Thâm nhập "đường dây xăng dầu" biên giới

12/08/2005 22:37 GMT+7

Ổ xăng dầu" Bình Tứ Đường về Bình Tứ xa xôi. Từ thị xã Tân An (Long An) chúng tôi mất hơn 2 giờ mới tới được thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng). Từ đây về Bình Tứ - địa bàn biên giới của xã Hưng Điền A - ngót thêm 30 cây số, toàn đường đất, bụi mịt mù, nhiều đoạn xe cạp đất đang gia cố nền hạ nên việc đi lại của người dân trong vùng chỉ cậy vào đò dọc, mỗi ngày hai chuyến từ đây ra trung tâm huyện, đi về mất độ 5 giờ.

Giao thông khó khăn, cứ tưởng không khí ở đây sẽ yên bình nhưng khi vừa đặt chân đến chợ Bình Tứ, chúng tôi đã không khỏi choáng ngợp trước cảnh nhộn nhịp của dân buôn lậu xăng dầu. Một đoạn đường non cây số, nằm cách đường biên giới chỉ vài trăm mét lại có đến 3 cây xăng (Duy Khánh, Hoàng Danh và Nhật Linh 3), mà "cây" nào cũng hoạt động rôm rả. Điều đặc biệt là ngay sau mỗi cây xăng, hướng ra biên giới đều có đường đê băng đồng để dân buôn lậu dùng xe mô tô (đã qua cải tiến), mỗi xe chở từ 4-5 can xăng loại 30 lít chở sang đất Campuchia. Độ dài mỗi đường đê chỉ khoảng từ 300 - 400m, chỉ vài phút rú ga là đã đến điểm tiếp nhận nằm giữa đồng. Tại đây đã có thương lái Campuchia (và cả người Việt) chờ sẵn, bốc can xăng để lên bàn cân.

T. - một tay buôn có hạng tại địa phương cho biết: "Họ cân thấy đủ - can 30 lít độ 27 kg - là trả tiền ngay, không chú ý về chất lượng. Một rờ-tua chỉ mất khoảng 10 phút là cùng, lãi thu được cả trăm ngàn thì hỏi làm sao tôi nghỉ đi buôn được!". H. - một cán bộ địa phương nói thêm: "Mấy tay này toàn dân buôn chuyên nghiệp cả, nhìn độ sẫm vàng của can đựng thì biết ngay, dân mới vô nghề can còn trắng nhách". H. cũng bật mí rằng: "Những đường đê băng đồng để vận chuyển xăng lậu ấy đều do chủ cây xăng thuê đất của dân địa phương để làm, phục vụ cho... dân buôn". Độc đáo hơn, cách đây không lâu, có chủ cây xăng ở đây còn dùng máy bơm công suất lớn, bơm nước từ dưới kinh vào đường mương đã đào đắp đê, tạo ra dòng chảy và dân buôn cứ thế thả những can xăng đã nút kín xuống cho trôi tự do sang biên giới.

Theo H., nhờ "con đường buôn lậu" khá dễ dàng như vậy, nên ngày nào cũng có 3-4 tàu, xà lan chở xăng dầu, trọng tải không dưới chục ngàn lít/chiếc, về cung cấp cho các cây xăng. "Ở xứ này, số phương tiện giao thông đếm trên đầu ngón tay, nhu cầu thực sự có là bao, thử hỏi lượng xăng dầu lớn đó không chảy qua biên giới thì đi đâu?" - H. nói.

Nóng bỏng trên bộ, dưới thuyền


Bán xăng cho dân buôn lậu tại Bình Tứ
Những nơi được xem là điểm nóng của dòng chảy xăng dầu qua biên giới tại Long An hiện nay là tuyến kênh Tà Nu, kênh 28, khu vực Bình Tứ, xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng), xã Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà (huyện Tân Hưng) và các xã Bình Tân, Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa). Tại những nơi này, mỗi ngày có hàng trăm người lén lút qua lại biên giới mua xăng dầu, cao điểm có khi gấp đôi, gấp ba lần. Trung bình phương tiện trên bộ chở từ 3 đến 4 can 30 lít, xuồng ghe chở từ 500 đến 1.000 lít, bất kể ngày đêm. Theo người dân cho biết thì hiện tại mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng vẫn chênh lệch giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 3.000 đồng/lít. Một người với 1 can xăng, chỉ mất thời gian hơn nửa giờ đi bộ qua biên giới là đã kiếm lời gần 100.000 đồng, có người mỗi ngày đi mấy chuyến, thậm chí hàng chục chuyến.

Trên đường bộ thì bằng xe gắn máy 2 bánh, xe đạp chạy dọc theo các ngõ ngách và đường mòn biên giới. Còn trên tuyến sông thì dùng xuồng máy luồn lách theo các kênh nhỏ, tập trung nhất vẫn là vào chiều tối đến khuya. Nổi bật trong đó có những đối tượng dùng dây cột can xăng dầu thành từng bè rồi đứng bên kia đường kéo qua, có đối tượng làm máng trượt từ bên phần đất Việt Nam nối sang phía Campuchia, tiếp đó họ để can xăng lên máng cho trượt qua đường biên giới. Và khi có người mua thì kẻ bán cứ vô tư thả can xăng từ bên này chạy sang bên kia.

Dù khu vực này được xác định là vành đai biên giới, có những quy chế quản lý riêng nhưng thực tế cho thấy một số cây xăng dầu, trạm xăng vẫn hoạt động bất chấp các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực này. Khi đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết chủ nhân của nó hiện nay là những người đang "có một thế mạnh" ở vùng biên giới của tỉnh, vì thế một khối lượng xăng dầu hằng ngày vẫn lưu thông công khai đến gần khu vực tiếp giáp đường biên giới và chủ yếu là phục vụ cho... dân buôn lậu.

Những cây xăng bất thường

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2005, các lực lượng chức năng của tỉnh Long An đã phát hiện, bắt giữ 17.410 lít xăng, 61.175 lít dầu DO, cao điểm có lúc lượng xăng dầu chảy qua biên giới trung bình 20 - 30 ngàn lít một ngày đêm, đây là một con số không nhỏ so với địa bàn một tỉnh Tây Nam.

"Mấy ổng (chỉ lực lượng chống buôn lậu - PV) không chịu làm thôi, chứ giao cho tôi thì xong tuốt", B. - một giáo viên ở địa phương bức xúc. Bằng cách nào? "Thì đặt trạm kiểm soát dưới sông để kiểm soát, chỉ cho chở xăng vào đủ cung ứng cho nhu cầu địa phương. Không có nguồn hàng, thì thử hỏi lấy đâu mà buôn với lậu ?".

Tiếp xúc với phóng viên Báo Thanh Niên, nhiều vị là cán bộ địa phương và các ngành cũng đề xuất giải pháp căn cơ là Nhà nước phải tăng cường trách nhiệm quản lý, cụ thể là khống chế số lượng, không để cho các cây xăng vùng biên giới tự do muốn nhập bao nhiêu hàng cũng được. Nhưng để thực hiện việc làm đơn giản này thì lại vô cùng... không đơn giản, vì có rất nhiều "đại gia" có cây xăng.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì ông Năm Hạ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, hiện là cán bộ Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Long An, có đến... 11 cây xăng mang tên Nhật Linh do thân nhân đứng chủ quyền; trong đó có đến 4 cây xăng nằm ở địa bàn biên giới, thuộc các xã Hưng Điền A, Thái Bình Trung, Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) và Hưng Điền (huyện Tân Hưng). Xung quanh việc tồn tại những cây xăng "kiểu" này, một cán bộ trong lực lượng chống buôn lậu bộc bạch: "Kêu chống buôn lậu, nhưng những cây xăng “của quan” cứ bán thoải mái thì làm sao - khó lắm, nhưng nhà báo đừng nêu tên tôi nói lên báo nghen, kẹt lắm".

Trong cuộc họp hồi tháng 7 của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, ông Phan Minh Châu, Cục trưởng Cục Hải quan cho rằng, phải có giải pháp cụ thể, đình chỉ và không cho phép các cây xăng dầu lưu động trên sông ở khu vực biên giới. Xăng dầu mà di chuyển tự do trên sông ở biên giới như thế thì vô tình tạo môi trường thuận lợi cho buôn lậu có điều kiện phát sinh, không riêng gì các cá nhân, doanh nghiệp ở Long An mà dân ở tỉnh giáp ranh cũng tham gia bán... lưu động trên con sông này. Theo ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Sở Thương mại tỉnh, thì hiện nay có 27 cây xăng đang hoạt động trên tuyến biên giới, trong đó gần sát biên giới có 16 cây xăng.

Những ngày này khu vực Tà Nu, kênh 28 (huyện Vĩnh Hưng)... vẫn thấp thoáng từng nhóm người đi lẻ, mang vác trên vai 1 can xăng 20 lít vội vã ra bờ kênh tranh thủ đẩy sang bên kia. Dòng chảy xăng cứ rỉ rả suốt ngày đêm. Thiếu tá Nguyễn Văn Hoằng, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Hưng cho biết, trung bình mỗi ngày có 3.000 lít xăng dầu chuyển đi, không riêng dân địa phương mà còn có dân Campuchia ở cặp đường biên tham gia. Thiếu tá Hoằng bức xúc: "Muốn giải quyết thì giải quyết ngay tại gốc, cụ thể đó là những cây xăng sát đường biên".

Tấn Đức - Khôi Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.