Ngân hàng lãi lớn!

09/01/2007 23:46 GMT+7

Ngân hàng thương mại nói chung và ngân hàng cổ phần nói riêng lãi lớn. Tuy chưa quyết toán năm tài chính, nhưng nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố các chỉ tiêu kết quả kinh doanh đầy ấn tượng. Từ các chỉ tiêu do ngân hàng này công bố, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Các ngân hàng thương mại cổ phần đều có lãi với mức độ khác nhau, từ các ngân hàng lớn đến các ngân hàng bậc trung.

Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cổ phần đều tăng khá so với năm trước và vượt so với kế hoạch đề ra. Ngân hàng Á Châu (ACB) có tổng lợi nhuận trước thuế lớn nhất, lên đến 568 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có lợi nhuận 544 tỉ đồng, tăng 77,5% so với năm 2005. Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) đạt trên 340 tỉ đồng, vượt 20% so với kế hoạch năm. Ngân hàng Phương Đông (OCB) đạt 140 tỉ đồng, gấp đôi năm trước. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) lãi 151,4 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần năm trước...

Cùng với chỉ tiêu lợi nhuận, quy mô tài sản của nhiều ngân hàng gia tăng. ACB có tổng tài sản lên đến 42,5 nghìn tỉ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Sacombank đạt 24,9 nghìn tỉ đồng, tăng 71%. Eximbank đạt 17 nghìn tỉ đồng, cao gần gấp rưỡi...

Đạt được các kết quả trên do nhiều yếu tố. Trước hết là do tăng trưởng chung của nền kinh tế đạt cao, doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, hiệu quả, các cân đối kinh tế vĩ mô ổn định... Có nguyên nhân do các ngân hàng có chiến lược kinh doanh hợp lý và có quá trình tăng trưởng liên tục vốn điều lệ (tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.HCM đến nay đạt trên 10 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 60% so với năm trước).

Nhờ tiềm lực tài chính ngày càng mạnh lên nên các ngân hàng thương mại cổ phần đã không ngừng đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ với công nghệ hiện đại, phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng. Điển hình là dịch vụ thẻ ATM - một loại dịch vụ đón đầu thu hút được nguồn vốn huy động lớn với lãi suất thấp (trên địa bàn TP.HCM, khối ngân hàng thương mại cổ phần hiện đã phát hành 500 nghìn thẻ ATM với doanh số đạt 8.000 tỉ đồng).

Các ngân hàng thương mại cổ phần không những có lãi suất cao hơn, mà còn đa dạng hóa các hình thức gửi tiền tiết kiệm và có chính sách ưu đãi tín dụng linh hoạt cho từng đối tượng khách hàng, đã góp phần làm cho lượng vốn huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng rất mạnh (toàn khối huy động tăng 45 - 60% và dư nợ tăng 35 - 50% so với đầu năm). Giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) tăng mạnh nhờ khả năng sinh lợi và độ an toàn lớn; đến lượt nó lại tác động trở lại đối với việc phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Ngân hàng lãi lớn là một tin vui, đồng thời cũng có dấu hỏi đặt ra về mấy mặt. Một là, ngân hàng lãi lớn cũng có nghĩa là lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không cao, do chi phí trả lãi tiền vay cũng lớn lên theo, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí của doanh nghiệp cao, lợi nhuận thấp thì hiệu quả của doanh nghiệp thấp, sức cạnh tranh yếu kém, trong khi cuộc cạnh tranh sau khi nước ta gia nhập WTO sẽ ngày một gay gắt hơn.

Hai là, mặt bằng lãi suất của Việt Nam thuộc loại rất cao so với các nước trên thế giới. Với mặt bằng này sẽ làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Để hạ lãi suất cho vay, một mặt cần giảm thiểu chi phí, tăng các hoạt động dịch vụ để bù cho hoạt động tín dụng; mặt khác cần tiến tới hạ lãi suất huy động. Muốn hạ lãi suất huy động thì phải kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng để bảo đảm lãi suất tiết kiệm thực dương.

Tóm lại, lợi nhuận cao của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay cũng là lời cảnh báo cho nền kinh tế. Nếu không giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp thì sự phát triển của các ngân hàng cũng không thể bền vững được.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.