Văn Cao - Nghệ sĩ của tương lai

09/07/2005 00:16 GMT+7

Vậy là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao thoắt đã xa chúng ta đúng 10 năm (10.7.1995 - 10.7.2005). Cứ như không hề có khoảng cách 10 năm, cứ như ông vẫn cùng chúng ta trong những lễ chào cờ buổi sáng, trong những Làng tôi và Thiên thai buổi tối.


Nếu cách đây hơn 30 năm người Mỹ đã đưa bản nhạc Thiên thai của Văn Cao lên vũ trụ, thì mới vừa đây, trong một tập thơ hiện đại Việt Nam được dịch và xuất bản tại Mỹ, thơ Văn Cao lần đầu tiên đã tới với độc giả Mỹ. Tài năng sáng tạo của Văn Cao đã rực sáng cả trong thơ, nhạc và họa. Nhưng nếu ta tự hỏi cái gì làm nên một nghệ sĩ đa tài và có một số phận không dễ dàng như thế, thì câu trả lời sẽ là: đó là khả năng nhìn thấy trước, khả năng nói trước, và như thế, cũng là khả năng chịu đựng trước của Văn Cao. Chịu đựng vì tương lai, đó chính là chìa khóa để ta có thể giải mã cuộc đời và những tác phẩm của Văn Cao, dù đó là thơ, nhạc hay họa.

 

Cả cuộc đời Văn Cao luôn khao khát, đấu tranh, hy vọng và chịu đựng. Sinh ra và lớn lên cùng những người lao động nghèo khổ của Nam Định, Hải Phòng, sống và chiến đấu vì lý tưởng thay đổi cuộc đời của họ, Văn Cao cho ta một bài học khi người nghệ sĩ "cùng xương thịt với nhân dân" mình, "cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu" (Xuân Diệu) với nhân dân mình, họ có thể tìm được sự an ổn cho tâm hồn mình thế nào và có được nghị lực thế nào để vượt qua bao nghịch cảnh. Thấy trước và báo trước, nói thật và nói hết là phẩm chất tối thượng của nghệ thuật, và khi thể hiện được chức năng dự báo ấy, người nghệ sĩ đã có được niềm hạnh phúc lớn lao để sẵn sàng gánh chịu những tai nạn, những đớn đau không thể tránh.

 

Là tác giả của một trong những bài quốc ca sôi sục và mãnh liệt nhất thế giới, Văn Cao đã là tiếng nói của dân tộc mình ở vào thời điểm trước cơn bão của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945. Và ở thời điểm sau ngày 30.4.1975, Văn Cao lại có ca khúc Mùa xuân đầu tiên như báo trước những giá trị nhân bản mà sau cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi chúng ta cần vươn đến. Luôn có một cái gì đó khác lạ trong những sáng tác của Văn Cao, dù ở bất cứ thời kỳ nào. Cái khác lạ đó chính là khả năng nói trước, khả năng dự báo chân thành đến tuyệt đối của người nghệ sĩ. Biết mà không nói, mà nói khác đi hoặc không dám nói thì không phải là nghệ sĩ. Và một nghệ sĩ của cách mạng, một người hiến cả đời mình cả nghệ thuật của mình cho nhân dân vẫn là người tự do, chính là người tự do. Văn Cao luôn là người tự do theo nghĩa cao đẹp nhất của từ này. Từ sự chân thành tuyệt đối, trung thực tuyệt đối với chính mình mà người nghệ sĩ có được tính dự báo trong tác phẩm. Và một khi chen vai thích cánh với nhân dân mình, bắt chặt rễ vào đời sống của nhân dân mình, chịu đựng vì nhân dân mình, người nghệ sĩ sẽ tới được "thiên thai" của tự do và niềm hạnh phúc tối thượng. Cả cuộc đời của Văn Cao đã là như thế. Và đã được như thế. Ông không phải là nhà cổ điển, ông vẫn đồng hành với chúng ta hôm nay, bởi ông là nghệ sĩ của tương lai.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.