Vĩnh biệt Simon Wiesenthal - "khắc tinh" của chủ nghĩa phát xít

22/09/2005 22:37 GMT+7

Simon Wiesenthal, được mệnh danh là "đại diện cho người chết" và "tổng lĩnh thiên thần báo thù" của những nạn nhân thiệt mạng vì tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã, đã ra đi một cách yên bình tại nhà riêng ở Vienna (Áo) hôm 20/9, thọ 96 tuổi.

Trong số những người không muốn để tội ác diệt chủng của phát xít Đức chìm vào quên lãng, Simon Wiesenthal là người nổi tiếng nhất. Ông được xem là "thợ săn phát xít Đức" vì không bao giờ cam chịu khi nhìn thấy tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã bắt đầu cuộc đời mới sau những tội ác chúng đã gây ra trong Thế chiến thứ 2. Ngay cả khi các chính quyền Đồng minh có vẻ như hài lòng sau khi đã bắt được những tên phát xít Đức đầu sỏ, Wiesenthal vẫn tiếp tục lùng sục khắp nơi trên thế giới để tìm ra những kẻ đã từng vấy máu người Do Thái. Thành công ngoạn mục nhất của Wiesenthal là đã cung cấp thông tin để Cơ quan Tình báo Mossad (Israel) tóm cổ trùm phát xít Adolf Eichmann, một trong những tên đã lập ra các trại tàn sát người Do Thái hàng loạt, tại Buenos Aires (Argentina) vào năm 1959. Những tên tuổi nổi tiếng nhất mà Wiesenthal giúp bắt giữ còn có Fritz Stangl, sĩ quan chỉ huy 2 trại tập trung; Karl Silberauer, sĩ quan Gestapo (Cơ quan Mật vụ Đức Quốc xã); và Hermine Braunsteiner Ryan, kẻ dính líu đến việc tàn sát phụ nữ và trẻ em ở Ba Lan. Ngoài ra, ông đã giúp đưa hơn 1.100 cựu thành viên đảng Quốc xã ra trước công lý.

Suốt cuộc đời mình, Wiesenthal không bao giờ hối hận con đường mà mình đã chọn. Tờ New York Times vào năm 1964 có đăng tải câu chuyện của ông về cuộc trao đổi với một người bạn sống sót khỏi trại tập trung phát xít Đức khi cùng tham dự lễ Sabbath của người Do Thái. Người này hỏi ông tại sao không trở lại nghề cũ là kiến trúc sư, nghề ông có thể làm giàu. Wiesenthal trả lời: "Khi chúng ta về với thế giới bên kia và gặp lại hàng triệu người Do Thái đã chết trong những trại tập trung của Đức Quốc xã và họ hỏi rằng chúng ta đã làm được gì khi còn sống. Câu trả lời của bạn sẽ là: "Tôi trở thành một nhà buôn kim hoàn". Người khác có thể trả lời họ buôn lậu cà phê và thuốc lá Mỹ. Người khác nữa sẽ nói: "Tôi đã xây nhà cửa". Nhưng câu trả lời của tôi sẽ là tôi đã không bao giờ quên họ".

Simon Wiesenthal sinh ra tại thị trấn Galicia (Ukraine) vào cuối năm 1908, tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Đại học Kỹ thuật Czech ở Prague (CH Czech), lập gia đình năm 1936 trước khi bị đẩy vào trại tập trung Do Thái. Tổng cộng ông đã bị chuyển sang 12 trại tập trung khác nhau và đã từng tìm cách tự sát 2 lần vì không chịu nổi những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, ông đã tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình sau khi có cuộc nói chuyện với một hạ sĩ quan SS. Tay này cá với Wiesenthal rằng, sự thật ở những trại tập trung sẽ bị chôn vùi sau chiến tranh và không ai tin vào những gì đã diễn ra bên trong những bức tường kiên cố đầy dây kẽm gai này. Khi được quân Đồng minh giải thoát khỏi trại Mauthausen ở Áo năm 1945, thân hình cao 1,82m của ông chỉ còn cân nặng khoảng 45 kg. Kể từ đó, Wiesenthal lao vào công cuộc "báo thù" cho những người Do Thái đã bị sát hại, trong đó có gần 90 người thân của mình, bằng cách lôi những kẻ gây tội ác chiến tranh ra ánh sáng công lý.

Vậy là khi giã từ thế giới này ở tuổi gần 100, Wiesenthal thực sự đã giữ được lời hứa "Tôi đã không quên các bạn" với hàng triệu người Do Thái thiệt mạng vì các cỗ máy giết người hàng loạt tại những trại tập trung của phát xít Đức. Và ông cũng yên lòng rằng vẫn còn có những người đang tiếp tục đi trên con đường mà ông đã chọn trong suốt 60 năm qua nhằm giành lại công lý cho những người đã khuất.

Thuỵ Miên
(Theo Washington Post, Spiegel)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.