Xúc cảm từ món cao lầu Hội An

18/07/2005 21:56 GMT+7

Mắt sáng, đẹp phúc hậu. Rất khó hình dung gương mặt tươi tắn, duyên dáng với hai lúm đồng tiền liên tục hiện diện trên các kênh truyền hình từ thành phố đến vtv1, VTV2, VTV3, VTV4 rồi Vĩnh Long, Cần Thơ này đã qua tuổi năm mươi. Không chỉ "làm bếp" trên báo hình, báo viết, báo "nói" chuyên viên gia chánh Cẩm Tuyết còn là người hướng dẫn nấu ăn tin cậy của các đầu bếp xứ người, khách du lịch yêu mến văn hóa ẩm thực Việt Nam.

 

* Đọc tư vấn món cao lầu của chị trên Người viễn xứ tôi hết sức thú vị, cách làm món mất 362 chữ, trong khi con số dành cho... cảm xúc về nó lên tới hơn 2 ngàn; chị "công thức" và "định lượng" bao nhiêu trong hướng dẫn cách nấu thì hào phóng lời bấy nhiêu khi mô tả và "phân tích" món ?

 

- Món ăn này đòi hỏi được "đối xử" như vậy. (Cười tươi tắn và rạng rỡ).

Cao lầu Hội An là một món ăn có hương vị rất độc đáo, biệt lập. Đồ nấu cao lầu từ thực phẩm đến phụ gia tưởng như hết sức sơ sài, xương heo, thịt nạc heo, da heo chiên, húng lủi, hẹ, ngò; cách chế biến cũng có vẻ... thật thà, thô mộc. Nhưng xin chớ coi thường sự tinh tế, thâm sâu của người xưa, chính từ đây đã khởi nguồn cái vị "hiền hiền" thuần nhất rất khó dứt mà món ăn để lại. Việc tìm ra cái giếng Chăm nổi tiếng nhất Hội An ở kiệt Bá Lễ - một trong những cái giếng người ta lấy nước để tráng "sợi" cao lầu - là hết sức công phu, nhưng cắt nghĩa được ma lực của cái vị "sơ sài" khó tả tôi nghĩ khó hơn rất nhiều. Khi người ta thương nhớ và "đi về" với một món ăn thì nó đã vượt thoát khỏi lĩnh vực vật chất rồi đâu còn chỉ là chuyện ăn uống "thuần túy" nữa, lúc này "cái lưỡi" của người đầu bếp phải mang luôn cả tâm hồn anh ta mới có thể đồng điệu với độc giả. 360 chữ cho cách nấu và hơn 2 ngàn cho "tinh thần" cao lầu là bởi lẽ này... (Mắt sáng lên trong ánh cười).

 


Giếng Chăm ở Hội An

Trong những "dài dòng" về cao lầu có những lời tôi dành cho ba tôi và những kỷ niệm tuổi thơ, nó cứ tự nhiên tràn vào thôi chứ chuyện riêng tư này ngó sơ cũng thấy nào liên quan gì tới cao lầu ? (Nhỏ nhẹ và chậm rãi). Tôi được ba cho theo học ở Trường Saint-Paul, rồi Régina-Pacis vì ở đó môn học Nữ công gia chánh được các dì phước dạy rất kỹ. Không chỉ thế, ba còn thường mời các đầu bếp giỏi người Hoa về nầu ăn cho gia đình trong các dịp đặc biệt, cũng là để dạy tôi cách nấu các món ăn này. Đầu bếp Tàu rất giữ nghề, nhưng do mối quan hệ họ nể ba tôi nên tôi đã được làm học trò của họ trong dịp này. tôi đang học năm cuối của chương trình trung học ở Régina-Pacis thì ba tôi chuyển công việc từ Sài Gòn về Mỹ Tho, việc học dừng lại. Rồi chiến tranh, rồi hòa bình... tôi không còn dịp học lên, cũng như học một nghề nào khác. Ai dè những kiến thức ba chuẩn bị cho để bước vào cuộc đời làm vợ, làm mẹ lại đã giúp tôi thành đạt trong cuộc sống mới. Chỉ tiếc là những món ăn của con gái giờ muốn đến được với ba mẹ phải đi tới nửa vòng trái đất !... Mỗi lần vào mạng "nói" về các món ăn với người Việt xa xứ, tôi luôn thấy ba tôi ở những ngày xa xưa khi người tràn đầy hạnh phúc trong những chăm chút tính nữ cho con gái...

 

- Xin cảm ơn và chúc chị có mãi những cảm xúc từ công việc của mình.

 

Thục AN (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.