“Knorr đảm đang” có 2 chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế

28/10/2005 00:21 GMT+7

Sau khi Công ty Unilever chấp nhận việc sửa nhãn sản phẩm “Knorr đảm đang”, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) về các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và thời gian cho việc điều chỉnh nhãn hàng. Ông Đáng cho biết:

- Về nhãn hàng của sản phẩm "Knorr đảm đang", công ty có sai và công ty đã phải chấp nhận việc điều chỉnh. Thanh tra Bộ Y tế và Cục Quản lý thị trường yêu cầu xử lý vi phạm về nhãn hàng như vậy là có lý của họ. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc thêm về khía cạnh liên quan đến mức độ vi phạm để có hình thức xử lý hợp lý, hợp tình. Có thể xem xét về thời gian để công ty khắc phục.

* Thưa ông, ngày 26.10, lãnh đạo công ty cho biết rằng, đã có văn bản gửi lên các cơ quan quản lý, đề xuất việc sửa nhãn trong thời gian 4 tháng.

- Không được, 4 tháng là quá lâu! Đã sai thì phải sửa ngay. Theo tôi, việc này đâu có gì quá khó khăn. Với sản phẩm đang lưu hành, cần dán nhãn phụ kèm theo và không đóng gói thêm hàng vào bao bì đã vi phạm. Nhưng đã sai thì việc khắc phục phải khẩn trương và sửa ngay. Nếu không, thành ra chấp nhận bán cái sai hay sao! Thời gian trước, tôi cũng đã từng nhắc nhở công ty về việc đưa sản phẩm ra thị trường trước khi công bố nhãn với cơ quan chức năng. Thực ra, việc sai sót về nhãn hàng cũng là việc từng gặp với các công ty khác, và tôi nghĩ cũng không nên xử lý cứng nhắc. Những việc đã từng xảy ra, phía công ty đều hợp tác với cơ quan quản lý và thường là khắc phục rất khẩn trương, chứ không kéo dài đến 1/3 năm.

* Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về chất lượng sản phẩm "Knorr đảm đang”?

- Sản phẩm đã công bố chất lượng với Cục Thực phẩm và không có vấn đề với sức khỏe. Nhưng mà phải hiểu, nó làm gì có chất dinh dưỡng mấy, dù có quảng cáo là bột gà hay gì gì thì nó chỉ là sản phẩm dùng cho chế biến thức ăn về hương vị. Người ta đã khuyến cáo, những sản phẩm như vậy chỉ dùng khoảng 6 gam/ngày.

* Người tiêu dùng muốn hiểu rõ hơn về tên gọi của các chất 621, 631, 627 mà trên nhãn sản phẩm chỉ ghi chung là các "chất điều vị"?

- 621 chính là bột ngọt/mì chính. Còn điều vị có mã 631 và 627, theo như tôi kiểm tra là hai số không có trong quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm" ngày 31.8.2001. Về nguyên tắc, với trường hợp nhà sản xuất có sử dụng chất điều vị không thuộc danh mục cho phép, họ cần có công văn đề nghị. Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn cho phép sử dụng hay không, nhà sản xuất phải chứng minh đầy đủ các yếu tố cần thiết theo quy định. Trường hợp Cục đã cấp phép nghĩa là đã qua một hội đồng đề nghị được cho phép. Các chất này trong thực tế là không được sử dụng phổ thông, rất ít nhóm hàng được sử dụng.

Liên Châu
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.