Đưa âm nhạc dân tộc đến với du khách nước ngoài

13/07/2006 21:32 GMT+7

Hình ảnh ông Kofi Annan mời vợ mình lên sân khấu để cùng thử chơi đàn Klôngpút (vỗ tay cho hơi lọt vào ống nứa tạo thành âm thanh) trong chuyến đi thăm Việt Nam của vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 6.2006, chính là bước tiếp cận nền văn hóa Việt của các quan khách quốc tế thông qua âm nhạc dân tộc.

Có thể ví âm nhạc dân tộc như một bữa tiệc với rất nhiều món. Nguyên vật liệu thì rất phong phú và đã có sẵn, vấn đề là cách thức nấu nướng và bày biện làm sao cho thật hấp dẫn, bắt mắt để một khi đã ăn xong vẫn còn đọng lại những dư vị và... muốn trở lại để ăn !

Trước đây khi du khách đến Việt Nam, nếu họ muốn thưởng thức một chương trình âm nhạc dân tộc thì thường là họ tự dò hỏi rồi tìm đến các điểm diễn hoặc thông qua hướng dẫn viên để người này dẫn họ đến đâu tùy ý (nghĩa là họ không được chủ động lựa chọn): đó có thể là ca nhạc dân tộc tổng hợp trong một khách sạn, ca Huế trên sông Hương, đờn ca tài tử trên sông nước miền Tây, đêm hội lửa trại và cồng chiêng Tây Nguyên...


Du khách nước ngoài đang chăm chú thưởng thức nghệ thuật tại Trung tâm Ca múa nhạc dân tộc
Những điều này chỉ mang tính tự phát, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư một cách công phu nên không gây được nhiều ấn tượng đối với du khách, khiến họ "một đi không trở lại". Để khắc phục tình trạng này, nhiều công ty mới đã ra đời, áp dụng phương thức liên kết giữa các công ty dịch vụ du lịch với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhằm nâng cấp loại hình biểu diễn ca nhạc dân tộc phục vụ khách du lịch nước ngoài thành một sản phẩm "hàng Việt Nam chất lượng cao".

Trung tâm Ca múa nhạc dân tộc (6 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM) ra đời vào tháng 4.2006 là "đứa con" của "cuộc hôn phối" giữa Công ty Vân Long tourism và Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Ông Vương Tuấn Hùng - Giám đốc trung tâm cho biết: "Với khán phòng rộng 150 ghế, trung tâm đã có những cuộc biểu diễn thể nghiệm và buổi diễn ra mắt chính thức vào đêm 21.5.2006 với 58 du khách người Mỹ (tất cả các thành viên nữ đều mặc áo dài đến tham dự), 25 khách Úc còn lại là đại diện các công ty du lịch trong thành phố và cả các công ty du lịch nước ngoài.

Trung tâm lãnh phần ngoại giao, tiếp thị còn bên Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Bông Sen lo phần nội dung, chuyên môn với 11 tiết mục trong thời lượng 60 phút, gồm: 2 hòa tấu - nhạc cung đình Huế (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ) và dân ca Nam Bộ (Lý kéo chài); 3 tiết mục múa: Búp sen hồng (biên đạo NSƯT Phi Yến), Tiếng gọi nơi hoang dã (biên đạo NSND Công Nhạc), Huyền ảo vĩnh hằng (biên đạo NSND Đặng Hùng); 5 màn độc tấu: đàn bầu (Cung đàn đất nước), đàn đá (m vang đàn đá) do Hoàng Anh biểu diễn; đàn Klôngpút (Mùa xuân đến), đàn T'rưng (Tây Nguyên chào mặt trời, biểu diễn Tuyết Mai); đàn Kơní (Giai điệu Tây Nguyên, biểu diễn Văn Thảo) và tiết mục đơn ca duy nhất Dạ cổ hoài lang (Bích Tuyền biểu diễn). Chương trình đã được các đoàn đánh giá rất cao về chất lượng.

Chúng tôi đã ký được hợp đồng với gần 30 công ty du lịch, trong đó có đơn vị đã ký đến năm 2007. Trước khi đoàn du khách sang Việt Nam, chúng tôi sẽ gửi danh mục 50 tiết mục này cho vị trưởng đoàn du khách chọn ra một chương trình có từ 10 đến 12 tiết mục để chúng tôi diễn phục vụ (chúng tôi hiện đang có 50 tiết mục hoàn chỉnh và độc đáo đồng thời đang dàn dựng gần 20 tiết mục để thay đổi)...".

Hương Việt 2 cũng là "con" của cặp Công ty cổ phần du lịch văn hóa Việt Nam với Trường cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM (125 Cống Quỳnh, Q.1). Gọi là Hương Việt 2 bởi vì họ còn có "người anh em cùng cha khác mẹ" là Hương Việt 1 ở Hà Nội và vừa bắt đầu biểu diễn từ tháng 5.2006 tại rạp Hồng Hà. Hương Việt 1 sẽ biểu diễn với nội dung là các "món" đặc trưng miền Bắc: chèo, quan họ, dân ca, tuồng... Còn chuyên môn của Hương Việt 2 sẽ là các loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ và các dân tộc ít người (Tây Nguyên, Chăm, Khmer...).

Ông Phạm Huy Thục - Phó giám đốc Trường cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM cho biết: "Hương Việt 2 bắt đầu hoạt động từ ngày 26.6.2006 với 3 suất/tuần và từ tháng 9 đến tháng 12.2006 lịch diễn sẽ kín trọn tuần. Trước đó, Hương Việt cũng đã tổ chức 2 suất diễn tự giới thiệu với các cán bộ đầu ngành của khoảng 30 công ty du lịch để lấy ý kiến và rút kinh nghiệm.

Một công ty du lịch của Nhật và hai đạo diễn người Mỹ sau khi xem chương trình đã nhận xét: "Rất ấn tượng và tin rằng du khách nước ngoài chúng tôi sẽ rất thích thú khi khám phá và cảm nhận được nền văn hóa độc đáo, đa dạng của Việt Nam thông qua loại hình âm nhạc dân tộc". Không gian điểm diễn cũng được chúng tôi thiết kế đậm chất văn hóa Việt. Ngoài sân khấu 300 chỗ, còn có phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc và trang phục truyền thống các dân tộc phương Nam.

Dưới tiền sảnh là khu ẩm thực với các món ăn đặc trưng Nam Bộ như bánh tét, bánh tráng, khoai nướng, bắp nướng, các món chè... Trước khi dự suất diễn chính, du khách có thể ăn nhẹ hoặc uống nước chè gừng, thưởng thức đờn ca tài tử hoặc ngắm nhìn các bức tranh vẽ cảnh sông nước, vườn quê Nam Bộ do các sinh viên vẽ treo trên các bức tường... Chương trình chính của chúng tôi với thời lượng 55 phút cho khoảng 10 tiết mục. Do khách là người nước ngoài (đa số không hiểu tiếng Việt) nên chúng tôi chú trọng nhiều về các hình thức hòa tấu, độc tấu và múa.

Thí dụ trong chương trình diễn tự giới thiệu với các đối tác đêm 22.5.2006 gồm có: hòa tấu Lý ngựa ô, Lý kéo chài (ban nhạc dân tộc Tre Xanh); độc tấu sáo vỗ (Khánh Tường), độc tấu đàn bầu (Vân Anh), độc tấu đàn đá (Duy Đức); múa tập thể Chúc rượu, Mâm vàng (vũ đoàn Bình Minh); múa solo Chim Rí (Lan Phương) và một tiết mục song ca Hò Đồng Tháp - Hò thẻ mực do Tô Thanh Phương và Bích Phượng trình bày. Ngoài những tiết mục này, chúng tôi còn "sơ-cua" thêm dăm ba tiết mục khác để thay đổi.

Dự kiến sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng thêm những tiết mục độc tấu hoặc hòa tấu các bài dân ca của Nhật, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp... để tùy theo từng đoàn du khách: nếu số đông có cùng một quốc tịch, chúng tôi sẽ cho họ nghe nhạc "bản địa" của họ được trình tấu bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ gây bất ngờ và thích thú cho du khách.

Đưa âm nhạc dân tộc do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn vào lịch trình của các tour du lịch là một cách thức hết sức hợp lý và góp phần hấp dẫn du khách đến và... trở lại thăm Việt Nam (làm tăng thêm nguồn lợi về du lịch), là dịp để âm nhạc dân tộc được bộc lộ hết tính năng ưu việt của mình, qua đó góp phần làm tròn "sứ mệnh" là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

H.Đ.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.