Kiểm tra đánh giá học sinh: Bộ GD-ĐT “quên” cải cách !

26/06/2006 22:11 GMT+7

Hội thảo về kiểm tra đánh giá (KTĐG) học sinh do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức đúng vào thời điểm các tỉnh thành trong cả nước vừa công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006. Vẫn là những tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất, ngay cả ở những địa phương có nhiều tai tiếng trong việc tổ chức thi mà điển hình là Hà Tây với 99,27%.

Sức ép thi cử và bệnh thành tích

Trước những tiêu cực và gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TS Vũ Thị Phương Anh (Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục, Viện Nghiên cứu giáo dục) cho rằng có nguyên nhân quan trọng từ những sai lầm về phương pháp KTĐG. Hai điểm nóng của giáo dục VN trong nhiều năm nay là sức ép thi cử và bệnh thành tích tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống giáo dục, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. TS Phương Anh nêu câu hỏi: "Các hình thức KTĐG hiện nay để phục vụ học tập hay phục vụ bệnh thành tích?", và ngay lập tức được sự "cung cấp" từ thực tế của các địa phương.

Một giáo viên ở tỉnh Tiền Giang cho biết có năm TP Mỹ Tho xếp hạng 9 (hạng chót trong các huyện thị, thành trong tỉnh) của kỳ thi tốt nghiệp THCS; sau đó Thành ủy, UBND thành phố triệu tập họp đột xuất lãnh đạo phòng giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên để bàn "biện pháp" và chỉ cần 12 tháng sau đơn vị này vươn lên đứng đầu tỉnh. Cũng ở tỉnh này, ở một kỳ thi tốt nghiệp THPT, có một trường bán công chỉ đạt tỷ lệ đậu dưới 10%, nhưng cũng bằng việc "họp đột xuất" từ cấp trên thì kỳ thi năm sau liền đạt tỷ lệ tốt nghiệp hơn 90%! Là người trong cuộc, giáo viên này nêu quan điểm: "Có Thánh Gióng mới "vươn vai" được cỡ như thế. Rõ ràng họ muốn tỷ lệ tốt nghiệp bao nhiêu cũng được!". Một đại biểu tại TP.HCM thì băn khoăn: "Đề thi học kỳ mà Sở GD-ĐT ra chung cho học sinh toàn thành phố phải phù hợp với trình độ chung của tất cả học sinh, nhưng không thể lấy lý do có những "vùng sâu vùng xa" mà chỉ đạo ra đề quá dễ. Để khuyến khích học sinh học tập, vẫn cần có một số câu hỏi phân hóa trình độ". Do vậy, việc KTĐG phải được xác định là để phục vụ cho việc học tập của học sinh tốt hơn; chứ không phải để phục vụ cho những mục đích khác, nhất là phục vụ cho "bệnh thành tích" của các quan chức của tỉnh, ngành.

Điều tra về phương pháp giảng dạy và hình thức ra bài tập về nhà của giáo viên ở một số trường phổ thông, bà Trần Thị Huyền (Trường ĐH An Giang) nêu kết quả: 32,4% học sinh học thuộc lòng bài giáo viên giảng với mục đích "trả nợ" bài cũ cho thầy cô, còn hiểu hay không thì không thành vấn đề (!); 67,8% giáo viên dạy theo phương pháp thuyết trình, 13,7% dùng phương pháp "nêu vấn đề"; về hình thức ra bài tập về nhà của giáo viên thì có 51,2% phát lệnh "học thuộc lòng bài giáo viên dạy", 28% "làm tất cả bài tập trong sách giáo khoa". Với phương pháp dạy và học như vậy, việc KTĐG hiện nay khó giúp học sinh tiến bộ hơn, tự thỏa mãn với "thành tích" không thực mà mình đạt được.   


Các đại biểu trao đổi tại hội thảo (ảnh: N.Q)

"Học gì, thi nấy" hay "thi gì, học nấy!"?

Nhiều lần, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định học gì, thi nấy, giáo viên dựa trên sách giáo khoa để hướng dẫn học sinh học tập theo các yêu cầu của nội dung chương trình. Nhưng, với cách ra đề hiện nay thì nhiều giáo viên tùy cơ ứng biến "thi gì, học nấy" thì đúng hơn. Có người kể, thi tốt nghiệp THPT môn Văn chẳng hạn, năm nào tỉnh tôi cũng "trúng tủ" vì đề ra cứ lui tới trong mấy bài, mà đưa ra bài nào thì cũng chỉ phân tích một đoạn nào đó được biết sẵn. Vậy thì trách gì học sinh (và cả giáo viên) lại không chạy theo văn mẫu mà học, mà dạy! Từ năm học 2002-2003, Bộ GD-ĐT cho triển khai đại trà việc giảng dạy Tiếng Anh ở bậc THCS theo sách mới (đến nay đã xong lớp 9); tập trung theo hướng chủ đề, chủ yếu dạy cho học sinh khả năng giao tiếp. Thế nhưng, TS Đỗ Hạnh Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lại nhận định: "Nội dung các loại kiểm tra (miệng, 15 phút, tiết, học kỳ) lại chỉ chú ý đến ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng viết mà không hề chú ý đến kỹ năng giao tiếp".

Có vẻ như Bộ GD-ĐT chỉ chú trọng cải cách giáo dục mà "quên" cải cách việc KTĐG, quá chú trọng đến điểm số mà quên đánh giá học sinh qua những tiêu chí khác (hành vi, thái độ, kỹ năng...). PGS-TS Nguyễn Văn Lộc cho rằng nếu sử dụng KTĐG không đúng sẽ tạo ra áp lực thủ tiêu tính tích cực học tập của học sinh. Còn PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì kể chuyện Hiệp hội đánh giá ở Úc được lập ra hoàn toàn độc lập với Bộ Giáo dục, ý kiến của hiệp hội này được xã hội chấp nhận. Vì vậy PGS-TS Nguyễn Kim Hồng đề nghị: "Cục khảo thí và kiểm định chất lượng của ta cũng nên nằm ngoài Bộ GD-ĐT vì nếu vẫn là một bộ phận của Bộ GD-ĐT và làm như hiện nay thì sẽ liên tục bị xã hội phản ứng".

Để sớm nâng cao chất lượng giáo dục tại VN, nhiều ý kiến tại hội thảo đồng tình cần có một cuộc cách mạng trong KTĐG, trước mắt cần có một số biện pháp cụ thể như: trị tận gốc "bệnh thành tích", chấm dứt KTĐG chất lượng dạy học chỉ dựa vào các tiêu chí thi đua lâu nay vẫn thường dùng (điểm số học sinh, xếp loại học lực, số học sinh lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp...); giảm bớt các kỳ thi quốc gia không cần thiết; đẩy mạnh phân quyền cho các trường phổ thông trong việc quyết định các vấn đề chuyên môn... Cùng với việc giảm bớt thi cử, các cấp quản lý giáo dục nên nâng cao vai trò định hướng, giám sát hoạt động của các trường, xử lý thật nghiêm minh các sai phạm và tiêu cực.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.