TP Hồ Chí Minh: Hợp thức hóa nhà xây dựng không phép

07/07/2005 23:08 GMT+7

Thông báo của UBND TP.HCM về việc triển khai kế hoạch hợp thức hóa cho các trường hợp nhà xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1/7/2004 đã đem lại hy vọng cho rất nhiều người dân. Trong mấy ngày qua, Sở Xây dựng đã khẩn trương hoàn thành bản dự thảo hướng dẫn và lấy ý kiến của các quận huyện về vấn đề này.

Cuối tháng 6/2005, UBND TP.HCM đã có cuộc họp với các sở ngành để triển khai Quyết định 39 của Chính phủ về việc xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) và cho hợp thức hóa. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo những trường hợp đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính về xây dựng mà chưa thực hiện xử lý bổ sung (tức cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm) cũng được áp dụng theo Quyết định 39 nhưng UBND các quận huyện phải có văn bản điều chỉnh lại quyết định xử phạt đã ban hành. Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 140.000 trường hợp công trình vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch, kiến trúc. Ngày 6/7/2005, Sở Xây dựng đã khẩn trương họp với các quận huyện để thảo luận biện pháp xử lý đối với các trường hợp nhà xây dựng không phép, sai phép.

Ông Nguyễn Thế Mỹ -Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.6 cho biết: "Ngay từ sau khi Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực hồi đầu tháng 3/2005, chúng tôi đã linh hoạt áp dụng cấp phép cho các phần đất sau khi giải tỏa thuộc dự án Đại lộ Đông Tây mà còn lại trên dưới 30m2. Trước đó, theo Quyết định 3365 của UBND TP.HCM thì dạng

Sở Xây dựng cho biết sẽ ban hành bản vẽ hiện trạng mẫu cho các trường hợp vi phạm (kèm theo quyết định xử lý theo Quyết định 39) để Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện kiểm tra và xác nhận trước khi cho hợp thức hóa.

nhà này không được cấp phép nếu không hợp khối với các công trình xây dựng tiếp giáp". Việc thực hiện này áp dụng cho hàng chục hộ bị giải tỏa thuộc tuyến đường Trần Văn Kiểu, giúp người dân có diện tích nhà nhỏ hơn 30m2 sau khi giải tỏa có thể xây dựng được nhà và tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống.

Ngày 7/7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch UBND Q.Tân Phú cũng cho biết: "Ngay sáng nay, tôi đã có cuộc họp với các phường trên địa bàn quận lên kế hoạch rà soát, thống kê lại tất cả trường hợp xây dựng sai phép, không phép, không phù hợp quy hoạch để có hướng xử lý khi thành phố ban hành quyết định thực hiện". Theo UBND Q.Tân Phú, do đặc thù của một quận ven, có tốc độ đô thị hóa nhanh nên loại nhà vi phạm xây dựng khá nhiều, rải rác tại tất cả các phường. Riêng những nhà xây dựng không phép nằm trong khu quy hoạch khu công nghiệp Tân Bình mở rộng thì sẽ không thuộc diện xử lý theo Quyết định 39. Chính quyền các quận huyện đều cho biết rất mong thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các quận huyện giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân.

Để giải quyết những vướng mắc tại dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mới đây Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát lại văn bản về quy định kiến trúc các công trình nhà ở trên trục đường này sau khi giải tỏa có diện tích dưới 40m2 để có hướng giải quyết phù hợp với Quyết định 39. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Đua cũng nhấn mạnh: Đối với những trường hợp vi phạm xây dựng phát sinh sau ngày 1/7/2004 phải có hướng xử lý kiên quyết, triệt để. Những trường hợp chưa thực hiện quyết định xử lý vi phạm xây dựng nhất thiết phải thực hiện ngay.

Theo Sở Xây dựng, những vấn đề liên quan đến việc giải quyết các trường hợp nhà sai phép, không phép được xây dựng trước ngày 1/7/2004 đang được tập hợp và sẽ trình lên UBND TP trong vài ngày tới. Sau khi quyết định thực hiện được thành phố ban hành, các quận huyện, phường xã sẽ có trách nhiệm họp các tổ dân phố và phổ biến công khai chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước đến từng người dân, đồng thời cũng công bố công khai những công trình nằm trong khu vực giải tỏa, mức đền bù đối với những công trình cần giải tỏa ngay.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.