Tiễn đưa anh hùng Phạm Xuân Ẩn về cõi vĩnh hằng

24/09/2006 00:04 GMT+7

Mới hơn 7h sáng ngày 23/9/2006, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam đã ngập tràn người đến dự lễ truy điệu thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn.

Hơn 2 ngày linh cữu ông quàn tại đây, đã có hơn 300 đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến viếng ông. Đồng hồ đã chỉ đúng 9h, là giờ mà ban tổ chức lễ tang quy định hết giờ viếng ông để chuẩn bị cho lễ truy điệu nhưng đoàn người đến viếng và thắp nhang cho ông vẫn còn đứng một hàng dài. Phía sau linh cữu ông là vô số những vòng hoa thương tiếc, chia buồn với gia đình ông. Từ những vòng hoa của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng... cho đến những vòng hoa của bạn bè đồng chí đã cùng ông từng vào sinh ra tử và không ít vòng hoa của những người dân bình thường chưa từng biết mặt ông, chỉ mến mộ tài đức của ông qua sách báo...

Đang đứng chia buồn với người nhà, chúng tôi chợt nghe giọng một thanh niên đến xin phép gia đình: "Con là một bạn đọc của Báo Thanh Niên, biết chú qua loạt ký sự dài kỳ. Cho phép con được đốt nhang trước vong linh chú!". Anh tên là Trương Quốc Thanh, 29 tuổi, là cán bộ phòng tín dụng của Ngân hàng Phương Đông. Anh Thanh nói: "Mấy ngày này, được tin chú mất, mấy lần tôi định đến viếng nhưng ngại. Cuộc đời của chú thật đẹp. Chắc trên thế giới có rất ít người như chú Ẩn...". 

Ngồi đọc 3 cuốn sổ tang gần như đã kín chữ, chúng tôi càng thấy sự tiếc thương của biết bao người dành cho ông.

Đến giờ truy điệu, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương và đông đảo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng, và gần một ngàn người là bạn bè, đồng chí, đồng đội, người dân đã vây quanh linh cữu ông cả trong và ngoài nhà tang lễ. Đúng 9h30, trong tiếng nhạc truy điệu trầm hùng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng với ánh mắt đỏ hoe tiếc thương đã đọc điếu văn đưa tiễn Phạm Xuân Ẩn: "...Đồng chí Phạm Xuân Ẩn là một trong những cán bộ tình báo ưu tú của ngành hoạt động liên tục 23 năm trong lòng địch. Trong những năm tháng công tác, chiến đấu đầy hy sinh gian khổ trên trận tuyến thầm lặng, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào đồng chí Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn luôn giữ vững và nêu cao phẩm chất đạo đức trong sáng của người đảng viên, cán bộ tình báo cách mạng. Đặc biệt, với trí thông minh, lòng dũng cảm và nhãn quan chiến lược thiên phú, đồng chí Phạm Xuân Ẩn là mũi nhọn xung kích, chủ công của cụm tình báo H63 anh hùng mà thành công của nó đã buộc kẻ địch phải thú nhận: "Từ trước tới nay, loại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ tình báo thành công đến như thế. Chúng tôi không muốn nói tới sự thành công trong việc xâm nhập và leo cao lên các cơ quan then chốt. Điều mà chúng tôi muốn nêu lên ở đây là sự thành công của nó quá tốt đẹp".

Trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của dân tộc, đồng chí Phạm Xuân Ẩn là một trong những ngôi sao sáng nhất của ngành tình báo quốc phòng với những đóng góp to lớn, những chiến công phi thường. Đồng chí đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, thu thập và cung cấp kịp thời nhiều kế hoạch và tài liệu quan trọng, phục vụ đắc lực cho việc nắm địch về chiến lược và chiến dịch lớn, tạo điều kiện đánh bại âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Ngày 15/1/1976, đồng chí được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang... Trong giây phút tiễn biệt này chúng ta không thể nói hết được về người cán bộ tình báo xuất sắc, một người yêu nước, yêu dân tộc, một cán bộ kiên trung của Đảng, của quân đội và của ngành tình báo quốc phòng. Một người con chí tình chí hiếu dành trọn cả cuộc đời mình trọn vẹn với sự nghiệp cách mạng, với gia đình, với bạn bè đồng đội... Ở đồng chí mãi mãi là một nhân cách lớn, một tinh hoa của ngành tình báo. Ở đồng chí mãi mãi là tinh thần lạc quan, trí tuệ và nhãn quan chiến lược. Ở đồng chí mãi mãi là tình thương yêu vô bờ, sự kính trọng, sự ngưỡng mộ của đồng đội, của gia đình, bè bạn trong nước và trên thế giới...".

Tiễn Phạm Xuân Ẩn về cõi vĩnh hằng, trời bỗng đổ mưa không dứt, đoàn người đưa tiễn mắt ai cũng nhòa lệ...

Báo chí nước ngoài viết về Phạm Xuân Ẩn

TIME:
...Ông luôn nói rằng những người Cộng sản giành được rất nhiều sự ủng hộ ở Việt Nam vì họ là lực lượng duy nhất đã đấu tranh có hiệu quả trong thời gian dài để chống lại sự chiếm đóng và tác động của nước ngoài, đó là: chống Nhật trong Chiến tranh Thế giới II, chống Pháp, sau đó là chống Mỹ và xây dựng đất nước. Sau Chiến tranh thế giới II, ông Ẩn ngày càng chín chắn và cuối cùng đã thu hút được sự quan tâm và đỡ đầu của nhiều người có thế lực từ Edward Lansdale của CIA (đây là người đã sắp xếp cho ông Ẩn học báo chí tại Trường Orange Coast ở California, Mỹ) cho đến ông Mười Hương (sau này trở thành cấp trên trực tiếp chỉ huy ông Ẩn sau khi ông về Việt Nam).

Nhưng tôi nghĩ rằng những người này không hiểu rõ ông Ẩn hơn chúng tôi, những nhà báo làm việc chung với ông Ẩn. Trên tất cả mọi điều, ông Ẩn yêu nước Việt Nam của mình. Ông có cảm tình với người Pháp, người Mỹ và ông nói tiếng nước họ rất giỏi. Nhưng ông không muốn nhìn thấy đất nước mình bị Pháp hóa hay Mỹ hóa...

Stanley Cloud
(làm việc với ông Ẩn từ 1970 đến 1972 khi giữ chức Trưởng văn phòng báo TIME tại Sài Gòn)

Washington Post:
...Mặc dù công việc tình báo của ông là phát hiện và báo cáo những kế hoạch của chính quyền miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ nhưng ông vẫn hoàn thành tốt vai trò một nhà báo và đã được đánh giá là nhà báo người Việt Nam xuất sắc nhất lúc đó... Ông Larry Berman, tác giả của cuốn sách về ông Ẩn sắp được xuất bản, cho biết: "Điều đặc biệt nhất là cách mà ông giữ kín được mọi chuyện trong khoảng thời gian dài như thế để vừa là một nhà tình báo thành công vừa là một nhà báo xuất sắc". Ông Berman nói thêm: "Ông Ẩn chưa bao giờ phải đánh cắp tài liệu vì ông là một nhà báo và nhà tình báo chuyên nghiệp"...

PATRICIA SULLIVAN

AP:
...Trong lịch sử tình báo chiến tranh, rất hiếm người thành công như ông Ẩn. Ông đã sống giữa hai "thế giới" trong gần 15 năm chiến tranh: một bên là hoạt động tình báo bí mật, một bên là nhà báo - vai trò này đã giúp ông tiếp cận các căn cứ quân sự và thông tin chiến thuật chiến lược của quân đội Mỹ. Ông cũng nổi tiếng với những nguồn tin đặc biệt của mình và sự hiểu biết sâu sắc của mình đến nỗi rất nhiều người Mỹ biết ông đều nghi ngờ ông làm việc cho CIA...

RICHARD PYLE

New York Times:
...Là một phóng viên làm việc cho hãng tin Reuters và sau này là báo TIME, ông Ẩn theo dõi nhiều sự kiện ngoại giao và quân đội của Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam. Ông là một trong số ít phóng viên được giới chức Mỹ cho phép tiếp cận thông tin chiến lược của quân đội. Trở thành phóng viên chính thức của báo TIME, ông là người Việt Nam duy nhất được một tổ chức báo chí lớn của Mỹ trao cho công việc này.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Mỹ, ông Ẩn cho biết ông không bao giờ hối tiếc về cuộc đời hai mặt của mình trong chiến tranh. "Sự thật? Sự thật nào? Sự thật là tôi đã làm phóng viên của báo TIME trong 10 năm. Còn một sự thật nữa là tôi đã tham gia phong trào yêu nước năm 1944. Cả hai đều là sự thật"...

Dennis Hevisi

T.H
(trích dịch)

Lời cảm ơn

Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, Ban tổ chức lễ tang và gia đình đồng chí Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn (tức Trần Văn Trung) xin chân thành cảm ơn:

Các đồng chí: Nông Đức Mạnh - Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng CSVN; Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước CHXHCNVN; Đỗ Mười - nguyên Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng CSVN; Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN; Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên UVBCT, nguyên Bộ trưởng BQP; Thượng tướng Phùng Quang Thanh - UVBCT, Phó bí thư ĐUQS T.Ư, Bộ trưởng BQP, Lê Thanh Hải - UVBCT, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thượng tướng Lê Văn Dũng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương; Văn phòng Chính phủ; Bệnh viện Quân y 175; Phòng 2 các Quân khu, Quân đoàn; các đơn vị thuộc Bộ Công an; Cục trinh sát Bộ đội Biên phòng; Hội cựu chiến binh TP.HCM; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN quận  3, phường 9 - quận 3.

Các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; các sở, ban ngành, đoàn thể của TP.HCM; các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước; các ban liên lạc tình nghĩa; các tổ chức, cá nhân, các gia đình bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, họ hàng nội, ngoại, thông gia ở trong và ngoài nước, bà con khu phố... đã đến phúng viếng, gửi vòng hoa, chia buồn và tiễn đưa đồng chí:
Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân PHẠM XUN ẨN (tức Trần Văn Trung)
Từ trần hồi 11h20 ngày 20/9/2006 (tức ngày 28/7 năm Bính Tuất), hưởng thọ 80 tuổi, về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang TP.HCM.
Trong lúc tang gia bối rối, không tránh khỏi những sơ suất, xin được lượng thứ.

Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục II -
Bộ Quốc phòng; Ban Tổ chức lễ tang và gia đình

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.