Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Phải bảo vệ quyền lợi của dân"

03/07/2006 23:46 GMT+7

>> MTTQ đề nghị được tham vấn trước khi Đảng, Nhà nước đề bạt cán bộ lãnh đạo Hôm qua 3/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân sĩ trí thức để chuẩn bị cho cuộc làm việc giữa Đảng đoàn MTTQ VN với Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: "MTTQ đã trải qua nhiều thời kỳ, trong tình hình mới hiện nay cần phải bổ sung thêm vị trí, vai trò và trách nhiệm của Mặt trận. Mặt trận ngày càng giữ vị trí quan trọng".

Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đặt vấn đề: "Đảng lãnh đạo, Mặt trận lại giám sát người lãnh đạo, vậy phải tìm cho ra cách giám sát có hiệu quả. Phản biện xã hội là cách để giúp Đảng sát sao với thực tế".

Đề án Phản biện xã hội do Ủy ban Trung ương MTTQ soạn thảo nêu: "MTTQ VN được tham gia với Đảng những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách có liên quan đến quốc kế, dân sinh. MTTQ VN khi phát hiện những địa phương, ngành thực hiện sai đường lối chính sách của Đảng, có tham nhũng tiêu cực, cán bộ lãnh đạo quan liêu, xa dân, không được dân tin thì được quyền hình thành văn bản để phản ánh với Đảng, Nhà nước... Việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo, hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội cần tham khảo ý kiến của Mặt trận, thông qua hiệp thương dân chủ của Mặt trận để có ý kiến phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng và chính quyền trực tiếp quản lý những cán bộ thuộc quyền của mình. Khi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề bạt cán bộ thì hỏi ý kiến của Mặt trận và đoàn thể nơi cán bộ đó sống, làm việc và sinh hoạt, coi sự phản ảnh này là một trong những căn cứ để cấp lãnh đạo nghiên cứu quyết định đề bạt, sử dụng cán bộ".

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng góp ý: "Không ai làm thay được Mặt trận trong việc tổ chức thăm dò dư luận, thăm dò qua hệ thống Đảng, hệ thống hành chính Nhà nước, qua các hội nghị... Việc này sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận".  Ông Lê Khả Phiêu lấy ví dụ: "Khi xuất hiện dư luận, vấn đề quan liêu, lãng phí đang gây bức xúc trong dân, ta có đợi đến kỳ họp của Quốc hội mới báo cáo không? Mặt trận phải phản ánh với Đảng, được Đảng thông báo lại và xử lý". Ông Trần Trọng Tân thì khẳng định: "MTTQ phải bảo vệ quyền lợi của dân, khi xảy ra khiếu kiện giữa người dân với chính quyền, nếu tìm hiểu thấy dân đúng, có khi Mặt trận phải thuê xe cho dân đi kiện (nếu nông dân thì Hội Nông dân đứng lên, công nhân thì Công đoàn...)".

Về ý kiến "không nên duy trì tình trạng Đảng cử dân bầu", ông Lê Khả Phiêu phát biểu: "Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo độc tôn nhưng nên để cho các đảng viên ứng cử với nhau. Khi bầu, nên có hai, ba người cùng ứng cử vào chức Tổng bí thư, rồi Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Đây không phải là điều gì quá mới mẻ, trước đó Đảng ta cũng đã làm".

X.Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.