TP.HCM: Mưa ngập, nắng cũng ngập !

06/04/2006 00:20 GMT+7

Không chỉ mùa mưa mà ngay cả mùa nắng, một số khu vực ở TP.HCM cũng bị ngập nước. Có nơi như P.7 và P.15 của Q.8, mỗi tháng có 20 ngày người dân phải sống chung với ngập lụt. "Bao giờ hết ngập" là câu hỏi của đại diện chính quyền P.15, Q.8 nói riêng và của người dân TP.HCM nói chung tại buổi tiếp xúc giữa Sở Giao thông - Công chính (GTCC) với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) TP.HCM ngày 5/4.

Chị Lê Thị Kim Dung, Bí thư Đảng ủy P.15, Q.8 bức xúc: "Ở phường chúng tôi sáng mở mắt ra là nước ngập, chiều tối cũng ngập nước. Người dân ngao ngán". Anh Lê Viết Thành, Chủ tịch UB MTTQ P.15, Q.8 bổ sung: "Ở khu vực bến Mễ Cốc 1 và 2, có những ngày nước triều dâng lên chưa kịp rút là lại thêm đợt triều cường khác bồi thêm". Anh Nguyễn Thanh Sang, Bí thư Đảng ủy P.7, Q.8 cũng kể khổ: "Phường chúng tôi chỉ có con đường độc đạo là đường Phạm Thế Hiển, nhưng hằng tháng có 20 ngày bị ngập do triều cường. Bình thường thì ngập sâu khoảng 4 tấc, khi triều dâng cao gặp lúc có mưa thì ngập đến yên xe gắn máy". Đại diện chính quyền ở 2 phường bị ngập nặng nhất Q.8 đều đề nghị Sở GTCC "gút" lại thời gian giải quyết ngập trong giai đoạn trước mắt và lâu dài,


Không mưa vẫn phải lội nước trên đường

để từ đó họ sẽ thông báo cho người dân trong phường biết.

Ông Trần Đình Phú, Phó giám đốc Sở GTCC cho biết, khu vực P.15, Q.8 có cao độ mặt đất rất thấp, từ 0,7 - 0,9m, thấp hơn 0,4 - 0,6m so với mực nước triều cường, nên thường xuyên xảy ra ngập. Dự án ODA cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ có hạng mục xây dựng trạm bơm ở bến Mễ Cốc 1 và 2, sẽ giải quyết ngập cho khu vực này. Hạng mục xây dựng nói trên sẽ được khởi công vào tháng 5/2006 và dự kiến hoàn thành trong năm 2008. Ông Phú cũng cho biết, lẽ ra công trình này đã được khởi công từ năm ngoái, nhưng do lúc đó chưa tìm được nhà thầu, nên đã chậm cho đến bây giờ. Còn việc giải quyết ngập đường Phạm Thế Hiển, ông Phú khẳng định trong năm nay sẽ cho nâng nền đường lên từ 7 phân đến 6 tấc, với chiều dài khoảng 2 km đường.

Hai khu vực cũng thường bị ngập do triều cường khác là Q.Bình Thạnh và Q.6. Để giải quyết ngập về lâu dài, ông Phú cho rằng phải thực hiện xong các dự án ODA mới giải quyết ngập. Đó là các dự án Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; dự án Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm... Trong khi chờ thực hiện các dự án ODA (dự kiến đến năm 2007-2008 mới xong), Sở GTCC đã triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn trong nước. Điển hình là dự án xây dựng cống kiểm soát triều tại các ngã ba sông để giải quyết ngập ở khu vực Q.Bình Thạnh. Ông Phú cho biết, đến nay, dù mới đưa vào vận hành được 1 cống Bình Triệu, nhưng tình trạng ngập do triều cường tại các phường 12, 13, 24, 26, Q.Bình Thạnh đã được giải quyết cơ bản. Còn chuyện giải quyết ngập ở Q.6, ông Phú cho biết giải pháp trước mắt là nạo vét kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 2/2006) và đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu giảm ngập trong giai đoạn trước mắt cho khu vực này. Theo thạc sĩ Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM), có thể tạo một hướng thoát nước mới chạy dọc theo tuyến đường An Dương Vương, song song với tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đồng thời xây dựng trạm bơm để giải quyết giảm ngập cho khu vực. Ông Long đề nghị chính quyền thành phố phải kiên quyết giải tỏa nhà ven kênh rạch, tiến hành nạo vét thông thoáng dòng kênh thì mới có thể giải quyết được bài toán giảm ngập nước ở khu vực Q.6 nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung.

Dự báo tình hình ngập trong thời gian tới, ông Trần Đình Phú cho rằng, từ nay cho đến khi hoàn thành các dự án ODA và các dự án sử dụng vốn trong nước, tình hình ngập có khả năng giảm dần. Đến cuối năm 2008 - 2009, tình hình ngập ở khu vực trung tâm thành phố cơ bản được cải thiện, ngoại trừ lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Khi nào dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được thực hiện xong, thì vùng trung tâm thành phố mới cơ bản xóa ngập. Thời gian thực hiện xong dự án này chưa rõ, bởi vì hiện nay mới đang thực hiện giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 thì vẫn chưa tìm được nguồn vốn (tổng đầu tư cho cả dự án là 298 triệu USD). Ở các khu vực ngoại vi, tình trạng ngập được dự báo là sẽ gia tăng nếu không có các giải pháp quản lý đô thị hợp lý. Đó là các quận đang trong tiến trình đô thị hóa như quận 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và cả ở 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.