Đà Lạt: Hạn chế tối đa cây xanh ngã vào nhà dân

09/07/2006 23:54 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 1.7 đưa tin: liên tiếp trong hai ngày 29 và 30.7 tại TP Đà Lạt thông ngã làm sập 2 nhà dân gây bức xúc trong dư luận. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: UBND TP Đà Lạt đã có cuộc họp với các ngành liên quan để chấn chỉnh việc kiểm tra, chặt hạ cây xanh theo đơn yêu cầu của nhân dân và các cơ quan.

Trước mắt, thành phố lập tổ công tác gồm đại diện Công ty Quản lý công trình đô thị (QLCTĐT), Hạt Kiểm lâm, Phòng Công - Nông nghiệp, trong vòng 15 ngày (kể từ 4.7) rà soát lại tất cả đơn thư xin chặt hạ cây, kiểm tra thực tế các khu rừng nội ô, thống kê số cây xanh có nguy cơ ngã đổ, đề xuất thành phố kịp thời cho đốn bỏ.


Ông Lê Chinh  - Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)

* Tại sao năm nào tại TP Đà Lạt cũng xảy ra  hiện tượng thông đổ làm sập nhà dân?

- Ông Lê Chinh: Những năm qua, công tác quản lý rừng nội ô thành phố được giao cho Công ty QLCTĐT, việc nhận đơn xin chặt hạ cây xanh cũng như thực hiện chặt hạ đều do công ty này đảm trách. Thế nhưng công ty vẫn chưa hoàn thành công việc một cách rốt ráo để đáp ứng yêu cầu. Mỗi năm số lượng cây cần chặt hạ khoảng 200-250 cây, trong đó một số cây do già cỗi, số khác do người dân cố ý tác động làm cho chết, sau đó xin chặt hạ. Với trường hợp này thì  kiểm lâm phải xử phạt trước khi cho đốn, và thực tế có nhiều hộ không chịu nộp phạt nên không thực hiện được. Mặt khác, để hạ một cây rất cần sự phối hợp của nhiều ngành như điện lực, bưu chính viễn thông, kiểm lâm.

* Để chặt một cây xanh, người dân cần làm những thủ tục gì?

- Khi phát hiện cây có nguy cơ ngã đổ, người dân làm đơn gửi đến Phòng Công - Nông nghiệp Đà Lạt, đơn vị  này sẽ phối hợp với hạt kiểm lâm, Công ty QLCTĐT đến hiện trường kiểm tra, nếu xác đáng sẽ đề xuất UBND thành phố cho phép đốn bỏ, Phòng Công-Nông nghiệp sẽ theo dõi và đôn đốc việc chặt hạ, kiểm tra việc tận thu gỗ. Khi xin chặt hạ một cây thông, người xin có nhiệm vụ trồng lại 5 cây  khác (hoặc đóng 750 ngàn đồng) để đơn vị quản lý trồng lại; người xin chặt hạ phải đóng tiền công chặt hạ, trường hợp nào quá khó khăn phải làm đơn xin miễn giảm sẽ được xem xét giải quyết.

Lâm Viên  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.