Nhàn đàm: Chuyện nhỏ về lời chào

29/04/2006 15:49 GMT+7

Khi còn rất nhỏ, mới năm bảy tháng tuổi, đứa bé thường được bé ngồi trên đùi mẹ. Mẹ nắm hai tay bé chắp lại với nhau, tay kia mẹ đặt sau đầu bé rồi dạy bé chào mọi người. Mẹ vừa "ạ" vừa ấn nhẹ đầu em cúi xuống, mãi cho đến một ngày mỗi lần nghe bảo "Ạ đi con!" là bé tự biết vừa cúi đầu vừa phát ra tiếng "ạ". Mọi người reo lên, ai cũng khen bé ngoan, bé giỏi.

Chưa đầy tuổi, chưa biết gọi ba gọi mẹ, bé đã biết chào, lời chào rất dễ dàng mà lại đem lại rất nhiều tình cảm. Rồi bé đi nhà trẻ, vào mẫu giáo, học cấp một cấp hai, trong gia đình, ngoài xã hội, lời chào là một phép xã giao thông thường không thể thiếu của một con người. Có khi chỉ một cái gật đầu, một nụ cười thay cho lời chào hỏi cũng đem đến niềm vui cho người đối diện, có khi thái độ dửng dưng, lạnh lùng làm cho bao tình cảm tốt đẹp bỗng chốc tiêu tan.

Một lần đang ngồi ăn phở, đối diện tôi là một khuôn mặt quen quen. Vốn không phải là một người hâm mộ thể dục thể hình, tôi lục lọi mãi trong trí mới sực nhớ ra. Tôi huých tay chồng tôi, nói nhỏ: "Phạm Văn Mách kìa anh". Nói thật nhỏ nhưng cũng đủ Phạm Văn Mách nghe được, anh ấy gật đầu chào chúng tôi với nụ cười rất hiền hậu và chân thành. Chỉ có thế nhưng chúng tôi rất vui, về nhà tôi còn khoe với các con mình, tôi có cảm tình hơn với bộ môn thể dục thể hình và có khi còn để ý đến chuyện anh đi thi đấu ở đâu, có được huy chương hay không qua báo chí, truyền hình...

Cũng vậy, một buổi chiều trên đường phố đông đúc, giữa dòng xe chầm chậm nối đuôi nhau, chúng tôi tình cờ chạy song song với nghệ sĩ Trung Dân, thấy chúng tôi nhìn tỏ ý nhận ra anh, anh liền gật đầu chào với nụ cười tươi tắn. Khi vượt qua, anh còn ngoái đầu nhìn và vẫy tay chào tạm biệt. Thú thật trước kia tôi không mấy thích anh vì lối diễn của anh có vẻ mộc mạc, quê mùa quá, lại hơi cường điệu, nhưng sau lần gặp gỡ tình cờ đó tôi bỗng thấy anh diễn có duyên hơn, ấn tượng hơn.

Nhưng không phải ai cũng biết giá trị của phép xã giao thông thường ấy. Có lần tôi đi đám cưới gặp lại người bạn cũ, cô ấy đi với hai cô bé trạc mười lăm, mười bảy thật xinh xắn, tôi hỏi: "Con gái của bạn đấy à, xinh quá nhỉ!". Bà mẹ gật đầu cười xác nhận, vậy mà hai cô bé chẳng gật đầu chào tôi được một tiếng dù hai cô biết tôi là bạn của mẹ mình. Không chỉ là trẻ con mới vô tình như vậy, có một ông nghe đâu là tiến sĩ dọn về ở cạnh nhà tôi khoảng một năm nay. Vốn trọng người học thức cao, đi ngang nhà ông tôi thường liếc nhìn hai tấm bảng mi ca đặt trên bàn viết ngoài phòng khách: TS Nguyễn X và PH.D Nguyễn X. với lòng ngưỡng mộ, mong có dịp được "hân hạnh kính chào". Nhưng suốt một năm trôi qua mà tôi không có được cái may mắn ấy dù hầu như ngày nào cũng gặp mặt nhau, bởi chạm mặt nhau mà lúc nào ông cũng làm như không thấy. Có lần tôi cố tình chào ông trước nhưng ông cứ tỉnh bơ làm tôi sượng trân. Không hiểu ông ấy không biết chào hay tự cho mình cao hơn người khác. Tôi bỗng giật mình sực nhớ đến con mình, những đứa con trai đã ngoài hai mươi tuổi, tôi vẫn thường phải dặn dò chúng cẩn thận như trẻ lên ba: "Gặp ai tụi con phải nhớ chào hỏi cẩn thận nhé, chứ có học hành đỗ đạt tới đâu mà không biết đến phép xã giao thông thường ấy thì cũng bị người khác cho là vô văn hóa đấy".

C.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.