Phục chế mặt và thân thể người Việt cổ

26/08/2005 09:01 GMT+7

Ngày 25/8, tại Viện Goeth, Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử ĐNÁ đã báo cáo thành tựu "Phục chế mặt và thân thể người Việt buổi đầu Công nguyên" với đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế.

Khuôn mặt đầu tiên được nhóm các nhà khoa học Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chọn phục chế là một cô gái 17 tuổi (một trong số 60 bộ xương người, có niên đại cách đây 2000 năm được khai quật ở làng Đống Xá, xã Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên).

Ngày 18/6 là ngày cô gái được "phục sinh" dựa vào những nguyên lý phục chế của nhà khoa học Nga Gerasimov và các nhà khoa học Đức, Anh, Mỹ. Công đoạn đầu tiên của việc phục chế là làm sạch xương, sau đó đo đạc, tư liệu hóa bằng hình ảnh kỹ thuật số về xương cốt. Nhờ một phần mềm vi tính, các nhà phục chế có thể dựng lại mặt cắt nhìn nghiêng của khuôn mặt. Công đoạn tiếp theo là đổ khuôn sọ làm phiên bản rồi tạo các mô cơ mặt bằng chất dẻo, với độ chính xác so với người mẫu đạt 80%.

Để kiểm chứng phương pháp phục chế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt cho biết, các chuyên gia đã chụp X-quang và khảo sát tương quan gần 100 mẫu xương của người Hưng Yên hiện sinh sống quanh khu mộ táng. Các nhà khoa học quyết định ứng dụng nguyên lý chuẩn Gerasimov trong việc phục chế hộp sọ người Việt.

Các nhà khoa học đã phục dựng 5 khuôn mặt thật (hai nữ, ba nam) thuộc các nhóm người khác nhau thời thuộc Hán ở Hưng Yên, đồng thời tiếp tục phục dựng các phần cơ bắp, thân thể người, quần áo, trang phục... cùng thời. Kết quả phục dựng đã hé mở những hình ảnh chân thực, có giá trị khoa học về tổ tiên chúng ta thời dựng nước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.