"Khủng hoảng tinh trùng" tại Anh

04/10/2006 22:16 GMT+7

Sau đại dịch cúm, sau bệnh bò điên, Vương quốc Anh lại chìm trong một cuộc khủng hoảng không tiền khoáng hậu, liên quan tới một vật chất đặc biệt vốn là điểm bắt đầu của cuộc sống: tinh trùng.

Khủng hoảng toàn quốc

"Hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn đứng trước nguy cơ không được làm cha mẹ do cuộc khủng hoảng về người hiến tinh trùng lan rộng toàn quốc". Ký giả khoa học Mark Henderson đã mở đầu bài viết về hiện tượng mà ông gọi là "cuộc khủng hoảng ngân hàng tinh trùng" trên Báo The Times của nước Anh bằng những lời lẽ rất nghiêm trọng. Không nghiêm trọng sao được khi những cuộc khảo sát gần đây cho thấy tình trạng thiếu người hiến tinh trùng đã lan rộng khắp xứ sương mù. Theo tác giả Henderson, hơn 75% bệnh viện phụ sản và ngân hàng tinh trùng tại Vương quốc Anh không thể tuyển thêm tình nguyện viên trong vòng 1 năm qua. Cuộc khảo sát của Hãng tin BBC đối với 74 bệnh viện và ngân hàng lưu trữ tinh trùng cũng cho kết quả tương tự: 50 cơ sở không tuyển được tình nguyện viên mới. Tại Xứ Wales, Trung tâm phụ sản Cardiff cũng chỉ hoạt động cầm chừng trước nhu cầu ngày một tăng. Hiện bệnh viện hàng đầu Xứ Wales này chỉ có 4 người hiến tinh trùng!

Nước Anh và Xứ Wales hiện có 84 trung tâm được cấp giấy phép thực hiện các hoạt động nhận và lưu trữ tinh trùng với 169 tình nguyện viên. Khoảng 90% số tình nguyện viên này chỉ hiến cho 10 trung tâm hàng đầu. Bắc Ireland và Scotland mỗi nơi chỉ có 1 người đăng ký hiến. Như vậy, cả Vương quốc Anh với dân số gần 61 triệu người thì chỉ có 171 người hiến tinh trùng. Con số này quá nhỏ bé so với con số trung bình 459 người hồi thập niên 90. Số liệu thống kê trên toàn Vương quốc Anh trong 6 năm trở lại đây cho thấy số tình nguyện viên đã "rơi rụng" một cách thê thảm: năm 2000 có 325 người, sau đó 1 năm tăng lên 328, đến năm 2002 giảm còn 278, năm 2003 còn 255, năm 2004 còn 248 và đến tháng 8 năm ngoái chỉ còn 157. Đó là một thực tế đáng báo động trong hoàn cảnh các căn bệnh liên quan đến sinh sản ngày càng phổ biến. Chỉ tính riêng giai đoạn 2003-2004, có tới 15.000 ca thụ thai trong ống nghiệm và 6.000 thụ tinh trực tiếp từ tình nguyện viên đã được thực hiện tại xứ sương mù.

Sự "khô hạn" ở trong nước buộc nhiều bệnh nhân Anh phải bay ra nước ngoài để được thụ tinh nhân tạo. Nhiều ngân hàng tinh trùng xứ sương mù cũng tìm nguồn cung từ các nước khác, đặc biệt là Tây Ban Nha.

Vì đâu nên nỗi?

Trước năm 2005, "thị trường" tinh trùng tại nước Anh nói chung rất êm đềm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4.2005 thì mọi sự đã đổi khác khi nhà chức trách cho phép công khai danh tính tình nguyện viên. Lúc đó, giới y tế đã cảnh báo sẽ xảy ra khủng hoảng tinh trùng. Và điều lo ngại đã đến. Có lẽ vì sợ hành động đầy ý nghĩa nhưng cũng rất tế nhị của mình bị nhiều người biết đến và để tránh rắc rối về sau, nhiều người hiến tinh trùng đã âm thầm "rửa tay gác kiếm", đẩy xứ sương mù vào một cuộc khủng hoảng không tiền khoáng hậu.

Thực ra chuyện công khai tên tuổi người hiến tặng đã được hợp pháp hóa tại nhiều nước từ thập niên 80 thế kỷ trước, như Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Iceland. Bang California của Mỹ cũng có quy định tương tự vào cùng thời gian. Quy định này xuất phát từ góc độ đạo đức, đó là việc xác định cha cho những đứa trẻ sinh ra từ ống nghiệm.

Năm 1978, cô bé Louise Brown ở Anh đã trở thành người đầu tiên trên thế giới chào đời từ ống nghiệm. Từ đó đến nay, ở nước Anh và châu u đã có hàng trăm ngàn đứa trẻ được sinh bằng phương pháp này. Những thế hệ đầu tiên giờ đã trưởng thành và họ có một khát vọng rất chính đáng, đó là tìm người cha thực sự của mình, người đã hiến tinh trùng cho bệnh viện. Ở Pháp, hiện có khoảng 50.000 người được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhờ tinh trùng của những người cha vô danh. Trong đó chỉ có 10 - 15% số phụ huynh đồng ý tiết lộ sự thật. Báo chí nước này gần đây đã đề cập đến một làn sóng những thanh niên ngoài 20 tuổi âm thầm đi tìm cha. Đó là một thực tế mà những người làm luật phải cân nhắc. (The Times, BBC)

C.M.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.