Cấp phép ca khúc: Vẫn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

10/07/2005 22:08 GMT+7

Nhiều vấn đề được trao đổi trong cuộc họp định kỳ giữa Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP.HCM và các hãng băng đĩa trên địa bàn như gợi mở bỏ giấy phép sản xuất như thế nào, vấn đề nộp lưu chiểu, thời hạn cấp phép sản xuất ?... Nhưng nổi cộm hơn cả là những trường hợp vi phạm và sự thiếu cập nhật các ca khúc được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép của Sở VH-TT gây khó khăn cho các hãng băng đĩa.

Mở đầu cuộc họp, đại diện Phòng Quản lý nghệ thuật trình bày bản báo cáo thực trạng đời sống âm nhạc từ tháng 2 đến nay: "... Chất lượng ca khúc mới so với trước đây vẫn chưa khá hơn bao nhiêu, ít bài có ca từ đẹp, nhiều câu tối nghĩa, lủng củng khó hiểu và ít tính văn học, nhiều câu hát như đối thoại trong đời thường". Vì vậy, phía Sở VH-TT đề nghị các hãng băng đĩa cần chú ý hơn nữa khâu biên tập, sao cho tác phẩm được kỹ càng và đẹp hơn về phần lời. Về hội chứng nhạc Hoa, bản báo cáo nhận xét: "... Gần đây, xuất hiện rải rác một số ca khúc do tác giả Việt Nam viết nhưng mang nặng âm hưởng nhạc Hoa, cũng như dù giai điệu bài hát có chút ít câu nhạc mang âm hưởng nhưng nhạc sĩ phối khí làm cho màu sắc nhạc Hoa thêm rõ nét hơn". Sự vay mượn này phần nào làm nhạt nhòa bản sắc đời sống âm nhạc hiện nay, vẫn chưa cảm thấy nghèo nàn và tự trọng để dừng lại !

Về những sai phạm, phía Sở VH-TT đưa ra những vụ việc như: Công ty Con cò bé bé vi phạm việc dán tem, Công ty Lạc Vũ phát hành CD hòa tấu Cơn gió buồn mùa thu có 4 bài nhạc nước ngoài chưa được cấp giấy phép (đã phạt tiền và thu hủy tang vật). Chương trình Về quê cắm câu của Hãng phim Á Châu có bài Về quê cắm câu với hơn 90% phần nhạc là bài Lính dù lên điểm (sáng tác trước 1975). Đại diện Sở VH-TT cũng nêu ra một trường hợp khá lạ là Công ty Nguyễn Phúc Hậu chỉ duy nhất một người vừa sáng tác, vừa biên tập, vừa hòa âm phối khí... là Nguyễn Phúc Hậu. Trong chương trình Quê hương tình yêu của công ty có bài Đợi chờ với phần B giống y chang bài Chiều trên bến cảng, hay bài Dại khờ có hai câu đầu và âm hình giai điệu giống hơn 80% bài Những đốm mắt hỏa châu (sáng tác trước 1975). Tuy nhiên, hiện tượng sáng tác "đầu Ngô mình Sở", "hồn Trương Ba da hàng thịt" như vậy so với năm 2004 có phần giảm hơn. Phía Sở VH-TT cũng nêu ra trường hợp bài hát Thiên đường có em sau khi bị từ chối cấp phép trong một đĩa nhạc của Công ty Lạc Hồng lại xuất hiện trong chương trình biểu diễn với tên gọi Tình đời gian dối. Bị phát hiện và loại ra, ca khúc này tiếp tục xuất hiện trong một chương trình ca nhạc truyền hình vào đầu tháng 7. Bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở VH-TT cũng nhắc nhở trường hợp Công ty Lạc Hồng sau khi được cấp giấy phép sản xuất nhưng chương trình bị hủy bèn gửi công văn lên Sở đề nghị chuyển giấy phép này cho một công ty khác. Đây là việc làm trái quy định, bởi đơn vị khi được cấp giấy phép sản xuất nếu không có nhu cầu phải trả lại cho cơ quan cấp phép, không được nhường cho công ty khác dẫn đến trường hợp mua bán giấy phép không lành mạnh.

Vi phạm được bà Nguyễn Thế Thanh đánh giá là nghiêm trọng nhất là trường hợp trong tháng 5.2005, đoàn kiểm tra 814 đã phát hiện Công ty Bến Thành phát hành DVD karaoke vi tính Vol.3 nhưng dán tem Vol.2 với hơn 5.000 bài hát có cả nhạc trước 1975, nhạc ngoại, nhạc ngoại lời Việt... Trong khi Sở chỉ mới cấp phép cho Vol.2 với số lượng hơn 1.000 bài hoàn toàn là nhạc Việt Nam. Vụ việc đã được thanh tra Sở xử lý, nhưng bà Thế Thanh cho rằng việc chỉ áp dụng biện pháp phạt tiền (20 triệu đồng) nhưng không áp dụng hình phạt bổ sung là thu hồi tang vật, dẫn đến tình trạng DVD vi phạm này vẫn nghiễm nhiên được bán ngoài thị trường là sai trái và phía Sở sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm.

Khi ông Huỳnh Tiết, đại diện Công ty Bến Thành Audio - Video đứng lên cam đoan DVD trên không có bài hát nào là nhạc trước 1975, phía Sở VH-TT đưa ra bằng chứng là bài Thương hoài ngàn năm. Lập tức, đại diện các hãng băng đĩa nêu rõ bài hát này đã được cấp phép và được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trình bày ngoài thị trường băng đĩa. Đến lúc này, đại diện Sở VH-TT và các công ty mới thống nhất rằng giữa danh sách các ca khúc được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép và các ca khúc đã được cấp phép mà Sở VH-TT đang có chênh lệch nhau. Cho nên, các hãng băng đĩa yêu cầu Sở VH-TT phải cập nhật danh sách của Cục Nghệ thuật biểu diễn để các hãng đơn giản hơn trong thủ tục hành chính và đỡ bị đánh giá nhầm lẫn. Thiết nghĩ, đó là yêu cầu chính đáng. Sở VH-TT cũng thể hiện thái độ cởi mở khi yêu cầu các hãng nếu có đầy đủ danh sách trên hãy cung cấp cho Sở để phục vụ tốt công việc của hai bên.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.