Cô giáo của những ngôi trường đặc biệt

19/11/2006 22:45 GMT+7

Dấn thân vì trẻ khiếm thị Đối với thầy cô, giảng bài sao cho học sinh dễ tiếp thu kiến thức đã khó, dạy học sinh khiếm thính, khiếm thị lại khó gấp bội. Vậy mà, cô Phan Thị Xuân Quỳnh và nhiều thầy cô giáo của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) đã gần 15 năm gắn bó với mái trường, gắn bó với những học sinh chưa một lần được nhìn ánh mặt trời.

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm, cô giáo trẻ Phan Thị Xuân Quỳnh nhận công tác tại trường tiểu học của xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Đó là xã nghèo tiếp giáp với miền núi, trời mưa nước ngập đến thắt lưng nhưng hằng ngày cô vẫn băng rừng để đến với học sinh, bởi ở đó có những em tuổi đã gần đôi mươi mà còn ham học chữ. 14 năm sau, năm 1987, cha mẹ lâm bệnh nặng, gia đình neo người, cô cùng chồng và con nhỏ lặn lội chuyển vào TP.HCM chăm sóc ông bà tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hai cái tang liên tục xảy ra chỉ trong vòng 3 tháng. Chồng là thợ điện công trình, nay Bình Phước, mai lại Đồng Nai, gánh gia đình và trách nhiệm nuôi 2 đứa cháu con của người anh trai theo lời trăng trối của cha mẹ oằn lên vai cô giáo... 

Một lần đi ngang qua Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), thấy có thông báo tuyển giáo viên, cô rẽ vào tìm hiểu. Qua cửa sổ lớp học "nhìn thấy khuôn mặt học sinh với đôi mắt đục ngầu mở to, tôi thấy ngực mình như có gì bóp nghẹn, lý trí đã thôi thúc tôi dấn thân". Ngày đầu tiên tiếp xúc với bảng chữ nổi, với 63 ký tự phức tạp và nhìn bài viết của học sinh bao la dấu chấm, có khi cô Quỳnh cũng nản lòng. Nhưng cô đã không lùi bước, cô đi tìm hiểu khắp mọi nơi về phương pháp giáo dục cho người khiếm thị, đọc sách báo... và thuộc được các ký tự nhờ việc "miệng cứ lẩm bẩm a chấm một, b chấm một hai...", cô Quỳnh nhớ lại.

Những ngày đầu bỡ ngỡ rồi cũng qua, cô luôn tâm niệm "với học sinh bình thường, các em tiếp thu kiến thức qua lời nói và hình ảnh nhưng với học sinh khiếm thị thì các em thiệt thòi vì mất 80% khả năng thu nhận, bên cạnh đó các em khiếm thị còn chậm chạp và nhút nhát hơn. Do vậy để các học trò vượt qua những rào cản tâm lý tiếp thu được kiến thức, cô giáo không đơn giản là người truyền thụ mà còn phải là người mẹ hiền".

Vui mừng vì những danh hiệu đã đạt được như: Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Giải nhì giáo viên giỏi dạy học sinh tiểu học khuyết tật cấp TP... nhưng với cô Quỳnh thì: "Được gần học trò, đem đến cho các em những kiến thức để hiểu biết thế giới là danh hiệu lớn nhất của đời tôi", cô tâm sự.

Vì con em bệnh nhân phong

Khuôn viên Phân hiệu Trường tiểu học Kim Đồng nằm cuối con đường rợp bóng dừa của làng phong Quy Hòa thuộc khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định).  Ở đây, trời nắng cũng như mưa, cô giáo Nguyễn Thị Hoa vẫn luôn có mặt cùng gần 100 học sinh con em các bệnh nhân phong.

Hành trình đến với bục giảng của cô Hoa lắm nỗi nhọc nhằn. Bố mẹ quê Quảng Nam, cùng mắc chứng bệnh phong, đã di cư vào khu điều dưỡng bệnh nhân phong từ những năm 60 của thế kỷ trước. Họ có 5 người con, cô Hoa là con gái kế út. Thời ấy việc đi học tại làng phong là một điều khá xa vời. Cuộc sống bộn bề khó khăn, trường lớp, giáo viên thiếu trước hụt sau nên nhiều gia đình bệnh nhân phong không tính đến chuyện học hành của con cái. Thế nhưng bố mẹ cô Hoa đã cố gắng hết sức để cô được đến trường học chữ, về sau có thể giúp bản thân lập nghiệp và giúp các em nhỏ nơi làng phong. Việc học bị gián đoạn khi cô hòan tất xong bậc tiểu học. Ở nhà, Hoa cùng với các anh chị lên núi làm củi, đốt than, đến mùa làm ruộng muối mưu sinh. Thời gian rảnh rỗi, Hoa tranh thủ học nghề may và sau một thời gian, cô trở thành người thợ khéo tay nhất làng. Lúc này, các anh chị đều lập gia đình và ra riêng. Vừa lo liệu cuộc sống của bố mẹ và người em út, Hoa vừa tích cóp tiền bạc mua sách vở, trang trải tiền học phí bổ túc văn hóa cho đến khi hoàn thành lớp 12 rồi thi vào đại học. Hằng ngày cô đạp xe ra Quy Nhơn học, khi xe hư phải cuốc bộ gần cả tiếng đồng hồ. Đường ra vào làng phong lúc ấy nhỏ hẹp, ghồ ghề, vả lại đi học vào buổi tối nên nhiều lần sơ ý, cô té ngã vào bụi gai, giờ vết tích vẫn còn. Sau 4 năm học Sư phạm tiểu học tại Trường đại học Quy Nhơn, cô giáo Hoa xin về dạy chữ cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ ở làng phong. Khi được hỏi về những khó khăn đã trải qua và tâm nguyện hiện tại, cô giáo Hoa bồi hồi: "Tại ngôi trường của làng phong có tất cả 5 thầy cô giáo, dù công tác nhiều năm nhưng chưa có một ai được vào biên chế. Các thầy cô rất muốn được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với cộng đồng những người mắc bệnh phong".


Cô giáo Nguyễn Thị Hoa dạy cho trẻ em làng phong Quy Hòa -  Ảnh: Đình Phú

B.T - Đ.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.