Điện - cấp bách số 1

24/05/2005 23:36 GMT+7

Chuyện chẳng đặng đừng đã xảy ra: miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, bắt đầu rơi vào tình trạng phải cắt điện luân phiên từ 3 ngày qua. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của toàn khu vực, và sẽ còn kéo dài bao lâu nữa ?

Xoay xở tìm nguồn điện

Ông Đào Văn Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trả lời Báo Thanh Niên về việc cắt giảm điện trong những ngày tới.

* Tại buổi họp báo ngày 20/5, ông có nói rằng, ngày 22/5 EVN sẽ cắt điện đường dây 500 KV Đà Nẵng - Hà Tĩnh mạch 1 để đấu nối  đường dây mạch 2 vào hệ thống, nhằm cung cấp thêm 4 triệu Kwh/ngày từ miền Nam ra miền Bắc. Nhưng đến hôm nay, vì sao việc này chưa thực hiện được?


Ông Đào Văn Hưng

- Ông Đào Văn Hưng: 2 giờ sáng ngày 22/5 đã đóng xong mạch 2 đường dây 500 KV từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh, bây giờ phải làm xong một số việc đấu nối nữa. Chiều hôm nay (24/5) mới chính thức tải điện được từ Nam ra Bắc khoảng 4 triệu Kwh/ngày, bằng một nửa lượng điện đang bị cắt hiện nay. Điều này sẽ khiến cho áp lực về cung ứng điện sẽ đỡ đi. Còn làm sao để đáp ứng được 50% lượng điện thiếu còn lại thì cũng không có cách gì hơn ngoài việc chúng tôi cố gắng đàm phán nhanh hơn việc mua thêm 300 - 400 MW từ Trung Quốc, tổ máy số 2 của Nhà máy Điện Na Dương phải đưa vào vận hành trong mấy ngày tới. Và tốt nhất là các địa phương, khách hàng thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về tiết kiệm điện. Việc cắt giảm phụ tải vẫn phải thực hiện.

* Xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay có phần nguyên nhân do hệ thống điện quá lệ thuộc vào các nhà máy thủy điện và việc chậm trễ trong tiến độ xây dựng các công trình nguồn mới?

Sẽ khủng hoảng, nếu Hòa Bình và Thác Bà ngừng phát điện
Tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ngày 24/5, mức nước đo được tại hồ thủy điện Hòa Bình chỉ còn 78,64m, dưới mức nước chết tới 1,36m. Mức nước tại hồ thủy điện Thác Bà cũng chỉ còn 45,23m (cách mức nước chết 0,77m). Việc các nhà máy thủy điện phải vận hành dưới mức nước chết là "rất nguy hại" đối với các turbine phát điện. Nếu mức nước hồ Hòa Bình xuống còn 76m và hồ Thác Bà giảm xuống 44m thì 2 nhà máy này sẽ buộc phải ngừng hoạt động. Đây là 2 trung tâm cung ứng điện lớn nhất toàn miền Bắc, nếu ngừng hẳn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về cung ứng điện và diện phải cắt điện chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu hiện nay.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc cũng đã thông báo lại mức công suất mà điện lực các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ có thể được sử dụng. Riêng Hà Nội chỉ được sử dụng 550 MW (trong khi bình thường là 900 MW, tức là cắt giảm gần một nửa). Theo một kỹ sư của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, việc giảm phụ tải (cắt điện) trên diện rộng hơn là "rất có khả năng phải thực hiện".

- Ông Đào Văn Hưng: Từ năm 2001, ngành điện đã dự đoán tình hình này và đề xuất với Chính phủ một cơ chế đặc biệt để làm đường dây 500 KV mạch 2. Có như vậy thì hiện nay mới có thể đấu nối, đưa 4 triệu Kwh/ngày từ Nam ra Bắc. Từ đầu năm 2004, chúng tôi cũng đã chủ động đàm phán với Trung Quốc để mua điện. Việc thứ ba nữa là chúng ta phải nhận định thế này: hồ nước thủy điện Hòa Bình hay bất cứ một hồ thủy điện nào đó trên thế giới đều có thể lâm vào nguy cơ khi có tình trạng hạn hán. Nhưng để khắc phục thì không phải là cứ đầu tư một hay nhiều nhà máy nào đó để dự phòng khi có sự cố. Sẽ không có một nhà nước nào, một doanh nghiệp nào có thể làm như vậy. Biết thiên tai để phòng nhưng vượt qua, trị được thiên tai là không thể.

* Với tình hình hiện nay, có phải điều chỉnh lại tổng sơ đồ phát triển điện năng?

- Ông Đào Văn Hưng: Chúng tôi đã điều chỉnh đến lần thứ 2. Đến năm 2008 - 2009, các nhà máy mới đi vào hoạt động thì tôi nghĩ có thể đáp ứng được. Nhìn xung quanh các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật... họ cũng nằm trong tình trạng thiếu năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế này, việc xây dựng các nhà máy điện để kịp đáp ứng nhu cầu là việc khó. Ví dụ như Bình Dương, tốc độ tăng phụ tải là 40% thì ngành điện không thể lao theo xây dựng ngay một nhà máy điện cho riêng khu vực đó. Vì thế, những điều chỉnh về quy hoạch điện đã đưa tốc độ xây dựng lên rất cao rồi. Chưa có giai đoạn nào cùng một lúc khởi công đến gần 10 nhà máy như giai đoạn này. Nếu như có Nhà máy Thủy điện Sơn La thì đã không xảy ra tình trạng này vì nó tích được 9 tỉ m3 nước trên đó, vừa để phát điện vừa cung cấp thêm nước cho hồ Hòa Bình phát lại một lần nữa. Còn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì chúng tôi cũng đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

* Thủ tướng đã chỉ đạo là phải ưu tiên cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... nhưng trong mấy ngày qua, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp cũng đã bị cắt điện thậm chí không được báo trước?

Hà Nội: Đảm bảo điện cho các điểm thi tốt nghiệp
Theo kế hoạch, hôm nay 25/5, Hà Nội sẽ phải cắt 180 - 200 MW, địa bàn mất điện vẫn rất rộng, trải khắp 14 quận huyện. Một cán bộ có trách nhiệm của Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, rất khó có thể thông báo một cách chi tiết lịch cắt điện ngày hôm nay. Để đảm bảo công bằng cho các hộ dân, 3 ngày qua, Công ty Điện lực Hà Nội đều cắt luân phiên các trục đường nhưng do hôm nay là ngày thi tốt nghiệp trung học cơ sở, công ty sẽ tiến hành cắt theo nhánh, đảm bảo các điểm thi đều có điện. (X.T)

- Ông Đào Văn Hưng: Theo tôi hiểu thì một số doanh nghiệp nằm trên tuyến của đường dây trung thế hoặc thậm chí đường dây hạ thế thì khi sa tải phụ tải (cắt giảm điện), người ta thường sa tải theo tuyến và không tránh khỏi việc bị cắt điện. Nếu lại đóng điện vào thì không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng được dùng, trong khi khả năng cung ứng hạn chế thì sẽ gây ra hiện tượng quá tải, rã lưới, sập lưới. Riêng điện cho các cơ sở công nghiệp trọng yếu thì vẫn phải đảm bảo, ví dụ như các khu công nghiệp nằm ở vị trí độc lập.

* Nhiều hộ tiêu dùng phản ánh thời gian cắt điện dài hơn so với thông báo cắt điện ban đầu vài tiếng đồng hồ?

- Ông Đào Văn Hưng: Hiện nay ở miền Bắc sa tải khoảng 9 - 10% tổng lượng điện tiêu thụ hằng ngày. Việc cắt giảm là do hệ thống điều độ đã thống nhất với cơ sở điện lực ở địa bàn. Trong quá trình thao tác, cũng có thể có lệch pha, nhảy máy cắt, dẫn đến việc không theo lịch cắt điện dự kiến. Tuy nhiên, đó là một số trường hợp cá biệt, còn thông thường, lịch cắt điện được thực hiện đúng và nghiêm túc.

Mạnh Quân (thực hiện)

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định:
Năm nay không có lũ tiểu mãn !

Chiều 24/5, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Viết Thi, Trưởng phòng Dự báo thủy văn - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương và thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (ảnh) - Phó phòng Dự báo và phục vụ - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ về diễn biến thời tiết trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Viết Thi cho biết: Đến giờ này chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng sẽ có mưa để sinh ra lũ, cung cấp nước cho hồ thủy điện Hòa Bình. Vào các năm, khoảng 20 - 25/5 có đợt mưa cả ở khu vực miền Bắc và miền Trung. Đợt mưa này gây nên lũ tiểu mãn trên khu vực thượng lưu sông Đà. Mấy năm vừa rồi đều có lũ ở khu vực này, nhưng năm nay cho đến giờ chưa thấy gì cả và cũng có thể nói năm nay là năm không có lũ tiểu mãn.

Còn theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan thì trong những ngày qua, các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Đồng Nai có mưa khá nhiều, nên tình hình khô hạn đã hết. Mực nước trên các sông cũng đã cải thiện hơn. Trong khi đó, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chỉ có tỉnh Kiên Giang, vùng bán đảo Cà Mau và một vài nơi như Cần Thơ xem như mùa mưa đã bắt đầu. Còn những nơi khác mưa chưa đều, nhưng từ nay đến cuối tháng 5 lần lượt sẽ vào mùa mưa hết. Hiện nay do cao áp Tây Thái Bình Dương đang phát triển nên giảm mưa (diện mưa thu hẹp lại). Do vậy, thời tiết nắng nóng trở lại, nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM khoảng 35 - 36 độ C, miền Đông khoảng 36 - 37 độ C. Ở Tây Nguyên vừa qua đã có mưa nhiều, hết khô hạn, trong khi Nam Trung Bộ, trong đợt mưa vừa rồi chỉ có Bình Thuận là bớt khô hạn do có mưa nhiều hơn, còn tỉnh Ninh Thuận vẫn ít mưa, khô hạn vẫn rất gay gắt.

Mai Vọng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.