hay chỉ là ô-sin thôi. Bởi vậy tốt nhất là tôi phải có một tài khoản riêng để được tự do tiêu tiền theo ý thích và nhu cầu của mình".

Trường hợp như M. thực ra không phải là hiếm. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có năng lực, có học hành bằng cấp hẳn hoi nhưng vì một lý do nào đó phải ở nhà chăm sóc gia đình, rơi vào hoàn cảnh không làm ra tiền. Mọi chuyện liên quan đến tiền bạc đều do chồng quyết định. Những người vợ này luôn có sự mặc cảm khi thấy mình phải dè xẻn từng đồng trong khi chồng thì "vung tay quá trán". Chồng có thể giúp đỡ tiền bạc cho bạn bè, cho gia đình nhà chồng một cách vô tư nhưng ngược lại người vợ muốn giúp cha mẹ, anh chị em mình cũng phải chịu vì không có tiền  hoặc có cho thì cũng chỉ dám dấm dúi hoặc lén lút.

Tất cả những điều đó là sự mất công bằng trong quan hệ vợ chồng đã và đang tồn tại trong xã hội hiện đại. Chính điều này đã khiến cho người vợ phải sống trong sự bất mãn, ấm ức từ năm này qua năm khác. Đó là một nguyên nhân khiến cho tình yêu dần bị chết đi, cuộc sống gia đình trở nên đáng chán, mệt mỏi. Luật Bình đẳng giới  được Chính phủ ban hành quy định rất rõ: "Cả vợ lẫn chồng đều có quyền bình đẳng như nhau đối với tài sản chung" hay là nôm na như ông bà đã nhắc nhở: "Của chồng, công vợ". Đó chính là điều cả hai bên  cần xác định cho rõ trước khi bước vào cuộc sống chung, để thực sự có được sự hòa hợp, tôn trọng nhau.

Trần Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.