Bóng đá Việt Nam và khoảng trống văn hóa

23/12/2005 00:53 GMT+7

Tôi vừa nhận được e-mail của một người bạn - nhà thơ Nguyễn Đỗ, gửi về từ Mỹ. E-mail có đoạn: "Chuyện Văn Quyến làm tôi khẳng định thêm về một điều, nếu không có ánh sáng văn hóa, một thiên bẩm sẽ bị đè bẹp ngay bởi cái bóng tối của "khoảng trống văn hóa". Phi Hùng, quê ở thị trấn Đức Thọ, nhà sát cạnh nhà em gái tôi, tôi biết cả nhà ấy. Cả bố, con, anh em họ đều chơi bóng hay cả mấy chục năm nay. Đau quá, đồng tiền đã xé nát tất cả, danh dự, tình nghĩa, đạo lý...".

Đoạn thư của bạn khiến tôi phải ngẫm nghĩ rất nhiều khi muốn cắt nghĩa tại sao bóng đá Việt Nam lại nhiều tiêu cực như vậy, tại sao cầu thủ VN lại "bán mình" một cách dễ dàng và rẻ rúng như vậy ? Câu trả lời chính là cái "khoảng trống văn hóa" ấy đang cư ngụ ngay trong lòng bóng đá VN, trong hành trang vào đời và vào nghề của nhiều cầu thủ. Lâu nay chúng ta, hoặc không coi trọng văn hóa, hoặc ngược lại coi văn hóa là cái gì quá cao vời. Cả hai quan niệm sai lầm ấy đều dẫn tới sự thiếu vắng văn hóa trong đời sống của nhiều lớp người, thậm chí nhiều thế hệ. Bóng đá không là ngoại lệ. Có một thực tế là rất nhiều cầu thủ VN khi hiến mình cho môn "thể thao vua" này họ đều có xuất phát học thức khá thấp. Nhiều người chỉ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, ít người học xong trung học, càng quá ít người có học vấn đại học. Dĩ nhiên, không ai dựa vào bằng cấp để xác lập sự thủ đắc văn hóa ở một con người, nhất là bằng cấp ở nước ta bây giờ. Trường hợp đau lòng của một tài năng "nhí" ngày nào - Trần Thế Vọng ở Gia Lai - nói lên một người dù rất trẻ, rất có thiên bẩm nhưng thiếu đi nền tảng văn hóa đã rơi vào bi kịch như thế nào. Văn Quyến có thể mất cuộc đời cầu thủ, còn Thế Vọng - đau đớn hơn - mất cả sinh mạng vào cái đêm "định mệnh" khi đội U.23 VN thi đấu với U.23 Malaysia. Như đã kỳ vọng Văn Quyến, tôi cùng bao người yêu bóng đá đã từng âm thầm kỳ vọng vào Trần Thế Vọng ngay từ lúc em mới chơi ở giải nhi đồng toàn quốc. Đó thực sự là một mầm tài năng hiếm có. Nhưng người ta đã làm gì với những "bản năng bóng đá" đó ? Và đã chú ý đến cái gì trước, khi muốn đưa họ vào con đường nhiều khó khăn của nghiệp cầu thủ ? Những cách khai thác vội, ăn non, hớt ngọn trong đào tạo bóng đá trẻ ở ta đã góp phần làm thui chột rất nhiều "chuẩn tài năng". Lẽ ra với những em có tài năng bẩm sinh như Quyến như Vọng, đầu tiên họ phải được học tập trong một trường năng khiếu bóng đá, và ở đó, học văn hóa bao giờ cũng song hành với học bóng đá, thậm chí học văn hóa phải chiếm nhiều thời gian hơn. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, những trường đào tạo bóng đá trẻ luôn nằm trong lòng những câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều câu lạc bộ đã nổi tiếng thế giới vì những "lò" đào tạo bóng đá trẻ của mình. Vậy mà họ vẫn chưa hết lo vì sự thiếu hụt văn hóa ở những cầu thủ trẻ mà họ đào tạo. Chuyện cờ bạc, rượu chè, trai gái dễ dãi không phải không có ở những cầu thủ trẻ rất chuyên nghiệp ở Anh ở Pháp hay ở Hà Lan mà chúng ta đều biết. Huống chi là cách dạy dỗ và dùng cầu thủ quá hời hợt như ở ta. Ông Riedl - một HLV xuất thân từ cầu thủ - là một người rất có văn hóa và rất mong muốn cầu thủ VN mà ông dẫn dắt thủ đắc được "càng nhiều văn hóa càng tốt". Nhưng một phần rào cản ngôn ngữ, văn hóa, một phần do ông không thể sâu sát cầu thủ đã khiến ước muốn ấy ở ông vẫn chỉ là ước muốn. Những cầu thủ VN của ông vẫn sống rất "hồn nhiên" một cách ít văn hóa. Họ không ý thức được một cầu thủ chuyên nghiệp phải sống như thế nào, cũng không ý thức được danh dự cá nhân và danh dự đội bóng, danh dự quốc gia mà mình đại diện có ý nghĩa như thế nào. Vì lẽ đó, họ dễ dàng sa vào những cám dỗ tầm thường mà nếu có văn hóa, họ sẽ có được cái "ba-ri-e" để cản lại đúng vào lúc họ dao động nhất. Nhưng đâu phải chỉ những cầu thủ trẻ của ta ít văn hóa. Vừa rồi, người đọc cả nước đã giật nảy mình khi đọc những câu trả lời phỏng vấn của một trợ lý huấn luyện viên U.23 VN, và ngao ngán khi đọc những câu trả lời tránh né trách nhiệm, đổ lỗi cho "phần còn lại ngoài... mình" của một vị phó đoàn thể thao VN tại SEA Games 23. Dù ông Lê Thụy Hải chỉ... cười còn ông Lê Thế Thọ oà... khóc sau đó thì cái bóng của "khoảng trống văn hóa" đã đổ xuống họ quá đậm.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.