Nghị lực của cậu bé... không tay

29/05/2005 22:02 GMT+7

Tôi nghe bà ngoại kể, khi sinh ra tôi, ba mẹ rất buồn. Ba mẹ tôi nghĩ chỉ có ở TP.HCM mới làm thay đổi cuộc đời tôi. Vậy là ba mẹ mang tôi về thành phố. Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ phải gửi tôi vào làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ để đi tìm việc làm. Với hai bàn tay trắng, ba mẹ tôi đã nuôi nấng, dạy dỗ và cho tôi ăn học... Mẹ có đôi mắt rất đẹp nhưng đầy nghiêm khắc. Đôi mắt ấy như biết nói, khi tôi được điểm cao, đôi mắt ấy như vui mừng, khi tôi làm việc gì sai trái, đôi mắt ấy như rất buồn...".

Đó là đoạn văn của một học sinh lớp 7 bị di chứng của chất độc màu da cam viết về ba mẹ mình, đã khiến thầy cô Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) rất xúc động, không ngần ngại cho điểm 8. Cậu bé có cái tên Trần Tôn Trung Sơn (tên gọi ở nhà là Thiện). Ba của Sơn kể lại, gia đình anh sống ở ngay bờ Nam sông Bến Hải, mảnh đất hứng chịu nhiều chất độc màu da cam suốt những năm 60, 70. Bản thân anh cũng là một chiến sĩ trên mặt trận Lào. Ngày sinh Sơn ra, cả nhà ai cũng buồn vì bàn tay trái của cháu mọc ngay sát nách, còn tay phải thì không có khuỷu, nhìn rất tội. Biết rằng đó là di họa của những năm chiến tranh, hai vợ chồng chỉ nghĩ đến duy nhất một con đường là phải làm sao để thoát khỏi cảnh đói nghèo, để sau này có tiền chữa trị cho con, nuôi con học hành thành đạt. Vào TP.HCM với 2 bàn tay trắng, ba mẹ Sơn đã đi làm thuê, học nghề, đêm về công viên ngủ. Cũng may mắn, Sơn lớn lên chỉ bị dị tật ở tay nhưng đầu óc lại vô cùng thông minh. Nhận thức được việc học là cần thiết, ba mẹ Sơn đã chăm chút cho con ngay từ bé, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Sơn ăn học. Và điều quan trọng nhất là giúp Sơn vượt qua nỗi mặc cảm về cơ thể. Nhưng dường như, cậu bé càng lớn, càng nhận ra mình có một nỗi buồn. Không tự thay đồ, không tự tắm, không tự đi vệ sinh được, có lần Sơn làm nhói lòng người cha: "Ba ơi, khi nào ba làm cánh tay cho con?"...

Những cá tính đặc biệt được hình thành trong Sơn như để bù đắp cho những thiệt thòi mà cậu bé phải gánh chịu. Đó là sự chăm chỉ, khát khao hiểu biết, khát khao học hỏi, tất cả nằm trong 2 từ "nghị lực". Sơn đã mang về niềm tự hào cho ba mẹ: Học sinh giỏi toàn thành phố môn Toán và Tiếng Việt năm lớp 5, thủ khoa khi thi vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình), là một trong 5 học sinh giỏi nhất Q.Tân Bình, được nhận bằng khen "Học sinh giỏi vượt khó", là học sinh xuất sắc của lớp 7A7 Trường Trần Đại Nghĩa với điểm thi học kỳ môn Anh văn (môn chuyên) là 9, Toán 9, Văn 8,5. Bên cạnh việc học ở trường, Trần Tôn Trung Sơn còn say mê học lập trình, học thêm Toán, Anh văn vào buổi tối. Điều gây bất ngờ lớn nhất là Sơn còn theo học môn taekwondo tại một trung tâm của Hàn Quốc, đang thi nhất đẳng. Trên kệ sách của em là những cuốn: Putin - Nhân vật số 1, Bí mật và huyền thoại - Arafat - Một đời tự do, Tôn Trung Sơn - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Người Nhật, Thế thứ các triều vua Việt Nam, Lịch sử thế giới cận đại... Sơn tâm sự, ước mơ của em là trở thành một chính trị gia... Tôi thầm ước gì y học tiên tiến mang lại cho Sơn 2 cánh tay, để em có thể tự mình làm những việc hết sức bình thường như  đi xe, mặc áo... và còn nhiều hơn nữa.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.