18 ngàn lần đối mặt với tử thần

30/03/2006 22:07 GMT+7

“Hôm nay gỡ được 400 quả bom, đạn, mìn các loại. Tại sao lại nhiều thế nhỉ? Mình có nên tiếp tục công việc này nữa không???” (ngày 2.3.1993). “Hôm nay gỡ được tới 500 quả. Bom đạn đâu mà nhiều thế nhỉ? Mình đi tháo nhặt bom đạn mà cứ ngỡ như đi dỡ khoai lang...” (ngày 4.6.1995). Đó là những dòng nhật ký trong thời bình đầy cảm động của thượng tá không quân Phạm Minh Thư - Chỉ huy trưởng Căn cứ sân bay Cù Hanh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Được đọc những trang nhật ký anh viết, chúng tôi cảm nhận được sự khốc liệt của bom đạn và cả sự âm thầm chịu đựng hiểm nguy. Thượng tá Phạm Minh Thư cho chúng tôi biết nguyên nhân đến với công việc trái chuyên môn của mình: "Công việc tháo gỡ bom mìn là quyết định liều lĩnh nhất trong cuộc đời tôi. Ngoài anh em trong đơn vị, không ai biết tôi làm việc này, kể cả gia đình. Trước năm 1992, hầu như ngày nào ở khu vực này cũng nghe tiếng nổ, rồi chứng kiến cảnh chết chóc do giẫm đạp bom mìn nên tôi không thể ngồi yên...". Ý thức công việc mình làm mức độ rủi ro rất cao, thượng tá Phạm Minh Thư không bao giờ yêu cầu cán bộ chiến sĩ trong đơn vị tham gia, ngoại trừ một người là thiếu tá Nguyễn Tiến Đạt, một cấp phó của anh. Trong cuốn nhật ký của anh có đoạn: "Hôm nay Đạt lên cơn sốt, không đi được. Một mình, mình vẫn tiếp tục công việc thôi. Thế cũng được bởi nếu lỡ có chuyện gì...".

Trong mười mấy năm rà soát bom mìn, thượng tá Phạm Minh Thư đã tháo gỡ được hơn 18.000 đầu đạn các loại, tức cũng chừng ấy lần đối mặt với tử thần. Gỡ những trái lựu đạn, mìn râu tôm to bằng nắm tay đến quả bom nặng hàng tạ, vậy mà anh vẫn bình an vô sự, không bị bất kỳ một vết xước nhỏ nào. "Có phép nhiệm mầu chăng?", chúng tôi đặt câu hỏi. "May mắn đấy thôi ông ạ ! Tôi không còn nhớ đã bao lần bị tử thần "vồ hụt", có những tình huống bây giờ nghĩ lại mồ hôi hột cứ đổ ra", anh Thư nói.

Anh hồi hộp nhớ lại: "Lần đầu tiên tôi thoát chết là lần tháo quả đạn M79. Đang làm bỗng thấy cổ họng khô cứng khát chịu không nổi, nên đi uống nước. Vừa đi được hơn chục bước chân thì quả đạn phát nổ... Trời ạ! Nếu nán lại ít giây nữa thôi, có lẽ... Tiếp đến là lần đơn vị cày đất tăng gia, tôi phát hiện thấy quả bom bi đã bị biến dạng nằm lộ thiên trên mặt đất. Thấy lạ, tôi cầm lên xem, nhưng chợt nghĩ phải cảnh giác với thứ "của nợ" này. Đúng như linh tính đã mách bảo, quả bom phát nổ khi vừa được tôi ném ra khoảng 20 mét chưa kịp chạm mặt đất. Lần kế tiếp là hôm tháo quả mìn râu tôm được lính ngụy cài bảo vệ quanh khu căn cứ. Tháo xong quả mìn, tôi dùng tay giật mạnh những sợi râu tôm cắm sâu trong lòng đất. Giật mãi mà thấy nó cứ "nằm lỳ" nên đành phải dùng cuốc khoét cho miệng hố rộng ra. Đến đây tôi mới phát hiện thấy một chùm lựu đạn cài chung với những sợi râu tôm. Hú hồn hú vía, lúc bấy giờ chỉ cần sợi râu tôm bất kỳ nào đó bung lên là coi như chết chắc". Theo anh Thư, tháo gỡ bom mìn đã khó, vận chuyển đến nơi tiêu hủy còn khó gấp bội phần. "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", đó là nghệ thuật tháo gỡ xử lý bom mìn của những người lính công binh mà thượng tá Phạm Minh Thư đã thuộc nằm lòng. Ngót nghét gần 20 tấn bom đạn đã được anh xử lý như thế. Anh nói vui: "Đến cả con cái mình lúc sơ sinh cũng không được bồng bế nhẹ nhàng như thế...".

Chị Hà, vợ anh Thư nghẹn ngào khi được anh em trong đơn vị kể lại kỳ tích có một không hai của chồng mình. "Anh mê gỡ bom đạn như thế chả trách ngày nào cũng bảo bận việc đơn vị, chục năm trời không chịu về phép...", chị nói. Cũng trong thời điểm này, lượng bom đạn được anh tháo gỡ thu gom về căn cứ đã quá nhiều nên cần phải báo cáo cấp trên đề xuất phương án xử lý. Sự việc lúc này mới được nhiều người biết đến, thay vì bị khiển trách do không báo cáo xin ý kiến cấp trên việc mình làm, thượng tá Phạm Minh Thư đã được cơ quan chuyên môn đề nghị khen thưởng về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác rà phá xử lý bom mìn tồn đọng trong chiến tranh...

Đến thăm mái ấm của thượng tá Phạm Minh Thư, chúng tôi mới phần nào cảm nhận được cuộc sống bình dị của người lính. Chị Hà, người bạn đời của anh chỉ tay lên tấm ảnh gia đình nói: "Hàng chục năm anh đi gỡ đạn, mình ở nhà làm "lính phòng không". Hai đứa con trai giờ đã vào đại học, nhưng ít khi được gần bố. Mấy năm trước, để lo cho con ăn học cực lắm, hết chạy chợ lại phải cuốc đất trồng rau, nuôi heo, làm đủ thứ việc. Anh vắng nhà, mình nghĩ do bận công việc đơn vị chứ nào có biết anh làm cái việc nguy hiểm ấy đâu".

Suốt 17 năm giữ cương vị chỉ huy trưởng căn cứ sân bay Cù Hanh thì có đến 14 năm liên tục thượng tá Phạm Minh Thư lãnh đạo đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng. Bản thân anh 11 năm là chiến sĩ thi đua và là một trong những gương mặt tiêu biểu của quân chủng Phòng không Không quân. Đặc biệt, năm 2005 anh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho chiến công thầm lặng và bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ khi chấp nhận đương đầu với thử thách, đối mặt với hiểm nguy để mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.