Lưu học sinh Việt Nam bị “bỏ đói” ở Nga lên tiếng

12/06/2006 01:01 GMT+7

Kính gửi Ban biên tập Báo Thanh Niên Tôi là một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học tổng hợp Quốc gia Tula (Nga). Sau khi đọc bài Du học sinh bị lãng quên! của bạn Trần Công Nhật ở Romania (đăng trên Báo Thanh Niên ngày 10.6.2006), tôi thấy tình cảnh của chúng tôi cũng không khác gì các bạn ấy nên xin viết bài này kính mong quý báo giúp chúng tôi tìm lời giải đáp.

Chúng tôi là những sinh viên đang học ở Nga theo đề án xử lý nợ (XLN) giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Chúng tôi đang lâm vào tình cảnh "sống dở chết dở" vì tiền sinh hoạt phí (SHP) bao giờ cũng đến tay chúng tôi rất muộn. Chúng tôi đã nhiều lần viết thư cho các bác ở Bộ Giáo dục-Đào tạo và thậm chí còn đến gặp trực tiếp Đại sứ quán yêu cầu giải thích nhưng vẫn chỉ nhận được những lời hứa suông. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đoàn kết, gắn bó chia sẻ và động viên nhau cố gắng học tập tốt mà lúc nào cũng trong tình trạng đói triền miên. Cách đây 4 tháng, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga ký kết một số hiệp định mới trong đó quy định bên nào sẽ phải chi trả SHP cho nhóm sinh viên chúng tôi.

Khi chưa ký kết gì, chúng tôi đã khổ lắm rồi bởi lẽ tiền đến muộn. Nhưng khi đã ký kết xong, chúng tôi vẫn còn bị "bỏ đói" đến hơn 2 tháng sau mới nhận được ít SHP là 410 USD của "tháng 1 và nửa tháng 2". Vì thắc mắc, chúng tôi đã gọi điện, e-mail cho ĐSQ thì nhận được trả lời như sau: "Hiện nay giữa 2 Bộ Tài chính hai nước đang giải quyết tiếp những tồn đọng về nửa tháng học bổng tháng 2.2006. Khi nào giải quyết xong, Bộ Tài chính sẽ có thông báo. ĐSQ cấp những gì nhận được từ duyệt cấp của Bộ Tài chính Việt Nam. Đề nghị các đơn vị thông báo cho LHS biết, không thắc mắc, vì Nhà nước đã biết và đang giải quyết, không thể mất số tiền đó được...". (Trích nguyên văn văn bản gửi cho LHS tại Tula)

Thưa Ban biên tập, nỗi khổ của chúng tôi không kể đâu cho hết, tại sao chúng tôi không có quyền thắc mắc những vấn đề liên quan đến cuộc sống của chúng tôi? Nhà nước hiểu và thông cảm cho chúng tôi nhưng có biết rằng hiện nay giá cả ở Nga đang tăng vùn vụt và sự "xuống dốc không phanh" của đồng USD không? Hiện tại, SHP mỗi tháng là 250 USD không còn đủ cho chúng tôi trang trải những khoản đóng góp và mua đồ dùng học tập khi mà tiền ăn đã chiếm gần hết số tiền học bổng của chúng tôi. Rồi cả tiền học bổng nửa tháng 2 và tháng 3, 4, 5, 6 của chúng tôi cũng chưa thấy đâu. Chúng tôi bây giờ thì có khác gì các bạn ở Romania đâu, cũng sống trong cái cảnh "nợ như chúa chổm" từ lâu lắm rồi. Tất cả chúng tôi (bao gồm lưu học sinh theo diện XLN, diện Hiệp định và Bộ Quốc phòng) sẽ sống thế nào đây khi mà không ai còn đủ tiền để có thể sống đến cuối tháng?

Những người cho chúng tôi mượn tiền nay muốn về Việt Nam, nhưng chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho họ để họ về quê đây khi mà trong túi tôi chỉ còn những đồng côpek không đủ để mua một cái bánh mỳ đen (đồ ăn rẻ nhất ở Nga). Chúng tôi chẳng có yêu cầu gì to tát cả, chỉ mong sao Nhà nước mình gửi tiền cho chúng tôi đều đặn là chúng tôi vui lắm rồi. Vậy mà cũng có được đâu. Tháng trước, chúng tôi rất lo lắng khi một bạn gái trong đoàn ngất xỉu trong lớp vì đói quá. Cũng đúng thôi, không ngất xỉu sao được khi mà cả mấy tháng trời nay bụng chỉ toàn có mì tôm và nước lã. Bữa cơm bình dị nhất của một người Việt Nam cũng không có vì gạo bây giờ được ví như là một thứ đồ xa xỉ. Chúng tôi chán lắm rồi, nghĩ lại cái cảnh thiếu thốn đủ thứ thế này thì còn tâm trí đâu để mà học hành cơ chứ. Có mấy bạn cũng bức xúc gửi thư lên ĐSQ và mấy bác trong Bộ GD-ĐT nhưng không thấy hồi âm dù chỉ là một lời động viên. Tôi thay mặt cho những sinh viên theo diện XLN nói chung và sinh viên XLN ở Trường ĐH tổng hợp Quốc gia Tula nói riêng kính mong quý báo giúp chúng tôi tìm ra câu trả lời cho vấn đề này vì bây giờ chúng tôi không còn biết nhờ cậy vào ai nữa rồi... Nhà chúng tôi nghèo nên bố mẹ chúng tôi cũng khó mà giúp được. Nếu như tuần sau vẫn chưa có tiền học bổng có lẽ tôi sẽ phải bán chiếc máy vi tính của mình để có ít tiền mà mua thịt ăn để có sức ôn thi.

Tôi xin cam đoan những gì mình viết ra là sự thật, nếu có gì sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Kính mong Ban biên tập cho chúng tôi câu trả lời sớm nhất theo địa chỉ e-mail: quyenbinhdan_bk@yahoo.com.

Xin chân thành cám ơn quý tòa soạn.

Khi đọc bài viết Du học sinh bị lãng quên!, tôi thấy phần phản hồi của cơ quan chức năng thực sự vô lý. Phần phản hồi có đoạn: "Theo quy trình, Bộ GD-ĐT là cơ quan đầu mối. Sau khi nhận được danh sách lưu học sinh diện hiệp định do Ðại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại gửi về Bộ GD-ĐT, Vụ Hợp tác quốc tế lập danh sách, kiểm tra lại danh sách, sau đó gửi sang Vụ Kế hoạch-Tài chính làm công văn đề nghị cấp bù sinh hoạt phí cho lưu học sinh. Việc các lưu học sinh đang theo học tại Romania chưa nhận được sinh hoạt phí hơn 5 tháng qua, có thể do sự trục trặc ở khâu thông tin. Sau khi nhận được thông tin từ Báo Thanh Niên, chúng tôi đã lập tức liên lạc với ông Phạm Văn Độ - cán bộ quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Romania... Chỉ trong thời gian ngắn nữa, các lưu học sinh diện hiệp định tại Romania sẽ nhận được sinh hoạt phí".

Sau khi đọc xong đoạn trích này, không thể không đặt ra câu hỏi: Bộ GD-ĐT quản lý lưu học sinh kiểu gì mà lại không có danh sách lưu học sinh do mình quản lý? Vậy từ trước đến giờ Bộ GD-ĐT quản lý lưu học sinh như thế nào nếu không có danh sách của họ? Và tại sao trong một khoảng thời gian dài đến 5 tháng mà ông Phạm Văn Độ - cán bộ quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Romania lại không thông báo gì cho Bộ GD-ĐT về vấn đề này, mà phải cho tới khi sự việc được nêu trên báo thì mới có sự liên hệ giữa Bộ GD-ĐT và cán bộ quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Romania?

Q.T.B.D

Trần Đức Quyền
 (Room 703-hostel 4/1-street Aruzenaya 15/1-Tula 300028-Russia)

Bài vở tham gia diễn đàn, xin gửi về thanhhang@thanhniennews.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.