"Cò" nhà trọ mùa thi

28/06/2005 22:08 GMT+7

Hàng vạn thí sinh đang đổ về Hà Nội chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ. Các khu nhà trọ đang mở toang cửa đón khách. Góp phần làm nhịp cầu nối giữa cầu và cung là những nhân vật vừa cũ, vừa mới: "Cò"! Họ dẫn khách vào nhà trọ để kiếm tiền hoa hồng từ chủ. Không phải nhân viên nhà đất, "cò" nhà trọ làm ăn thời vụ và là đầu mối thông tin chân thật với sĩ tử có nhu cầu thuê nhà.

Đón khách 

Trong vai học sinh ngoại tỉnh lên Hà Nội đi thi, tôi cắp ba lô lang thang ở Bến xe Giáp Bát. Bỏ qua nhiều lời mời mọc của những người xe ôm trong bến, bước ra cổng, tôi gặp anh xe ôm tên Hùng, quê Nam Định: "Ôn thi à, có chỗ ở chưa?". Anh Hùng cất ngay tấm biển "Có nhà cho thuê" để đầu rọ xe máy rồi chở tôi vào một "làng sinh viên" cạnh Trường ĐH Xây dựng. Anh kể: "Giúp em là chính thôi, anh thì được tiền xe, không phải "cò" đâu mà sợ!". Từ đầu tháng 6, khi lác đác học sinh đổ về Hà Nội luyện thi, anh Hùng được bà Hảo, chủ nhà trọ anh thuê ngỏ lời: "Mày xem giúp cô đưa học sinh vào đây được không? Mỗi đứa cô trả cho năm, mười nghìn uống nước". Khi đó, sinh viên Trường Xây dựng chưa nghỉ hè, anh  Hùng phải giúp bà Hảo dồn "một số ông sinh viên chây ỳ tiền nhà" vào ở chung với nhau; hai phòng trống còn lại được dọn dẹp tinh tươm để đón sĩ tử. Anh Hùng nói: "Yên tâm, vía anh đẹp lắm, năm ngoái dẫn mấy đứa đi tìm nhà, thi đỗ cả, bây giờ là sinh viên, thỉnh thoảng ra đi xe của anh".

Tôi lại xách ba lô xuống ga Hà Nội. Cả một dãy nhà trọ mặt đường Lê Duẩn, kể cả trong ngõ, hầu hết đều treo biển "Có nhà cho thuê", "Có phòng cho thuê". Nhiều phụ huynh dắt con đi thi, ghé chân hỏi thăm giá cả. Mức giá từ 50.000 - 70.000 - 100.000 đồng/phòng/ngày, điện nước đầy đủ, không điều hòa, nóng lạnh. Tôi bị kéo bởi một thanh niên đang ngồi chực ở quán nước chờ khách. Xe đậu vỉa hè và rọ xe gắn biển "Có nhà cho thuê". Cậu nói nhỏ để các ông bà chủ phòng trọ khỏi nghe thấy: "Đi theo anh, nhà trọ ở đây đắt, còi tàu hú suốt ngày, không học được đâu!".  Tôi được mời lên xe phóng vào khu nhà ổ chuột trong ngõ Văn Chương. Một thanh niên tên Thụ bảo: "Em cứ xem, chọn thoải mái. Ưng thì thôi. Nhà nào giá cả hợp lý, thuận tiện học hành thì ở". Khu nhà trọ này nằm gần Trường THCS Văn Chương. Nghỉ hè, ít học sinh; nhiều cave, nghiện ngập. Tôi được đưa vào một dãy nhà ẩm thấp lợp mái xi măng, trần đóng bọt xốp. Hai phòng đầu, mấy em cave bật nhạc nhảy rầm rầm; mùi son phấn nồng nặc. Ba phòng cuối cùng gần


Tìm một chỗ trọ
giữa chốn phồn hoa đô thị không dễ chút nào

công trình phụ đã có 8 học sinh. Một số phụ huynh cũng ở cùng con cái. Bác gái Soa, quê Thái Bình, mẹ của thí sinh Hiền chuẩn bị thi Trường ĐH Công đoàn kể: "Cô ra ga Hà Nội cũng được anh ấy dắt vào đây. Lúc đầu tưởng bị lừa, sợ không dám ở. Hóa ra không phải. Anh ấy làm nghề tự do, tranh thủ đi đón khách kiếm thêm thu nhập".

Theo "bản năng nghề nghiệp" thì Th. chỉ cần nhìn mặt là đoán ngay nhu cầu và túi tiền của khách đi thuê nhà. Đơn giản, bởi cậu đã làm nghề "đón khách" được gần mười năm nay. Nhà Th. ở trong khu tập thể Đại học Sư phạm. Đó là ngôi nhà bốn tầng khang trang lịch sự. Ngày thường, bảy trong tám phòng tại đây đã được sinh viên thuê. Đến khi nghỉ hè hoặc cận ngày thi ĐH, các phòng được thu hồi cho học sinh, phụ huynh trọ học. Ngay cả phòng Th. đang ở; máy tính, loa đài, quần áo cũng được dọn xuống phòng bố mẹ để làm chỗ... cho thuê. Th. bảo: "Năm nào em cũng đón khách kín các phòng. Năm nay, bố mẹ cho em tiền thuê phòng này, đón được bao nhiêu tự hưởng. Em tính, mười lăm ngày trước và sau đợt thi; mỗi phòng cũng được gần 2 triệu". Lần đầu tiên đi "đón khách", Th. còn là học sinh cấp 2. Lúc đó chẳng biết gì, bố mẹ cứ bảo đi đón khách rồi cho tiền ăn kem. Cậu kể: "Em đến phát ngượng. Nhà không phải nghèo khổ, sợ người ta cười". Bây giờ thì Th. đã thành "cò" chuyên nghiệp. Cậu thuộc làu làu lịch thi ĐH, mức giá phòng cho thuê trong KTX, các "làng sinh viên"... Th. được cái dẻo mồm nên đón khách nhanh nhất trong khu. Kể cả những ông bà già ra đứng đón cùng cũng phải nhờ cậu đón hộ. Những nhà trọ không có người đón khách cũng nhờ đến Th.

Cảnh giác "cò" nhà đất

Lời khuyên với học sinh, phụ huynh lên Hà Nội trọ học vào lúc này là đừng mất công tìm tới những văn phòng nhà đất. Thật sự, trừ một số văn phòng làm ăn tử tế, còn lại đều là các công ty môi giới... nước bọt. Kể cả khách thành phố sành sỏi vào đây thuê nhà cũng dính đòn của "cò". Để tìm hiểu các "đòn phép" mới của dịch vụ môi giới cho thuê nhà mùa thi, tôi tìm tới một địa chỉ qua tờ Mua & bán. Mặc dù đã "soi" rất kỹ lời rao, đoan chắc đây là hộ gia đình cho thuê chứ không phải "cò", tôi gọi điện theo địa chỉ, gặp một trung niên tên Nam. Anh ta bảo: “Em cứ đến nhà, nhà anh cho thuê luôn, không phải môi giới”. Mất đến nửa tiếng đồng hồ, tôi tìm thấy "nhà" anh trong một con ngách loằng ngoằng ở gần chợ Kim Liên. Đến nơi mới ngã ngửa: đây là một trung tâm môi giới! Khách đến nhộn nhịp. Chủ yếu là học sinh và phụ huynh. Không có khách tìm mua, bán nhà đất. Bực mình vì bị lừa, tôi lại bị lừa tiếp khi nghe một nhân viên nữ nói ngọt như mía lùi: "Anh thông cảm, cái nhà đó cho thuê rồi!". Tôi hỏi: "Cho thuê rồi, đăng báo làm gì?". Cô bảo: "Thôi để em chỉ cho anh nhà khác, đến ở luôn". Cô giới thiệu, ngôi nhà nằm cạnh rạp chiếu phim quốc gia phố Láng Hạ, dân trí cao, mát mẻ, gần bến xe buýt, điện nước đầy đủ, lối đi riêng. Tôi xin luôn địa chỉ thì cô nhân viên nói nhanh hơn đếm: "Anh nộp lệ phí đi, 50.000 đồng, có người dẫn đi luôn!”. Tôi được người của văn phòng dẫn đến... bãi rác Thành Công, một điểm nóng về ma túy của TP! Vượt cây cầu ọp ẹp bắc qua dòng mương đen sì, hôi rình; đi ngoằn ngoèo vào ngõ vượt mặt vô số ông nghiện đang ngồi ngáp, "nhà" hiện ra qua khung cửa sổ không có cánh: không điện, không toa-lét, không giường, quạt; trần lợp ngói xi măng nóng hầm hập. Giá 400.000 đồng/tháng. Nhân viên văn phòng chẳng buồn mở cửa cho vào xem. Anh bảo: "Thuê được thì tôi gọi chủ đến, giao chìa khóa. Mùa thi kiếm được cái nhà này là may lắm rồi!". Quá bực mình, tôi quay lại văn phòng định quát cô nhân viên một trận thì lại được nghe giọng ngọt như mía lùi: "Anh thông cảm, để em tìm nhà khác. Nhân viên "khai thác thị trường" của chúng em chạy suốt ngày, kiểu gì cũng kiếm được nhà ưng ý. Anh cứ để số điện thoại lại, trong hai tuần em sẽ gọi!". Tôi xin lại 50.000 đồng thì cô bảo: "Anh sao đấy, chúng em làm không công à?".

Hiện tại, để tìm được nhà trọ, tốt nhất là tới các điểm hướng dẫn tình nguyện thuộc chương trình Tiếp sức mùa thi (do Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Công ty Bút bi Thiên Long tổ chức) đặt tại các bến xe, ga tàu. Hoặc nữa thì nên đến các khu KTX; học sinh, kể cả phụ huynh sẽ được trọ trong phòng sinh viên, ngủ giường tầng, công trình phụ khép kín trong phòng. Giá trung bình 10.000 đồng/người/ngày. Nếu ra ở ngoài, nên tìm tới các "làng sinh viên" cạnh trường bởi thời điểm này, một số trường đã thi xong, sinh viên đã trả phòng, về quê. Nếu thuê nguyên phòng, giá từ 50.000 - 80.000 đồng/phòng/ngày. Nếu ở ghép, giá từ 15.000 - 25.000 đồng/người/ngày. Sang nữa thì thuê phòng xịn, phòng trong những ngôi nhà cao tầng; điện nước, quạt, đèn đầy đủ; giá 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Người có nhu cầu thuê nên đến trực tiếp để thương lượng. Hoặc tìm theo địa chỉ những mảnh giấy nhỏ dán trên tường, cột điện các khu vực gần trường, KTX. Đó là những địa chỉ thật, do người có nhà cho thuê dán chứ không phải môi giới. May mắn nhất thì vẫn là gặp được các "cò" nhà trọ. Họ thường đứng đón ở cổng trường, bến xe buýt, xe khách. Thỏa thuận xong giá cả, khách sẽ được đón và đưa đồ đạc về tận nhà, miễn phí.

Xuân Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.