Khổ vì vợ... đảm đang!

24/06/2005 17:01 GMT+7

Được tự tay chăm sóc chồng con, nấu những bữa ăn gia đình... là hạnh phúc của đại đa số phụ nữ, nếu như các chị biết cách tổ chức cuộc sống gia đình. Thế nhưng, đối với một số chị em, đó lại là những... hình phạt chính họ dành cho bản thân.

Hành xác

Sau những trận cãi vã triền miên với vợ, tháng 2/2005, anh Thanh Bình - nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở quận Tân Bình - TP.HCM, đã tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý với vẻ mặt đầy “tâm trạng”. Anh kể: “Vợ chồng tôi kết hôn cách đây 5 năm, cô ấy là thủ quỹ một công ty sản xuất bánh kẹo. Thu nhập của cả hai vợ chồng khá cao, cuộc sống rất ổn định. Hàng xóm, bạn bè đều cho là tôi có số hưởng khi có một người vợ tháo vát, giỏi giang việc nhà lẫn việc cơ quan. Cưới nhau 5 năm thì có đến 4 năm cô ấy được tuyên dương là "Phụ nữ hai giỏi", khiến tôi cũng rất tự hào. Tuy nhiên, cũng chính vì vợ tôi quá giỏi giang, luôn ôm đồm mọi việc nên tôi mới khổ.

Vợ tôi có suy nghĩ chăm sóc chồng con, làm nội trợ là trách nhiệm của người vợ, người mẹ nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà cô ấy đều cáng đáng hết. Hết giờ làm là vợ tôi tất tả ghé chợ mua đồ về nấu ăn. Suốt buổi tối cô ấy hết làm bếp đến dọn dẹp, rửa chén, giặt đồ, lau nhà cửa, tắm rửa con... gần 23h00 mới xong việc. Nhìn vợ vất vả tôi cũng xót, đã nhiều lần bảo tìm người giúp việc, nhưng cô ấy phản đối quyết liệt với lý do: “Mướn người lớn tuổi mình không la rầy được, còn mướn các cô gái trẻ thì mắc công giữ chồng, nếu người giúp việc không làm đúng ý mình thì chỉ tổ càng bực mình thêm".

Thấy vợ bận bịu, tôi cũng phụ lặt rau, rửa chén... nhưng cô ấy chê làm ẩu rồi tự làm một mình. Do suốt ngày đầu tắt mặt tối nên vợ tôi rất dễ cáu gắt, nóng nảy. Tôi đi làm về muộn là bị xỉa xói: “Ở nhà có con sen này lo hết nên ông chủ đâu cần bận tâm, muốn đi - về giờ nào chẳng được”. Tôi dẫn xe vào nhà mà quên lau vết xe hay bỏ cái khăn tắm không đúng nơi cũng bị la.

Còn đi uống cà phê hay lai rai với bạn bè thì coi như sáng đêm tôi khỏi ngủ bởi cái điệp khúc: "Anh là chồng mà sao vô tâm, tôi cũng phải đi làm như anh, tối về còn phải làm quần quật như trâu, chẳng bao giờ rảnh rang để đi chơi. Anh đã không phụ vợ thì thôi, lại đi đàn đúm với bạn bè. Vô trách nhiệm như thế làm sao tôi sống nổi”.

Nói thật, sống với vợ mà tôi luôn nơm nớp lo như sống gần quả bom, chẳng biết phát nổ khi nào. Tôi hiểu, vợ tôi rất có trách nhiệm với gia đình, nhưng cô ấy đã quá lạm dụng từ "trách nhiệm" và vô hình tự hành xác mình và hành cả chồng con. Nhiều lúc tôi ước gì vợ tôi bớt đảm đang, bớt tháo vát một tí chắc không khí gia đình sẽ nhẹ nhàng hơn".

Khổ vì vợ quá tháo vát, đảm đang cũng là nỗi lòng của anh Quốc Thái - nhân viên một công ty bảo hiểm. Năm 1996, khi vợ chồng anh mua được miếng đất vườn 1.000 m2 ở Hóc Môn thì vợ anh - chị Tuyết Mai - quyết định nghỉ làm để ở nhà chăm 3 đứa con nhỏ và coi sóc vườn tược. Trước đây, chuyện nội trợ gần như do mẹ chồng đảm trách, giờ chị phải quán xuyến hết mọi việc. Suốt ngày chị phải tất bật với những việc đi chợ, nấu ăn, lau dọn nhà, giặt đồ, chuẩn bị cho con đến trường... Bạn bè rủ đi chơi, họp mặt chị đều từ chối với lý do: "Tao bận ngập đầu, không còn thời gian để thở nữa, nói chi đi chơi". Chị Mai cũng không chịu tìm người giúp việc, vì cho rằng chị nghỉ việc là để ở nhà chăm sóc gia đình nên không lý gì phải mướn người giúp việc. Làm mệt nên chị luôn tỏ ra mệt mỏi, cáu gắt, rất hay gây gổ với chồng.

Hiểu tâm trạng của vợ, anh rủ chị đi Đà Lạt, Vũng Tàu chơi để thư giãn thì chị lại than: “Bỏ nhà bỏ cửa đi sao được. Đi rồi về dọn dẹp mệt lắm". Có lần, chị không chịu đi nên anh xuống Vũng Tàu dự một đám cưới với bạn bè một mình. Nào ngờ từ đó, mỗi khi chị nhìn thấy tấm ảnh anh chụp tươi cười với đám bạn là nổi quạu: "Tôi vì cái gia đình này mà nghỉ việc ở nhà, tôi hy sinh mọi thú vui để làm tròn bổn phận của dâu con, người vợ, người mẹ. Vậy mà anh lại hớn hở chơi đùa với bạn bè, không nghĩ gì đến nỗi khổ của vợ”.

Nhiều lần, vợ chồng anh xung đột vì những chuyện không đâu. Anh Thái than thở: “Từ khi nghỉ việc ở nhà, vợ tôi lúc nào cũng như con nhím xù lông. Tại sao vợ tôi lại cứ buộc hết công việc vào mình rồi lại luôn cau có, giận dữ?".

Cởi trói

Tiến sĩ Richard Carlson, tác giả quyển Đường đến thành công, đã tự bạch: "Làm việc không nghỉ ngơi, không dành thời gian để giải trí, thư giản là một sai lầm mà tôi từng mắc phải. Cứ luôn sống trong tâm trạng là công việc ngập đầu ngập cổ sẽ khiến bạn dễ cáu giận, mất bình tĩnh dù đó là những chuyện không đâu. Bạn hãy tự cởi bỏ tấm áo "đầu tắt mặt tối” bằng cách dành thời gian thư giãn, giải trí, đi du lịch... bạn sẽ thấy công việc và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, trôi chảy hơn".

Lời khuyên này không chỉ đúng với hai trường hợp trên, mà còn đúng với rất nhiều người. Điển hình như chị Hải Yến, ở P. Bình Trưng Tây, Q.2 - TP.HCM. Kết hôn 9 năm là đủ 9 năm chị chỉ biết chăm lo cho chồng con, nhà cửa, không nghĩ chút gì cho bản thân. Cũng như hai người vợ trên, chị Yến rất dễ nổi cáu khi chồng đi nhậu, về nhà trễ. Dịp 30/4 rồi, chị quyết định nghe theo lời khuyên của một người bạn gái thân, cùng đứa con gái lớn đi du lịch Huế - Đà Nẵng 5 ngày.

Kết quả thật bất ngờ, chị Yến kể: "Khi lên xe, lòng tôi vẫn còn rối bời với bao nỗi lo không biết chồng có đón con đúng giờ, mấy cha con có tự nấu ăn được không... Nhưng rồi hòa vào không khí đoàn du lịch luôn vui vẻ, rồi những lúc thong dong trên bãi biển, thanh thản leo núi... tự dưng tôi quên hết lo toan. Tôi đã thấy lòng mình thật nhẹ nhàng và nhận ra đôi lúc cũng cần phải biết sống cho mình, đừng ru rú trong nhà, luôn nghĩ là mình phải sống vì người khác nên dễ sinh ra cáu bẳn. Sau chuyến đi, chồng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy tôi vui vẻ hơn và những lần gây gổ đã giảm dần. Chồng tôi nói, tôi đã tự cởi trói cho cái tính tham công tiếc việc của mình".

Theo lời chuyên viên tư vấn, anh Bình vừa thuyết phục vừa phân tích cho vợ thấy cái hay cái dở khi chị quá ôm đồm. Bỏ công cả tháng trời, anh mới làm cho chị chịu thuê người giúp việc. Hơn hai tháng qua, buổi tối là lúc hai vợ chồng anh thảnh thơi nằm đọc báo, xem ti vi và chơi đùa với con. Anh hồ hởi: "Cởi bỏ bớt công việc nên vợ tôi lại vui vẻ như hồi mới cưới. Cô ấy bây giờ tuy ít làm việc nhà hơn, nhưng tôi vẫn thấy vợ tôi đầy đủ trách nhiệm với chồng con".

Dưới góc độ của một chuyên viên tư vấn tâm lý, bà Nguyễn Thị Minh Thủy (Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu và hôn nhân gia đình - số 37 Nguyễn Thông, Q.3 - TP.HCM) nhận xét: "Việc nội trợ, chăm sóc chồng con là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng nhiều người đã lạm dụng thiên chức này và vô tình trở thành một kẻ nô lệ cho gia đình, tự trói mình vào công việc nội trợ mà không hay biết. Có người muốn lấy công việc nội trợ nhằm tạo cái thế cho mình để gây áp lực với chồng, có nhiều người thì lại do có trách nhiệm quá mức... Chị em cần biết, làm như thế là hạ thấp mình, chẳng khác nào tự trói mình vào công việc nội trợ. Thậm chí lâu dần, sẽ để lại hình ảnh của mình trong mắt chồng như là một người giúp việc nhà. Hãy chia sẻ việc nhà với chồng, với người thân để mọi người cùng có trách nhiệm chăm sóc gia đình, chứ đừng tự trói mình vào công việc để rồi dễ cáu gắt, bực bội mà làm mất đi hạnh phúc của chính mình”.

Theo PNTP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.