Nên tách phổ cập giáo dục với đào tạo trong nhà trường

13/06/2005 14:18 GMT+7

Chuyện chỉ tiêu, bệnh thành tích trong ngành giáo dục lâu nay đã là đề tài "biết rồi, nói mãi" nhưng vẫn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thật dễ hiểu, mục tiêu và chức năng của giáo dục không chỉ là trang bị kiến thức mà còn là việc định hướng và tạo đà phát triển - cả về nhân cách và tri thức - cho thế hệ trẻ. Vấn đề không khó khắc phục, nếu những người có trách nhiệm lắng nghe ý kiến, đóng góp của đông đảo người dân, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Thanh Niên Online đăng tải bức thư của một bạn đọc giấu tên ở Quảng Nam muốn gửi một ý kiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục:
 
"Tôi là một giáo viên giảng dạy cấp THCS. Những kỳ thi tốt nghiệp thật là khủng khiếp đối với người coi thi, nạn tài liệu tràn lan, giáo viên coi thi thật sự "câm và mù" trong phòng thi. Nếu giáo viên coi thi nặng tay thì bị lãnh đạo "dàn xếp" bằng nhiều càch. Vừa qua ở Khánh Hoà đã tiến hành một kỳ thi tốt nghiệp thật sự nghiêm túc và kết quả đáng để những vị lãnh đạo ngành giáo dục xem xét.

Thật tình mà nói giáo viên bây giờ đi dạy khổ lắm, sợ lãnh đạo lẫn sợ luôn học sinh, vì phổ cập nên phải đủ chỉ tiêu lên lớp; học sinh học cực yếu cũng phải bằng mọi cách cho lên lớp để đủ chỉ tiêu phổ cập, trường chuẩn. Mà cũng xin nói thiệt, giáo dục là dạy con người mà chỉ tiêu thì cứ đề ra 80 đến 90% học sinh đạt trung bình trở lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98-99%... hỏi thử trường nào không chạy theo thành tích?

Muốn đổi mới giáo dục cần phải có định hướng lại trong chiến lược để chống bệnh thành tích và giáo viên có thể dễ dàng đảm bảo "trung thực" trong chuyên môn. Tôi xin nêu một cách giải quyết vấn đề là: Học sinh học đủ tiêu chuẩn thì cho học lớp chính quy, còn chưa đủ tiêu chuẩn thì cho học lớp phổ cập, nếu ở lớp phổ cập học sinh có tiến bộ thì chuyển sang học lớp chính quy. Giáo viên trong lớp sẽ dễ dạy hơn vì phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với chương trình đổi mới sách giáo khoa thì thật sự học sinh yếu, kém dạng cần phổ cập tiếp thu chung với học sinh đại trà là không nổi, dẫn đến càng ngày càng yếu kém.

Vấn đề giáo dục còn là chuyện phải bàn lâu dài, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo ngành nên có cái nhìn vào chất lượng chứ đừng nhìn vào số lượng, bệnh thành tích trong ngành giáo dục đã thấm sâu vào các lãnh đạo ngành, đó là nỗi khổ của những người giáo viên".

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.