Không thể cho, nhận tế bào noãn, tinh trùng tùy tiện

04/09/2006 20:51 GMT+7

*Đàn ông chỉ được cho tinh trùng 1 lần, nên chăng? Đó là những ý kiến của số đông đại biểu tại buổi làm việc mới đây vào ngày 30.8 giữa đoàn đại biểu Quốc hội (TP.HCM) và các chuyên gia y tế đầu ngành, Sở Tư pháp… để lấy ý kiến đóng góp cho dự án "Luật hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người", để trình ra Quốc hội vào tháng 10 tới.

Người bệnh chờ có luật

Tiến sĩ Phạm Văn Bùi, Trưởng khoa Thận - niệu Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng: "So với thế giới, việc ghép tạng của chúng ta gần như là con số 0. Bởi lâu nay do chúng ta chưa có luật, nên nguồn mô, tạng rất khan hiếm, trong khi nhu cầu người bệnh cần mô tạng lại rất lớn. Nguồn mô tạng ghép trong nước có được chủ yếu là lấy từ người thân của bệnh nhân, chứ không có nguồn mô tạng dự trữ...". Bác sĩ Lâm Kim Phụng - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố thì nói "Chúng ta đã ghép giác mạc được, nhu cầu người bệnh cần ghép giác mạc là rất lớn, nhưng không có nguồn giác mạc. Lâu nay, nguồn giác mạc mà Bệnh viện Mắt có được là nhờ sự giúp đỡ, cung cấp từ một tổ chức nước ngoài".


Trữ lạnh tinh trùng tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) (ảnh: Thanh Tùng)

Một số nội dung quan trọng mà các đại biểu đóng góp, tranh luận ở lần góp ý này, đó là: về độ tuổi tối thiểu và tối đa ở người hiến mô, bộ phận cơ thể, phần lớn các ý kiến cho rằng, người hiến không nên dưới 18 tuổi (trên 16 tuổi) như một số ý kiến lần trước, mà phải từ 18 tuổi trở lên. Về độ tuổi tối đa, một số ý kiến nói, người hiến phải 60 tuổi trở lại, vì trên 60 là già quá, chất lượng mô tạng sẽ không đảm bảo! Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, không nhất thiết giới hạn ở tuổi 60, vì một số trường hợp mô, tế bào không ảnh hưởng. Chẳng hạn ở lĩnh vực mắt, theo bác sĩ Lâm Kim Phụng, đối với giác mạc, có thể lấy ở người 70, 80 tuổi vẫn được; về kết luận "cái chết não" cũng rất được quan tâm. "cái chết não" đối với những trường hợp mắc bệnh, hay bị tai nạn... mà trước đó họ có ý nguyện muốn hiến mô tạng khi chết, thì bác sĩ trực tiếp tham gia ghép mô tạng và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người bệnh (người được xác định chết não) thì không được tham gia vào hội đồng xác định chết não. Quy định như thế, theo các đại biểu là nhằm tránh chuyện mua bán mô tạng; số đông đại biểu cũng đề nghị, để tránh tình trạng mua bán mô tạng, bộ phận cơ thể người, trước mắt không nên cho phép tư nhân đầu tư ngân hàng mô, mà ngân hàng mô chỉ do đơn vị của Nhà nước đảm nhận.

Cần quy định chi tiết về cho, nhận noãn và tinh trùng

Bên cạnh những vấn đề được quan tâm nói trên, thì có một vấn đề khác mà các nhà chuyên môn rất quan tâm, đó là việc phải đưa vào luật, quy định chi tiết về cho, nhận noãn và tinh trùng (noãn và tinh trùng thuộc tế bào). Đây là nội dung mà ở dự thảo luật những lần trước đã bị... bỏ quên, trong khi nhu cầu về cho, nhận noãn và tinh trùng gặp rất nhiều trong thực tế, nhất là trong chữa trị vô sinh. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Trưởng khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ) nói: "Việc cho, nhận tế bào, có nhiều loại tế bào gốc, đặc biệt là tế bào sinh sản, nó khác với việc cho, nhận mô tạng thông thường. Bởi tế bào sinh sản khi cho sẽ hình thành một cơ thể mới, con người mới! Ở những trường hợp cặp vợ chồng chưa sanh con, nhưng vì lý do gì đó (như: người chồng mắc bệnh nan y, hay bị tai nạn...), mà họ vẫn còn tỉnh táo, cả hai vợ chồng đều muốn giữ lại tinh trùng (tinh trùng lấy, lưu trữ được rất lâu) của người chồng để sau khi người chồng mất đi, người vợ vẫn có con từ nguồn tinh trùng này. Ở trường hợp này, thì luật cần quy định họ được phép hay không được phép làm như thế, người vợ có con với người chồng đã chết có được công nhận, bệnh viện có được phép thực hiện ở trường hợp này? Đồng thời cũng cần quy định rằng, ai là người có quyền quyết định sử dụng nguồn tinh trùng đó, để tránh xảy ra tranh chấp về sau".

Một số ý kiến đề nghị cần quy định "Nghiêm cấm việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi của người có cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời". Tuy nhiên, bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng "Về mặt hôn nhân, thì cấm những người có cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời lấy nhau. Còn việc cho nhận tinh trùng, noãn thì khác. Thực tế, chị gái có thể cho trứng em gái, hoặc anh trai có thể cho em trai tinh trùng".

Ở ta lâu nay có quy định, nam giới chỉ được phép cho, hiến tinh trùng 1 lần, cho 1 người; đồng thời cả người cho và người nhận tinh trùng không được biết nhau (gọi là vô danh). Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, nếu luật mở ra quy định về việc cho tinh trùng vừa vô danh, vừa hữu danh, thì sẽ đáp ứng được nhiều  hơn nhu cầu xã hội. Vì có trường hợp người phụ nữ, hay cặp vợ chồng vô sinh cần nguồn tinh trùng hữu danh (biết được tinh trùng đó là của ai). Thực tế, nhiều người nhận tinh trùng muốn nhận từ một người đàn ông thông minh, khỏe mạnh, cơ thể đẹp... mà người đàn ông ấy cũng đồng ý cho họ.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.