Lê Cơ - Nhà thực hành xuất sắc của phong trào Duy Tân

20/10/2005 15:47 GMT+7

Nói đến phong trào Duy Tân - một phong trào cách mạng sôi động ở những năm đầu thế kỷ XX - ai cũng nghĩ ngay đến Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp, những người mà tên tuổi của họ đã gắn liền với phong trào. Nhưng ngoài những nhà khởi xướng, lãnh đạo lỗi lạc đó còn có một người cũng vang danh vì sự nghiệp cải cách trên chính quê hương mình, người đó là Lê Cơ.

Trong công cuộc Duy Tân, ông là một nhà thực hành xuất sắc, đã xây dựng Phú Lâm - một vùng quê hẻo lánh miền sơn cước - thành một làng Duy Tân điển hình cho toàn quốc.

Lê Cơ, thường gọi là Xã Sáu, tên gọi mà nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận đã nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ, ông sinh năm 1859 (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1870) trong một gia đình vọng tộc tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ ông là Lê Tuân tức ông Bá Tư, anh ruột bà Lê Thị Trung, mẹ của Phan Châu Trinh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị, là ngoại thích của Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật (thường gọi là cụ Thượng Hà Đình).

Thuở nhỏ, ông theo học với ông Huấn đạo Lộc Sơn, tại nhà cùng với hai người em trai và bốn người chị con ông bác ruột là ông Bá Hai. Ông Phan Châu Trinh cũng học chung ở đây trước khi được cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong chọn về học tại trường tỉnh Thanh Chiêm.

Sau khi đỗ Tam trường khoa Canh Tý 1900, có lẽ Lê Cơ cũng nhận thấy "Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ." (1) như Phan Châu Trinh, nên ông không tiếp tục theo đuổi con đường khoa cử, chỉ ở nhà tham gia vào những hoạt động yêu nước như tham gia phong trào Cần Vương.

Vốn đã được tiếp cận với những tư tưởng mới qua các sách "tân thư", lại là anh em cô cậu với Phan Châu Trinh, ông sớm nhận thức được mở mang dân trí, cải cách xã hội là một vấn đề cấp thiết, do đó năm 1903, khi bị tri phủ Thăng Bình ép buộc, ông đứng ra nhận chức lý trưởng Phú Lâm.

Làng Phú Lâm suốt 3 năm trước đó không cử được lý trưởng vì "là làng ngoại thích của một vị quan lớn, hào cường chiếm cả quyền làng cho đến nỗi lúc bấy giờ không ai muốn làm lý trưởng vì đến mùa thuế thu không đủ, thường phải bội thu cho bọn hào cường, còn sưu thì những tay chân của các nhà ấy cũng không được bắt, chỉ bắt mấy tên dân cùng". (2)

Làm lý trưởng một làng như thế thật không dễ, làm sao đủ sưu thuế cho quan trên nếu không bổ vào lớp người cùng đinh khiến cho họ phải lâm vào cảnh bần cùng, đói khổ:

"Lấy chi mà trả ái ân,
Lấy chi mà nộp công ngân cho làng.
Phần thì quan bắt đắp đàng,
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu". (3)

Còn nếu không ép dân thì phải đối mặt với cường hào-thật là đáng sợ- nên ai cũng từ chối, chỉ Lê Cơ chịu nhận nhiệm vụ khó khăn này với suy nghĩ "dẫu không làm nổi việc lớn cho thiên hạ thì cũng có thể thí nghiệm trong một làng" (Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương), đem chí lớn của mình thử nghiệm công cuộc cải cách ngay trên quê hương đầy dẫy những bất công áp bức của mình.

Khi đã nắm quyền, Lê Cơ dốc sức trừ nạn cường hào nhũng lạm: "bắt đầu cải cách từ việc sưu thuế cho đến việc tế tự, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, bọn cường hào không thể thực thi thủ đoạn ích kỷ như trước mà dân chúng trong làng đều tâm phục cả". (4)

Chủ trương của phong trào Duy Tân là muốn cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trước hết phải "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", vì vậy khi công cuộc cải cách bước đầu có kết quả, được dân chúng tin tưởng, Lê Cơ liền thực thi các tiêu chí nói trên bằng những việc làm cụ thể như: mở trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, mở thương cuộc, lập nông hội trồng tiêu, quế, chè theo phương pháp mới, lập công hội, dựng lò rèn, làm tiểu thủ công nghiệp, lập hội bảo hiểm, hội mặc đồ tây, cắt tóc ngắn v.v...

Để "mở mang dân trí", ông lập trường tân học Phú Lâm, với cách tổ chức, nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến nhất so với cả nước thời bấy giờ.

Phú Lâm là trường đầu tiên của Bắc và Trung kỳ (không kể Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp) có lớp nữ sinh riêng và nữ giáo viên, trẻ em, người lớn đều được đến trường không hạn chế tuổi tác, học theo thời vụ "thả học thả canh", trường dạy quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Ngoài việc học lý thuyết học sinh còn được học các môn thủ công làm những đồ dùng cần thiết trong đời sống hằng ngày và tập thể dục rèn luyện thân thể. Mục đích học tập là để mở mang trí tuệ chứ không phải học để thi lấy bằng, học để phục vụ cho đất nước, nhân dân chứ không phải để kiếm chức, kiếm quyền, vinh thân phì gia. Điều này được nói rõ trong bài Gióng trống Duy Tân:

... Học hành cho giỏi cho mau tỉnh hồn.
Học là học trí khôn các nước,
Việc quốc dân gánh trước phận mình.
Học là học văn minh.
Nước nhà giàu mạnh thì mình cũng vinh.
Học là học cho minh công lý,
Thấy việc chi hợp lý thì làm,
Giàu sang lợi lộc đừng tham,
Chông gai cay đắng cũng cam một bề.
Học là học có nghề có nghiệp,
Trước nuôi mình sau giúp người ta...

Từ Phú Lâm, phong trào học chữ quốc ngữ lan nhanh sang các vùng lân cận, nhiều trường tân học mở ra, càng ngày số người theo học càng đông, học sinh trở thành những người cộng tác đắc lực trong việc tuyên truyền, vận động duy tân khiến thực dân Pháp lo sợ.

Charles, công sứ Pháp ở Quảng Nam, trong báo cáo ngày 8/1/1908 đã nói: "Trong 2 phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi". (5)

Những thành quả mà trường tân học Phú Lâm gặt hái được đã chứng tỏ Lê Cơ là người tiên phong dấy lên phong trào học chữ quốc ngữ mạnh mẽ trong quần chúng, thực hiện có kết quả mục tiêu khai dân trí của phong trào Duy Tân. (xin đọc thêm bài: Trường tân học Phú Lâm - một mô hình giáo dục mới của phong tào Duy Tân của cùng tác giả).
       
Về vấn đề "hậu dân sinh", sau khi xin giấy phép của quan phủ, ông vận động nhân dân trong xã góp cổ phần, lập cuộc buôn ở Phú Lâm lấy tên là "Thương hội bình dân", thương hội này bắt đầu hoạt động vào tháng 5/1904.

Huỳnh Thúc Kháng nói: "Lê Cơ lập một cuộc buôn con con, mua giấy bút bán cho học trò, cùng mắm muối bán cho dân cày, như một cái quán trong nhà quê". (6)

Nhưng theo bà Lê Ấm, con gái cụ Phan Châu Trinh và một số người biết chuyện kể lại thì cuộc buôn này có tổ chức qui cũ. Thương hội có Ban trị sự và có một số người chuyên đi mua mắm muối, dầu, vải, nông cụ... ở Tam Kỳ, Hội An về bán cho dân. Những con buôn nghèo đến đây nhận hàng hoặc tiền về mua hàng buôn bán, buổi tối trở lại thương cuộc trả tiền vốn, sắp xếp quang gánh ngăn nắp, trật tự.

Ngoài thương hội chính, còn có các các quán nhỏ ở một số nơi khác trong làng để thuận tiện cho người dân mua sắm các vật dụng cần thiết. So với các thương hội Diên Phong ở Điên Bàn hay Quảng Nam hợp thương công ty ở Hội An thì không sánh nổi, nhưng thương hội Phú Lâm thành lập sớm hơn, mở đầu cho sự ra đời của hàng loạt thương hội khác trong tỉnh.
 
Nhưng quan trọng hơn, thương hội còn là nơi để các nhà Duy Tân gặp gỡ, trao đổi thông tin hay liên lạc, tiếp xúc với sĩ phu các tỉnh khác để tuyên truyền vận động duy tân.

Thấy thương cuộc biến thành nơi hội họp công khai của các người cùng chí hướng, tri phủ sở tại lo sợ nên gọi Lê Cơ đến đòi lại giấy phép. Ông nhất định không chịu trả, bắt lên bắt xuống mấy lần cũng chẳng được gì, tri phủ tức giận nọc ông ra đánh. Ông chẳng những không chùn bước mà còn mạnh dạn đấu lí với quan phủ bằng những lời lẽ sắc bén. Ông nói:

"Quan là cha mẹ trong một phủ, như nói việc dân làm quấy thì không cho phép, đã cho phép tức công nhận là việc phải. Vả buôn bán là việc sinh nhai, tôi đã cùng anh em xuất tiền lập tiệm mua hàng trên một tháng, nay quan thu giấy phép ai bồi khoản phí ấy cho chúng tôi? Thưa thiệt cùng quan, quan có đánh chết tôi cũng xin chịu, chớ muốn thu bằng lại, xin quan bẩm ra toà sứ đã". (7)

Tri phủ phần thì giận, phần nghi Lê Cơ đang mưu đồ việc lớn, sẽ gây hậu hoạ nên bẩm ra toà Sứ, quan Sứ gọi cả hai người (quan phủ và Lê Cơ) ra hầu.

"Quan Sứ xét rõ đầu đuôi, biết ông làm việc ích lợi nên trước mặt quan phủ, quan Sứ khen Lê Cơ và cho phép về làm, quan phủ có hơi thẹn. Lúc bấy giờ trên mặt quan phủ, trông dày như lớp thiết giáp".

Huỳnh Thúc Kháng còn viết thêm: "Có một điều thú là khi Xã Cơ ra toà, quan Sứ hỏi chuyện, thấy người tướng mạo khôi ngô, ăn nói chững chạc khác vẻ người thường (ông ta râu ria, mũi cao, cặp mắt sáng tinh có vẻ giống người u) bèn hỏi ông sinh năm nào? Lúc ấy đã có người Tây sang chưa? (nhà quê ở Trung Kỳ, vào khoảng triều Tự Đức, làm gì có người Tây! Song thấy Xã Cơ có tướng mạo giống người Tây nên hỏi)". (8)

Phải chăng nhờ diện mạo khôi ngô tuấn tú, có vẻ Tây mà Lê Cơ đã chinh phục được cảm tình của công sứ Pháp khiến y cho phép thương cuộc của ông được tiếp tục hoạt động? Dù gì đi nữa, quyết định đó cũng có lợi cho phong trào và nhân dân Phú Lâm.

Tuy thế, thực dân Pháp không phải là không thấy được mối hoạ tiềm ẩn bên trong chủ trương "Dĩ thương vi quần" (lấy ngành buôn để hội họp) đó, nên trong báo cáo số 10 ngày 1/7/1907, Đại lý Pháp tại Tam Kỳ có nói: "Họ tổ chức thành cái gọi là Hội buôn, để tạo ra dáng dấp buôn bán chứ thực sự không làm việc buôn... thực ra đó là nơi họ dùng để hội họp". (9)

Ở Phú Lâm thời đó, phần lớn ruộng tốt đều nằm trong tay nhà giàu, nông dân nghèo phải làm thuê cho địa chủ. Để giúp họ đổi đời, Lê Cơ đứng ra thành lập các nông đoàn, bằng cách vận động những người khá giả trong làng có nhiệt tình với công cuộc cải cách, tự nguyện hiến vườn, hiến ruộng rồi vận động dân vỡ hoang nối liền các vườn đó tạo nên những khu vườn lớn trồng các loại cây ăn quả như thơm, chuối hoặc trồng quế, chè, tiêu.

Ông lại tập hợp những đám ruộng hiến, ruộng công, ruộng vỡ hoang, ruộng đổi, ruộng chùa, v.v... làm thành hợp tác xã để cho dân nghèo không có ruộng, cày cấy chung, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát kiếp cày thuê cuốc mướn bị địa chủ bóc lột.

Tiền thu được từ các sản phẩm do nông đoàn hay hợp tác xã sản xuất ra, một phần chi vào các việc công ích như nộp thuế, ủng hộ những người xuất dương, tiếp khách, nuôi thầy dạy học, phát sách vở cho học sinh nghèo v.v... hai phần ba còn lại chia cho nông dân tính theo đầu người, trả tiền thuê trâu, giúp đỡ cho những người tàn tật, già cả neo đơn. Do đó, những người nông dân làm việc rất hăng hái vì họ thấy vừa có lợi cho riêng mình, vừa có ích chung "vì việc nghĩa". Còn các địa chủ, tuy lúc đầu chống đối nhưng dần dần họ cũng nhận ra đôi bên cùng có lợi: ban trị sự phân hội viên đến làm cho địa chủ để tính công còn địa chủ thì cho ban trị sự thuê trâu để canh tác.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân, trong Phong trào Duy Tân, ở Phú Lâm nói riêng và vùng Nam Quảng Nam nói chung, quế, chè, hồ tiêu là những đặc sản có giá trị, nhưng từ xưa nguồn lợi lớn lao này đã lọt vào tay người Hoa. "Các chú" (Hoa kiều) nắm độc quyền thu mua, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền đưa trước cho các chủ vườn để mua non, đến mùa thu hoạch bán lại cho các thương nhân nước ngoài với giá rất cao. Chủ vườn không phải không biết nhưng đành chịu vì họ thiếu vốn, vả lại ngoài "các chú" ra họ chẳng biết bán cho ai.

Làm sao nắm lại nguồn tài nguyên này để các chủ vườn có thể bán sản phẩm của mình đúng giá thị trường, không bị các Hoa kiều đầu cơ bóc lột?
 
Việc lập thương cuộc để tập trung vốn lớn, có thể cho các chủ vườn vay khi túng thiếu hầu tránh được nạn mua non, bán sớm, và khi chưa bán sản phẩm được thì thương cuộc trữ hàng lại chờ cho đúng giá mới bán hoặc tìm kiếm thị trường tiêu thụ với thương nhân nước ngoài là một chủ trương đúng đắn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngành trồng trọt trọng yếu này.

Những nhà Duy Tân đã giúp cho các chủ vườn thấy được triển vọng tốt đẹp của cây quế nên họ đua nhau sửa sang, mở rộng vườn, nhiều người chung nhau tìm đất khai phá, tạo thành một phong trào sôi nổi, chính cụ Phan Châu Trinh cũng bỏ tiền hùn vốn với các nhà kinh doanh lập vườn trồng quế.

Phú Lâm là một vùng rừng núi, giao thông trở ngại, mỗi lần người nông dân muốn mua dụng cụ canh tác phải lặn lội xa xôi nhiều cây số xuống tận đồng bằng mới mua được, vì vậy Lê Cơ lập lò rèn ngay tại làng, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích phong trào khai hoang lập vườn trồng quế, thương cuộc cũng là nơi cung cấp nông cụ, số người lui tới mua bán đông đúc tấp nập.

Cũng theo Huỳnh Thúc Kháng, các lò rèn này còn sản xuất thứ ghế xếp làm bằng mấy cây sắt và mấy miếng gỗ thông rất giản tiện, thích hợp cho người nông dân, rất được họ ưa chuộng.

Về mặt "chấn dân khí", Lê Cơ tổ chức các buổi hội họp, diễn thuyết hàng tháng vào ngày mồng một và ngày rằm, nhằm kêu gọi nhân dân cho con em đi học chữ quốc ngữ, cắt tóc ngắn, mặc đồ ngắn, ăn ở hợp vệ sinh, khuyến khích tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn v.v..., đề cao nông nghiệp và thương mại.

Trong báo cáo số 184 ngày 5/12/1907 Công sứ Charles nói rằng: "Con số người gia nhập hội ở Quảng Nam ngày càng tăng. Trong phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, nơi ở của các thành viên có ảnh hưởng lón nhất của Hội, có những nơi toàn xã cùng gia nhập. Hàng tháng Hội họp vào những ngày nhất định mồng 1 và 15 rất đều đặn. Họp ở các chợ chính. Có cuộc số người dự lên đến cả ngàn người. Các bài diễn thuyết thật ra không hề có nội dung phá hoại. Nếu họ có đả kích đôi chút chính quyền lực của quan lại thì chủ yếu họ vẫn nhấn mạnh yêu cầu học hỏi để tiến tới tự mình có thể cai quản lấy mình, họ ca ngợi nông nghiệp và thương mại như là những phương thức để làm giàu và nhờ đó mà trở nên mạnh. Nhưng chính trong những cuộc hội họp đó mà những người lãnh đạo tiếp xúc với dân chúng, làm cho dân quen nghe theo lời khuyên của họ và sau này sẽ tuân theo mệnh lệnh của họ". (10)

Lê Cơ còn lập cuộc Bảo hiểm, canh phòng kẻ trộm cướp, bảo vệ an ninh. Các nhà có ruộng, có vườn quế, phải nộp lúa phát cho dân tuần để họ canh gác và trang bị giáo mác cung tên để đề phòng trộm cướp. Tại các mối đường có lập điếm canh, trong có đặt cùm để cùm chân những kẻ trộm cắp, đầu đường có dựng bảng yết thị giờ giấc vào làng, ghi các điều cấm như: 7 giờ tối ai đi vào làng phải có đèn đuốc, người lạ mặt phải có người quen trong làng bảo lãnh mới được trú đêm và nhiệm vụ của người canh phòng phải thường xuyên túc trực để bắt kẻ gian, chữa cháy, cứu rừng v.v... không được chậm trễ, người nào bất tuân sẽ bị phạt.

Ông lập một khu vực riêng gọi là Tam thập xã thôn gồm 30 xã thuộc miền núi phủ Thăng Bình, giáp giới với các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước và Quế Sơn sau này. Các xã ấy là: Phú Lâm, Phú Trường, Tứ Lâm, Tòng Lâm, Hoà Vinh, Cẩm An, Vinh Huy, Lộc Sơn, Hiền Lộc, La Nga, Cao Ngạn, An Tráng, Đại Tráng, Lộc An, Việt An v.v... Các xã liên kết lại với mục đích tương trợ và bảo vệ lẫn nhau, mỗi xã đóng góp một số tiền tuỳ theo mức thuế phải nộp và cùng tuân theo một hương ước: bài trừ các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, hút xách, trai gái, trộm cắp v.v... Khi có người vi phạm, các xã tự xét xử, trừng phạt chứ không trình báo quan trên.

Tổ chức này bước đầu có tính chất như một khu "tự trị" nên khiến cho thực dân Pháp vô cùng lo sợ.

Ngày 5/12/1907, công sứ Charles báo cáo: "Trong phủ Thăng Bình có mười lăm xã liên kết với nhau... Các thành viên bảo nhau chừa tệ uống rượu, đĩ điếm, trộm cắp, cờ bạc, hút thuốc phiện... tất nhiên đó là việc rất tốt. Nhưng họ lại tự cho mình quyền trừng trị những kẻ lưu manh trộm cắp bắt được trên địa phận họ, thậm chí bắt chúng phải lao dịch. Như thế là quá đáng.

Đứng đầu tổ chức này là lý trưởng làng Phú Lâm... Nhưng y chỉ là nhân vật thứ yếu trong hội kín Quảng Nam. Thủ lãnh thực sự là Phó bảng Phan Châu Trinh, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Hanh (tức Kháng) và Ấm Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành)... Tôi chắc chắn là nhiều người tham gia Hội không biết rõ mục tiêu thực sự của bọn thủ lãnh. Nhưng không cần nhấn mạnh cũng thấy rõ nguy cơ có những lực lượng có kỷ luật, tuân theo mệnh lệnh những người lãnh đạo lại nằm trong tay những kẻ thông minh và quả cảm như vậy". (11)

Ngoài bộ máy điều hành chung do Xã Sáu Lê Cơ đứng đầu, ở mỗi phái ông còn chia ra từng hộ và liên hộ (hộ không phải là một đơn vị gia đình như ngày nay mà là một xóm lớn) cũng có ban điều hành riêng. Các hộ hay liên hộ vừa giữ việc hành chính vừa lo phát triển kinh tế.

Những năm Lê Cơ làm lý trưởng, làng Phú Lâm không còn các tệ nạn cờ bạc, hút xách, không còn cảnh vợ chồng, hàng xóm đánh chửi nhau, không phân chia ngôi thứ, biếu xén trong các kỳ tế lễ. Lê Cơ đã làm cho làng Phú Lâm thay đổi hẳn về mọi mặt: văn hoá, giáo dục, kinh tế, xã hội.

Sự nghiệp duy tân tự cường và cải cách xã hội của Lê Cơ, nhân dân địa phương hãy còn ghi nhớ qua bài thơ Huỳnh Thúc Kháng tặng làng Phú Lâm:

Mừng thay mấy kẻ đồng tâm,
Thăng Bình là huyện, Phú Lâm là làng.
Nọ thương cuộc, nọ học đường,
Này cơ bảo hiểm này phường quế viên.
Trong hương sự mười phần chấn chỉnh,
Cùng nhân tâm huấn tỉnh đôi lời...

  
Và hơn 20 năm sau, cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại trên báo Tiếng Dân: "Ông Lê Cơ lo công việc, sắp đặt trong làng... Ông ta là con nhà cô cậu với cụ Phan Châu Trinh nên biết việc cải cách là cần, bắt đầu thực hành trong làng, lập trường học, rước thầy dạy quốc ngữ (lúc ấy trong nhà quê nhiều nơi không biết chữ quốc ngữ là gì, nhiều vị lão thành ra sức phản đối) cho trẻ con trong làng học, ít lâu sau lại thêm một trường nữ học nữa (nữ học ở trong Quảng Nam, về mấy phủ huyện trong, trường Phú Lâm là đầu tiên). Đồng thời trong làng chung lại mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn (rèn đồ nông khí), lập cuộc bảo hiểm canh phòng kẻ trộm cướp. Ở trong một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch, quê mùa, bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tin phục, mà những người xa, nhất là người đã nếm mùi u hoá đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công việc sắp đặt của một ông lý. Công việc ông lý nào có hèn đâu!". (12)

Trong Đăng cổ tùng báo ở Hà Nội, Phan Châu Trinh cũng viết: "Ông Lê Cơ, lý trưởng làng Phú Lâm là một tay có học thức sắp đặt việc trong làng, nào canh phòng trộm cắp, nào khuyên vỡ núi trồng quế, nào mở trường học, việc gì cũng có ngăn nắp. Ông có xin bằng quan phủ mở một nhà buôn chung vốn mua những đồ giấy mực, sách vở bán cho học trò, cùng mắm muối đồ rèn bán cho dân làm nông".

Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp khởi xướng nhờ có Lê Cơ thực hành mà có thể tự hào là một phong trào chính trị, xã hội có lãnh đạo, có đường lối, có chủ trương phát xuất từ cơ sở.

Công cuộc duy tân, cải cách của Lê Cơ ở Phú Lâm thể hiện tài năng và tầm nhìn vượt trội của một người xã trưởng tài ba, lỗi lạc. Từ việc phát triển giáo dục cho đến mở mang kinh tế, đều rất mới mẻ, tiến bộ, rất cách mạng. Tuy những hoạt động đó tiến hành cách đây cả 100 năm nhưng nhìn lại ta vẫn thấy rất gần gũi với những chủ trương chính sách mà chúng ta đang thực hiện hôm nay như: xã hội hoá giáo dục, cải tiến phương pháp dạy và học, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng làng văn hoá v.v... Có điều những chủ trương chính sách này, ngày nay được toàn quốc và cả những tổ chức quốc tế hợp tác giúp đỡ nữa, còn Lê Cơ ngày trước không có được sự hỗ trợ lớn lao đó lại không được tự do hoạt động mà ông phải tự vận động, tổ chức bằng khả năng hạn hẹp của một làng quê hẻo lánh. Vậy mà ông đã thành công, làng Phú Lâm luôn đi đầu trong mọi phong trào, làm ngọn đuốc soi đường cho tư tưởng và hành động mới.
         
Những việc làm của Lê Cơ khiến quan lại phong kiến thù ghét, còn về phía thực dân thì những cải cách mạnh mẽ, táo bạo của ông đã gây một tiếng vang lớn buộc họ phải có biện pháp đề phòng, đối phó nên công sứ Charles báo cáo lên cấp trên cho đắp một con đường chiến lược từ Chiên Đàn lên Phú Lâm qua Việt An xuống Hà Lam (đường 614 ngày nay) và lập một đồn lính khố xanh ngay trong làng Phú Lâm gần nhà Lê Cơ để tiện theo dõi, kiểm soát.

Công cuộc duy tân, cải cách dưới sự hướng dẫn của Lê Cơ đang tiến triển mạnh mẽ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, làng Phú Lâm trở thành ngôi làng Duy Tân điển hình của toàn quốc, là kiểu mẫu để những nơi khác đến nghiên cứu, học tập. Nhưng đến tháng 3 năm 1908, phong trào kháng sưu khất thuế của nhân dân Quảng Nam nổ ra rồi lan nhanh đến các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, Lê Cơ bị bắt giam tại nhà lao Hội An.

Ngày 29/8/1908, toà án Nam triều kết tội ông: "tụ họp đông người, cải trang diễn thuyết, kết họp hàng xóm láng giềng, lập trù bảo hiểm, tự mình quyết đoán" (13), ông bị xử phạt 100 trượng và bị đày 3 năm, các cơ sở Duy Tân bị triệt phá, mọi công cuộc kiến tạo của ông trong mấy năm trời để cải cách làng Phú Lâm đã bị phá huỷ tan tành.

Sau ba năm ở tù về, ông lại tham gia vào cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo. Ngày khởi sự, ông có mặt tại Huế, giữ nhiệm vụ nổ pháo lệnh tại đồn Mang Cá trong kinh thành Huế. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, ông phò vua Duy Tân chạy đến Hà Trung thì bị bắt rồi bị đày đi Lao Bảo.

Tại nhà lao này, có một người tù đau bệnh kiết lị đi vệ sinh, ngồi lâu trong đám cỏ, bị lính dùng bán súng đánh đập tàn nhẫn. Lê Cơ đang ngồi vót tre trông thấy hành động dã man đó, không thể nén được cơn giận, ông cầm rựa xông tới xô xát với người lính, đòi chặt đầu hắn. Ông liền bị Pháp bắn chết ngay tại chỗ.

Một trăm năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã thay đổi, khoa học, kỹ thuật đã tiến bộ, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi từng bước được rút ngắn nhưng đời sống ở nông thôn ngày nay vẫn còn kém xa thành thị, phải cần đón nhận ánh sáng văn minh của thành thị toả về. Thế mà ngày ấy, giữa chốn núi rừng trùng trùng, điệp điệp, giao thông cách trở, Lê Cơ đã dựng lên được một làng Duy Tân điển hình làm ngọn hải đăng dẫn đường cho cả nước soi chung.

Những thành tích Lê Cơ đã đạt được ở Phú Lâm chứng tỏ ông là một nhà thực hành xuất sắc của phong trào Duy Tân. Mặc đầu thời gian hoạt động không dài, nhưng sự nghiệp duy tân, cải cách của ông đã một thời vang dội, để lại ấn tượng khó phai . Tài tổ chức tuyệt vời của ông, nhân cách cao đẹp của ông cho đến nay vẫn là những bài học quí giá cho chúng ta trên con đường phát triển và hội nhập .

Châu Yến Loan

Chú thích:

(1) Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử
(2), (4), (6), (8), (12) Huỳnh Thúc Kháng, Báo Tiếng Dân số 513, 1932
(3) Ca dao Quảng Nam
(5) Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Q.1, T.1, tr.50
(7) Nguyễn văn Xuân, Phong trào Duy Tân, tr.190
(9) Lê Thị Kinh, sđd, Q.1, T.1, tr.53
(10) Lê Thị Kinh, sđd, Q.1, T.1,tr.49
(11) Lê Thị Kinh, sđd, Q.1, T.1, tr.49, 50
(13) Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, tr.44, 45    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.