Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 5: Sai phạm tài chính trên 685 tỉ đồng

06/12/2006 23:59 GMT+7

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 5 từ cầu Chui, Hà Nội đi cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng với tổng chiều dài 106 km là một trong những công trình đặc biệt quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, thương mại ở các tỉnh phía Bắc trong nhiều năm qua.

Nhưng nhìn lại quá trình đầu tư cho công trình có tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỉ đồng  này, người ta đã thấy có một sự lãng phí rất lớn mà nguyên nhân là từ sự vô trách nhiệm, thậm chí cố ý vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản, trước hết là từ chủ đầu tư - Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý dự án quốc lộ 5 (PMU 5).

Vốn đầu tư tăng "chóng mặt"

Trong nhiều năm qua, ở các công trình đầu tư lớn thường gặp trường hợp số vốn đầu tư được thanh quyết toán lớn hơn số vốn đầu tư ban đầu. Thế nhưng,  để số vốn đầu tư bị đội lên quá lớn, gấp 3 lần so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu như công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 5 là chuyện bất bình thường. Theo quyết định 139/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 1/4/2003, vốn đầu tư tạm tính cho công trình này là 1.371 tỉ đồng và ủy quyền cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập, trình Thủ tướng quyết định tổng mức đầu tư chính thức sau khi khởi công 12 tháng (10.2004). Tuy nhiên, cả đến khi công trình đã đưa vào sử dụng, hết thời gian bảo hành, Bộ GTVT mới có tờ trình Chính phủ về việc xin điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư. Số vốn đầu tư đã tăng "chóng mặt": lên tới 3.764 tỉ đồng, tăng 2.393 tỉ đồng. Số tiền mà Bộ này đề nghị Thủ tướng duyệt bất hợp lý ở chỗ: trong khi hầu hết các hạng mục công trình của dự án đã được thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán thì Bộ GTVT lại không căn cứ trên khối lượng thực tế đã thực hiện mà lại dựa trên tổng dự toán được bộ này phê duyệt hoặc chưa phê duyệt chính thức. Đáng nói hơn là nhiều giá trị, nội dung các hạng mục có thay đổi, bổ sung lại không được Bộ này giải trình, thuyết minh rõ ràng, nêu rõ cơ sở tăng. Theo Thanh tra Chính phủ, tổng mức đầu tư Bộ GTVT trình Thủ tướng đã tăng cao hơn 258,53 tỉ đồng so với tổng giá trị đã thanh toán của toàn dự án (3.506 tỉ đồng).

Ở khâu khảo sát, thiết kế, mặc dù Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) thuộc Bộ GTVT đã được nghiệm thu, thanh toán trên 34,28 tỉ đồng nhưng qua thanh tra cho thấy, kết quả khảo sát, thiết kế của TEDI có chất lượng rất thấp, nhiều sai sót nên PMU5 lại phải thuê một công ty khác (KEI) thiết kế lại, sửa đổi lại hầu hết các hạng mục với số tiền lần này lên tới trên 65 tỉ đồng. Nhưng qua đánh giá của cơ quan chức năng, việc thẩm định, lập lại thiết kế kỹ thuật của tư vấn KEI cũng chưa đạt yêu cầu do quá trình thi công vẫn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều hạng mục và có những hạng mục do chính KEI quyết định cho thay đổi so với thiết kế lại không được chủ đầu tư chấp thuận.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao cho Bộ GTVT thu hồi trên 64,84 tỉ đồng do các việc nghiệm thu, thanh quyết toán sai quy định, hạch toán đúng nguồn vốn số tiền gần 93,4 tỉ đồng, chỉ đạo việc xử lý bồi thường thiệt hại và xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan về việc gây lãng phí vốn đầu tư  43,42 tỉ đồng. Thanh tra còn đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ GTVT phối hợp với các bộ liên quan xử lý các chi phí đền bù, chi phí ban quản lý dự án, giá trị một số hạng mục chưa đủ cơ sở thanh toán số tiền trên 130 tỉ đồng và loại khỏi tổng mức đầu tư dự án trên 276 tỉ đồng. Đây là những khoản tiền khá lớn, nếu giảm trừ, thu hồi được sẽ làm giảm đáng kể tổng vốn đầu tư mà  Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xử lý những cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 5; giao cho Bộ GTVT và Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm, xử lý các cá nhân, kể cả lãnh đạo Bộ GTVT còn làm việc hay đã nghỉ hưu trong các thời kỳ nêu trong kết luận thanh tra có liên quan đến các sai phạm.

Hàng chục tỉ đồng bị thất thoát, chiếm dụng, lãng phí

Quá trình thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán dự án lại càng cho thấy những sự tùy tiện, bừa bãi của PMU 5 và một số đơn vị khác của Bộ GTVT trong việc quản lý, sử dụng vốn. PMU 5 đã chấp thuận, thanh toán theo đơn giá trúng thầu cho nhà thầu toàn bộ khối lượng đắp lớp thoát nước, lớp đất bao dính mái taluy trị giá tới trên 37,34 tỉ đồng trong khi toàn bộ vật liệu nhà thầu đưa vào thi công không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của hồ sơ mời thầu, không được Bộ GTVT chấp thuận. Hàng tỉ đồng khác được phát hiện thanh toán sai cho các đơn vị thi công đưa thiếu vật liệu vào công trình như cho các công ty: Vinata, Cienco 1, LICOGI..., hạch toán thừa vật liệu, thiếu chứng từ xuất, nhập vật liệu, thiếu hồ sơ, biên bản nghiệm thu.

Một trong những khoản gây thất thoát đặc biệt lớn là 39,57 tỉ đồng đầu tư cho 3 trạm thu phí trên Quốc lộ 5, hiện nay coi như mất trắng do số thiết bị này không sử dụng được. Nguyên nhân là trước khi đấu thầu, mua sắm thiết bị, những quan chức có trách nhiệm của Bộ GTVT dường như không đọc, nghiên cứu các quy định của Bộ Tài chính về hình thức, phạm vi, đối tượng phải thu phí nên thiết bị mua về đã không phù hợp với thực tế thu phí ở Việt Nam. Ví dụ như hệ thống nhận dạng xe (chỉ nhận dạng được 3 loại xe), không có hệ thống cân động để phát hiện xe quá tải... nên sau khi lắp đặt cũng không vận hành được. Đơn vị quản lý cũng tháo dỡ, nhập kho mà đến nay, Bộ GTVT cũng chưa có cách nào xử lý hậu quả. Thấy rằng cả 3 trạm đều không còn phù hợp, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư mới 2 trạm với tổng giá trị đầu tư mới 28,9 tỉ đồng, đưa vào khai thác năm 2005.

Được biết, từ tháng 2/1997 đến hết 2005, Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ 240, đơn vị được tổ chức thu phí giao thông Quốc lộ 5 đã thu được gần 491 tỉ đồng. Trong số này, đã có 409,7 tỉ đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước, trên 7,87 tỉ đồng được nộp vào quỹ hiện đại hóa, gần 3,38 tỉ đồng được nộp vào quỹ điều hòa thu phí. Còn lại hơn 10,17 tỉ đồng, công ty trên đã chiếm dụng luôn để phục vụ mục đích khác.

Ngoài ra, ở các hoạt động khác như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đảm bảo an toàn giao thông, chi cho dự án tư vấn quản lý đường bộ... khâu nào qua thanh tra cũng có sai phạm, tiêu cực. Ngay trong PMU 5, thanh tra cũng đã làm rõ việc chi tiêu trái quy định cho các khoản ăn trưa, hội họp, phúc lợi, lương cho cán bộ tư vấn số tiền trên 10 tỉ đồng. Tổng giá trị sai phạm về tài chính do các đoàn thanh tra, trong đó có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Xây dựng phát hiện lên tới gần 685,8 tỉ đồng (riêng Thanh tra Chính phủ phát hiện trên 608 tỉ đồng).

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.