Bệnh nhân phong đầu tiên sống thọ 100 tuổi tại Việt Nam

30/05/2005 21:38 GMT+7

Trong sự đùm bọc ấm cúng của "đại gia đình" Khu an dưỡng 1, Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (thuộc Bộ Y tế), cụ bà Huỳnh Thị Chút, quê ở thôn Tân Long, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã sống vui vẻ và thọ đến "bách niên".

Trong những ngày này, cụ Chút thanh thản sống nốt cuộc đời còn lại của mình trong sự đùm bọc, chăm sóc của những người bên cạnh. Cho đến giờ, cụ cũng không ngờ mình đã "đại thọ" đến thế. Cụ Chút đã trở thành biểu tượng đáng tự hào về khả năng vượt qua nỗi đau tật nguyền của hơn một ngàn cư dân ở khu điều trị bệnh nhân phong lớn nhất Việt Nam này.

 

Cụ Chút là con gái út trong một gia đình bần nông. Trong nhà, cả bố mẹ và 2 người anh trai không một ai có biểu hiện của bệnh phong nhưng căn bệnh quái ác này lại bộc phát và hành hạ thân thể mảnh mai của cô con gái út từ năm lên 14 tuổi. Sau khi bị bệnh được vài năm, cả gia đình lưu lạc và hai cụ thân sinh qua đời. Từ đó, cụ một mình bươn bả kiếm sống bằng việc giữ trẻ thuê ở làng. Khi tuổi đời lớn lên và căn bệnh ngày một phát lộ ra ngoài, chẳng có ai dám thuê giữ trẻ nữa, cụ Chút đành phải rày đây mai đó, lần lữa qua ngày cho đến ngày cụ được đưa vào khu an dưỡng.

 

Khi chúng tôi tìm vào khu an dưỡng, cụ Chút vừa được Chi hội Người cao tuổi của bệnh viện tổ chức lễ mừng đại thọ 100 tuổi. Nhưng chẳng còn một ai nhớ được ngày sinh cụ thể của bệnh nhân phong thọ nhất Việt Nam này. Ngay cả ông Nguyễn Hữu Đồng - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân - là người luôn gắn bó với các bệnh nhân ở khu an dưỡng cũng vẫn bó tay chịu thua. Ông Đồng bỗ bã rằng, những giấy tờ tùy thân của cụ Chút còn giữ lại đến nay đều không ghi ngày, tháng mà chỉ ghi năm sinh là 1905. Về thời điểm cụ Chút vào điều trị tại Quy Hòa, ông Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân thành thật nói: "Có người bảo từ năm 30, 40 của thế kỷ trước. Nhưng sổ sách lưu lại tên cụ Chút nhập viện điều trị là từ tháng 1.1975. Cụ đã "kinh qua" năm đời giám đốc phụ trách ở đây".

 

Chị Hương, người y tá có thâm niên gần 20 năm phục vụ ở khu dưỡng lão và giờ mỗi ngày hai bữa sáng chiều bế cụ Chút lên xe lăn, đẩy đi dạo quanh khuôn viên khu dưỡng lão kể: "Từ ngày cụ Chút vào sống ở đây chỉ có một lần cụ rời Quy Hòa. Lần ấy cũng lâu lắm rồi, khoảng năm 1976, khi nghe tin người anh trai của mình đi tập kết trở về, cụ đã lặn lội về quê thăm người anh trai ấy sau nhiều năm bặt tin. Sau đó cụ Chút trở lại sống với những đồng bệnh tương lân của mình. Hơn 10 năm trước, cụ Chút không may bị té ngã, nằm liệt giường, việc sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến các điều dưỡng".

 

Khi trò chuyện cùng chúng tôi, cụ Chút thì thầm bảo là cụ không còn nhớ nhiều về cuộc đời lắm chìm nổi, truân chuyên của mình. Do bệnh tình sớm làm cho tứ chi của cụ Chút co quắp, dị dạng nên người phụ nữ này đã không thể lấy được chồng và cũng chẳng có nổi một mụn con để nương tựa tuổi già. Những người bệnh gần gũi lâu năm bên cụ Chút chia sẻ: "Người nhà của cụ Chút giờ cũng không còn ai. Nghe nói chỉ còn một người cháu gái tuổi đã hơn 70 nhưng vài năm mới vào thăm một lần". Bà Mai Thị Ba, 60 tuổi, quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào sống ở khu dưỡng lão từ năm 1999, cảm thông với cảnh ngộ của cụ Chút, bà Ba không quản ngại vất vả chăm lo cơm nước, cùng với các điều dưỡng đỡ đần những lúc cụ Chút trái gió trở trời. Bà Ba bảo rằng, tuổi già sức yếu nên cụ Chút rất "kén" trong chuyện cơm nước. Mỗi ngày, cụ Chút dùng được 2 bữa cơm với thức ăn là một nhúm thịt nạc băm nhuyễn hoặc con cá tươi nấu bát canh mà thôi. Riêng rau hoặc những thức ăn khác cụ Chút đều không thể dùng được, phần vì không thích, phần vì răng đã rụng gần hết.

 

Trong lần đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa của đoàn công tác Hội Chống phong Hà Lan mới đây, nhiều vị khách nước ngoài đi trong đoàn nói rằng, số người mắc bệnh phong sống thọ 100 tuổi trên thế giới hiện nay không nhiều, trường hợp của cụ Chút là rất hiếm gặp và họ rất thán phục khi biết Việt Nam đã có chế độ chăm sóc bệnh nhân phong tốt đến như thế.

 

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.