Hồi ký của Tèo

21/10/2006 22:16 GMT+7

Gần đây trong xã hội đã xuất hiện vài cuốn hồi ký của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, rất cảm động, rất sâu sắc và rất hay. Thấy thế, Nguyễn Tèo, nhân vật làm đủ thứ nghề của chúng ta cũng vội vàng viết và cho in tự truyện của mình. Chúng tôi xin lần lượt trích đăng:

“Tôi (tức Tèo) sinh ra trong một gia đình nửa nghệ thuật nửa công nhân. Bố tôi là nhà văn, còn mẹ thì bán gà làm sẵn ở chợ. Ngay từ nhỏ, tôi đã có vẻ thích phim. Biết vậy, bố thường thở dài, còn mẹ đã nhiều lần đưa tôi đi khám bệnh. Sau khi chụp X-quang và thử máu, bác sĩ tuyên bố cần lấy độc trị độc, tức là nếu tôi thích xi-nê thì cứ để tự do vào rạp no nê.

Ngày đầu tiên tôi vào rạp xem phim, mẹ chạy theo dúi cho ổ bánh mì, còn đứa em gái thì đưa bộ quần áo cũ. Riêng bố không nói gì, chỉ vắt tay lên trán, nằm vật ra giường!
Từ rạp ra, tôi thấy cả nhà đứng chờ ngoài cửa. Mẹ hỏi:
- Giá vé bao nhiêu?
Em gái hỏi:
- Anh có nhìn thấy gì không?
Chỉ có bố hỏi ân cần:
- Phim thế nào?
Tôi bối rối:
- Con chả biết. Con thấy trong phim nhân vật rất hay cười.

Bố nghiêm giọng:
- Như thế là phim bi kịch rồi. Ở điện ảnh bi kịch, hễ cứ nhân vật cười là khán giả khóc!
Cả nhà áp tải tôi về, mừng cho tôi thoát nạn.
Lần sau, tôi lại vào rạp xem phim. Bố nhún vai, còn mẹ thì chửi bới con mèo.
Từ rạp thẳng về nhà, tôi nói:
- Hôm nay con xem một phim nhân vật toàn khóc.
Bố phán ngay:
- Thế thì chắc chắn phim hài. Bởi những lúc ấy là khán giả cười.
Dù bố có vẻ không thích, nhưng giấc mơ điện ảnh trong tôi vẫn cháy bỏng. Tôi thường lấy các hình tài tử ép dưới gối và mua băng đĩa lậu về xem.

Lần thứ ba, tôi vào rạp. Bố mẹ cãi nhau kịch liệt xem tôi đã khỏi bệnh hay chưa. Đang ầm ĩ thì tôi về.
Mẹ thét:
- Phim thế nào? Hài hay bi?
Tôi ấp úng:
- Chả hài cũng chả bi. Phim toàn nói, xong lại họp.
Bố gật gù:
- À, đấy là phim hình sự. Trong thể loại hình sự, để bắt tội phạm, cảnh sát luôn phải họp và bàn.

Đến bây giờ, ngồi nhớ lại, tôi công nhận là bố toàn nói đúng. Chính ông đã hướng dẫn tôi trong những ngày đầu chập chững vào nghệ thuật thứ bảy (mặc dù tôi chỉ đi vào thứ hai để vé rẻ).
Lần thứ tư, từ rạp chui ra, tôi gặp đứa em đang ngồi uống nước sâm ở cửa rạp. Nó hất hàm bắt chước bố:
- Phim thế nào?
 Tôi lo lắng:
- Phim lần này không khóc, không cười cũng không họp. Phim toàn thấy đuổi nhau.
Mắt đứa em sáng lên:
- Vậy là phim yêu rồi. Hễ có tình yêu trong phim là trai gái đuổi nhau lập tức.
Tôi khiếp vía:
- Sao mày biết.
Em gái tôi cả cười:
- Xem vài lần là biết ngay. Mà thế nào cũng đuổi ở rừng thông với bờ đê.
Trời ơi, tôi cay đắng phát hiện ra cả gia đình, ai cũng giỏi điện ảnh hơn tôi. Vậy mà không ai chọn nghề xi-nê cả. Thật uổng phí làm sao.

Tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân. Tôi thấy cần vào rạp một lần nữa.
Sau khi lấy trộm tiền của mẹ mua vé, tôi từ phòng chiếu bước ra. Mặt mũi xây xẩm. Mẹ đón tôi ngay từ bãi giữ xe, vẫn câu hỏi mà cả thành phố hay hỏi:
- Phim thế nào?
Tôi ngẫm nghĩ:
- Con không biết. Con chả hiểu gì. Phim này không khóc, không cười, không họp cũng không đuổi bắt.
Mẹ reo:
- Thế là phim nghệ thuật rồi!
Kể từ hôm đó trở đi, tôi bước vào làng điện-ảnh.

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.