Dinh Độc Lập: Chứng tích một thời

27/04/2006 23:16 GMT+7

Dinh Thống Nhất (TP.HCM) trước năm 1975 gọi là dinh Độc Lập, nơi tập trung quyền lực cao nhất của chế độ Sài Gòn, là trung tâm đầu não quyết định tất cả những kế hoạch có tầm vóc "chiến lược quốc gia" tuyệt mật, phát đi những mệnh lệnh "hành động chiến thuật" trong từng thời kỳ của hai nền đệ nhất và đệ nhị "cộng hòa" ở miền Nam Việt Nam.

Ngoài ý nghĩa chứng tích của một giai đoạn lịch sử nêu trên, dinh Độc Lập là di tích cách mạng vì ngay trong lòng nội thất của dinh này đã diễn ra cuộc chiến đấu thầm lặng, ác liệt, nguy hiểm của tổ tình báo chiến lược A.22. Để, từ nơi này, những tin tức tài liệu tối mật được truyền về Hà Nội trong thời kháng chiến chống Mỹ. Đó là điều mà hai ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu khi còn làm tổng thống Việt Nam cộng hòa đã không ngờ tới. Họ không ngờ mọi động tĩnh suy tính ở dinh Độc Lập đều không lọt qua cặp mắt, quan sát kỹ lưỡng của người cộng sự tin cẩn, nhưng đồng thời cũng là một điệp viên chiến lược được Bác Hồ và đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao trách nhiệm đặc biệt vào Nam: tướng Vũ Ngọc Nhạ. 

Hãy tìm hiểu gốc tích của mảnh đất (đúng hơn là ngọn đồi, có thế "ngọa long" như một số người xem phong thủy đồn đại) dùng làm nơi tọa lạc của dinh thự những người có quyền thế cao nhất ở miền Nam qua các thời kỳ. Mở đầu là dinh Thống soái, Phủ toàn quyền Đông Dương, có tên là dinh Norodom, đều nằm trong phạm vi đất xây dinh Độc Lập sau này. Đi tìm các tài liệu cụ thể về việc xây dựng nên cái dinh thứ nhất trên đất ấy, chúng tôi thấy rải rác đây đó những đoạn ngắn, mô tả và thuật lại cũng chỉ qua các tư liệu bị cắt xén. Trong số đó, chúng tôi đã chọn một tài liệu được lưu trữ bằng những trang đánh máy tại Thư viện khoa học xã hội TP.HCM, viết về những ngày đầu vận động, cho đến khi đặt viên đá đầu tiên xây dinh Thống soái Nam Kỳ cách đây gần 140 năm trên vị trí dinh Thống Nhất ngày nay. Đó là tường thuật bằng tiếng Pháp của Bouchot do Đỗ Văn Anh dịch dài 6 trang đánh máy, với các chi tiết khá sinh động mạn phép tóm lược sau đây. Vào những năm đầu của thập niên 1860 tức giữa thế kỷ 19, một số "sản nghiệp địa ốc" dựng nhà ban đất, mọc lên bao quanh khu đồi thoai thoải chạy từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Chúng như những "đợt sóng mới" khi biến khi hiện, kéo dài ra tới bờ sông Sài Gòn còn vắng biệt bóng người đi lại vào mỗi chiều tối. Khi màn đêm buông xuống, các con đường quanh đồi vừa quen vết chân người từ châu u tới, cũng chìm trong không gian yên ắng, chúng mang những cái tên Pháp như Rue de L'impératrice (đường Hoàng Hậu), Rue du Gouverneur (đường Thống đốc), hoặc Pellerin, Chaigneau, Mac Mahon, xa xa là Catinat... Đại để đó là những con đường có quan hệ huyết mạch gần gũi, láng giềng, chạy ngang hoặc dẫn đến công viên của dinh Thống đốc. Một kiến trúc sư mua miếng đất gần đường Phạm Ngọc Thạch bây giờ và chính ông ấy là tác giả dinh Thống soái được xây cách khu đất của ông không xa. Đó là kiến trúc sư Hermitte. Bản thiết kế được chính Thống đốc De la Grandière lúc đó thông qua và ngày 23.3.1868. 

Theo tài liệu dẫn trên, viên đá đầu tiên ấy là một tảng hoa cương, màu xanh, lấy từ các hầm đá vùng Biên Hòa, đẽo vuông vức với cạnh 50 cm, đặt nằm sâu 2,6m dưới lớp đất thứ nhất. Cạnh nó đặt một hộp bằng chì đựng những đồng tiền mới bằng vàng, bạc và đồng có chạm hình Hoàng đế Napoléon đệ tam. Sau lễ đặt viên đá đầu tiên, việc xây dựng có vẻ chậm chạp. Có lẽ vì định mệnh đã đặt ngọn đồi trong thế phong ba, sóng bão, truân chuyên, nên bị thời cuộc, chiến sự kìm tốc độ xây dựng. Phần khác, vật liệu nhiều thứ phải chở từ Pháp sang, kéo dài thêm thời gian. Hơn 2 năm sau, vào tháng 12.1870 nền móng mới đào xuống tới 3,5 mét và ngày 10 tháng ấy tính có đến "2 triệu viên gạch đã đem dùng, móng bằng đá xanh Biên Hòa, các bức tường xây lên tới chiều cao 10 thước. Để thực hiện công việc trên, người ta phải yêu cầu Hồng Kông và Quảng Đông cấp cho một xưởng thợ chuyên môn đầy đủ (theo tư liệu)". Khi công trình hoàn thành, ông De La Grandière và gia đình đã sớm rời "ngọn đồi đẹp nhất vùng Sài Gòn" này để chấm dứt vai trò theo lệnh từ nước Pháp mang đến và để chuyển giao quyền "chủ nhân" dinh lớn này vào tay đô đốc Ohier. Thế là người có địa vị quản lý cao nhất và đầu tiên của ngọn đồi có lợi thế phong thủy, nơi tọa lạc của dinh Thống Nhất ngày nay phải ra đi. Ông không có dịp ngồi trên chiếc ghế "chủ nhân" của dinh này một ngày nào nữa.

Đến thời ông Ngô Đình Diệm, dinh được gọi là Phủ tổng thống. Trận ném bom năm 1962 vào dinh này do sĩ quan không quân phản đối chế độ thực hiện, đã làm hư hỏng nặng, nên ông Ngô Đình Diệm cho xây mới hoàn toàn, theo thiết kế công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Khi ông Diệm mất, dinh vẫn chưa khánh thành. Việc khánh thành được tổ chức sau năm 1963. Sau ngày 30.4.1975, Nhà nước công nhận dinh Độc Lập là Di tích lịch sử - văn hóa với tên mới là dinh Thống Nhất. Đến nay, tính từ khi có mặt, mới đó dinh trải nhiều sóng gió trong hơn 130 năm qua, nhanh như tên bắn, ngắn như chớp mắt, phù hoa ?

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.