Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc kêu cứu

12/07/2006 23:10 GMT+7

Mới đây, Báo Thanh Niên đã nhận được một lá thư của lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc (cùng gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo). Nhận thấy những vấn đề nêu trong đó là nỗi bức xúc chung của lưu học sinh Việt Nam ở nhiều nước khác nhau, Thanh Niên xin được đăng toàn văn lá thư trên.

Kính gửi:  Bộ trưởng Bộ giáo dục - Đào tạo

Chúng tôi là những lưu học sinh (LHS) hiện đang du học tại Trung Quốc theo Hiệp định giữa hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Qua Báo Thanh Niên, chúng tôi được biết việc cấp sinh hoạt phí (SHP) cho LHS ở Nga, Romania, Thái Lan và Cuba thường xuyên chậm trễ, ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã rất vất vả của các LHS ở những nước này. Chúng tôi rất cảm thông và xin được sẻ chia với các bạn, bởi vì tình trạng cấp phát trợ cấp sinh hoạt phí cho LHS Việt nam ở Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự.

Theo QĐ số 13636/CTCT của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng ký ngày 19/12/2001, LHS thuộc diện hiệp định được nhà nước cấp bù sinh hoạt phí 100 USD/tháng. Cũng theo QĐ trên, "trước hết cần giải quyết cấp bù SHP quý 4/2001 cho LHS", song mãi tận tháng 1/2003 chúng tôi mới nhận được. Chúng tôi là LHS sang năm 2001, số tiền ít ỏi mang theo dùng mua sắm dụng cụ học tập, mấy bộ quần áo mùa đông, nộp tiền đặt cọc ở thư viện, ký túc xá... đã hết, tiền học bổng 1.100 nhân dân tệ (NDT) phía bạn cấp cũng chỉ đủ ăn uống và mua sắm đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Còn nhớ, có đến 6 tháng liên tục, cứ tới ngày cấp học bổng thì trưa hôm đó, chúng tôi mỗi người chỉ còn 4 NDT để "cầm cự" bữa cơm trưa. Vì thế, chúng tôi gọi trợ cấp SHP là tiền cứu đói. Lúc đó, cả Thượng Hải có 7 LHS, chúng tôi mới sang phải vay anh em LHS cũ. Vay để sống, để học tập, để vươn lên bằng bạn bè quốc tế, để không phụ niềm tin của người thân, sự tin tưởng gửi gắm của cơ quan.

Số trợ cấp SHP được cấp như thế đến hết tháng 12/2003 thì dừng lại. Tháng 7/2004 chúng tôi tốt nghiệp. Trước đó, chúng tôi có hỏi anh Vũ Đỗ Thận, Tham tán Khoa học Công nghệ kiêm công tác quản  lý LHS và được trả lời rằng: Đại sứ quán (ĐSQ) sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành cấp bù. Trường hợp được chuyển tiếp sinh từ 2004-2007 như anh Thiện và một số LHS ở Bắc Kinh thì được Bộ GD-ĐT hứa là "sẽ phối hợp với ĐSQ cấp bù". Song kể từ tháng 9/2004 đến tháng 12/2005, theo đề nghị của bản thân và hướng dẫn của ĐSQ, chúng tôi đã gửi 2 lá đơn đề nghị ngày 26/9/2005 và 22/11/2005 cho anh Thận, đã nhiều lần gọi điện lên ĐSQ để hỏi nhưng chỉ được trả lời là: Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa trả lời!

Như anh Đặng Thế Tuấn, anh Lương Đình Thành học ĐH Sư phạm Nam Kinh (tốt nghiệp tháng 7/2004) và chuyển tiếp NCS tiến sĩ và thạc sĩ năm 2005 (chuyển diện theo Đề án 322) và một vài anh chị em diện chuyển tiếp ở Bắc Kinh cũng vậy, SHP diện Hiệp định từ tháng 1 đến tháng 7/2004 hiện cũng chưa hề được cấp.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Châu ở Huế, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Nam Kinh (tháng 7/2004) cho biết, sau khi về nước, chị đã lặn lội vào TP.HCM để kiếm việc làm, chị Châu vẫn chưa thể làm được thủ tục truy lĩnh SHP từ tháng 1-7/2004, vì theo Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy trình cấp bù SHP và vé tàu, vé máy bay cho LHS Việt Nam diện hiệp định thì "nhất thiết" phải có xác nhận của ĐSQ Việt Nam tại nước đã từng đến học tập (Trung Quốc), chị Châu vẫn chưa tìm được giải pháp cho tình huống này.

NCS Nguyễn Văn Thiện cho biết, ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2005, anh đã tới Vụ Đại học và sau đại học hỏi đồng chí Vũ Ngọc Hải và được đồng chí hứa là: đối với các trường hợp chuyển tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với ĐSQ thống kê danh sách và thực hiện cấp bù. song cho đến nay, số SHP từ tháng 1 đến tháng 7/2004 của chúng tôi vẫn chưa được cấp. Còn số SHP của toàn bộ LHS Hiệp định ở Trung Quốc từ tháng 1/2006 đến nay, chúng tôi cũng đều chưa nhận được, mặc dù có một số anh chị em sắp sửa tốt nghiệp về nước.

Nói chung, chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một điều kiện khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là rất khó khăn trong việc truy lĩnh SHP, đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo "hứa" là sẽ phối hợp với ĐSQ để cấp bù, còn ĐSQ thì luôn trả lời là Bộ GD-ĐT chưa trả lời.

Vậy số tiền trợ cấp SHP của chúng tôi từ tháng 1 đến tháng 7/2004 đã được trợ cấp cho ai? Và tại sao việc cấp phát SHP cho LHS ở các nước luôn chậm trễ? Chúng tôi xin nhờ Ban biên tập Báo Thanh Niên gửi câu hỏi này đến tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Thiện, Đặng Thế Tuấn
(thay mặt tập thể LHS Việt Nam tại Trung Quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.