Không sợ cọp nhưng... sợ vợ

16/01/2005 11:44 GMT+7

Đàn ông thứ thiệt thường có những cách thức khẳng định mình rất độc đáo: biểu lộ sức mạnh bằng hành động hết sức kiên quyết, tạo sự chú ý bằng vẻ ngoài ấn tượng, thực hiện hành vi bằng một phong cách riêng. Nhưng cũng có người chỉ cảm thấy tự tin khi được... sợ vợ. Đó là một cách nói, cách ám chỉ, hình thức biểu lộ tình yêu hay thậm chí là một phong cách đàn ông kiểu mới? Có phải đàn ông đều sợ vợ? Có phải người sợ vợ sẽ sợ tất cả mọi thứ, kể cả vợ… người khác?

Vợ là một nhân vật rất đặc biệt mà khi nhắc đến, người đàn ông nào cũng phải biểu lộ sự lưu ý, sự quan tâm hay có thể là sự "cảnh giác" cao độ. Người vợ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn để được thương chồng và để được chồng thương mình. Người đàn bà nói chung và người vợ nói riêng thường có loại vũ khí bí mật giúp họ điều khiển được đức ông chồng trong những trường hợp bình thường hoặc đặc biệt nào đó. Những loại vũ khí bí mật này sẽ làm người đàn ông phải dè chừng và trở nên "sợ hãi" như lời tác giả Saint Cyprien nhận xét: "Người đàn bà là quỷ dữ, họ dắt ta vào địa ngục ngang qua ngưỡng cửa của thiên đường".

Than phiền như vậy, lo lắng như thế, nhưng khi đàn ông không có vợ bên cạnh thì họ sẽ sống như thế nào đây? Họ sẽ thực hiện ước muốn chinh phục vũ trụ của mình bằng cách nào đây khi trong tận cùng hạnh phúc hay đau khổ, chỉ vợ mới là người có đủ kiên trì bày tỏ sự tán dương hay chia sẻ với người yêu dấu? Người chồng không muốn vợ mình đứng bên kia bờ đối lập với nhận thức và hành vi của mình, do đó, họ rất sợ vợ mình phản bội, dù chỉ là về quan điểm sống. Đàn ông hiện nay rất trọng danh vọng, trọng địa vị hơn bao giờ hết nên sẽ rất căng thẳng khi không tìm được sự đồng thuận giữa vợ chồng để "yên ổn" tiến bộ, để ghi được điểm son trong bảng thành tích gia đình và củng cố hình ảnh mẫu mực của mình trên đường sự nghiệp. Do đó, họ lại phải "sợ" các bà vợ hay nổi chứng và bốc đồng đấy chứ.

Ở khía cạnh khác, khi người chồng yêu thương vợ quá đỗi, họ sẽ cảm thấy đau khổ vì vợ. Nhưng thử hỏi có ai không sợ đau khổ cơ chứ! Trong cuộc sống, chỉ có người ta yêu thương nhất mới có thể làm ta đau khổ nhất mà thôi, chỉ có người vợ mới có đủ khả năng làm người chồng đau khổ. Vậy nên, chính người vợ thực sự mới là người tạo nên sóng gió trong tình cảm lặng thầm mà sâu sắc, bền lâu của các ông chồng. Người vợ cũng có đủ khả năng để giữ thăng bằng tâm lý cho chồng thông qua những khác biệt giới tính và những nét cá tính đáng yêu. Chính vì vậy, các ông chồng luôn tìm cách thể hiện tình yêu với vợ và rất sợ vợ không kính trọng mình, sợ vợ không bị mình khuất phục. Tuy yêu vợ, nhưng người đàn ông không muốn đánh mất ưu thế về giới tính và vai trò trụ cột nên họ có khuynh hướng chống lại sự chăm sóc quá chu đáo của vợ đối với mình, họ rất sợ vợ trở thành "mẹ" của mình.

Người đàn ông trong vai trò người chồng thường muốn được bình yên thư giãn, nhấm nháp ly cà phê hay một vài lon bia bên chiến hữu trong lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, vì người xưa đã nói "giàu vì bạn, sang vì vợ" nên trong nhận thức của ông chồng luôn có sự đấu tranh để chọn lựa ai trong lúc "khao khát" tự do như thế. Hơn nữa, phụ nữ lại hay có khuynh hướng diễn tả cảm xúc thành lời nên những lúc nhạy cảm ấy, người chồng luôn cảm thấy sợ bao điều tâm sự dai dẳng của quý phu nhân, sợ sự "lải nhải" thâu đêm đến nhức đầu của những "người vợ đáng kính". Người đàn ông luôn tìm cách thoái thác, tìm cách "thoát hiểm" lúc bà vợ đặt các câu hỏi khó trả lời khi vốn từ ngữ của đàn ông ít hơn so với đàn bà, cãi lý với vợ không khác gì học trò trả bài cho cô giáo. Ấy vậy nên ông tỏ ra sợ bà, sợ các bà "làm mình, làm mẩy", sợ phải giải thích, sợ phải "thề" với vợ.

Người đàn ông thích biểu dương trước người đàn bà đẹp và chấp nhận thua thiệt đàn bà trong bóng tối. Họ sợ vợ mình thao thức trong đêm và sợ nhất là vợ cắm sừng mình... Hơn thế nữa, người đàn ông tỏ ra rất rộng lượng với người đàn bà làm họ tiêu tan tài sản, nhưng lại rất khó tính với những người phụ nữ mang tiền bạc đến cho mình. Người chồng sợ vợ mình "cầm cương", sợ vợ mình trở thành kẻ ban ơn khi chính mình không phải là người mang về cho gia đình nguồn thu nhập chính. Trong hoạt động xã hội, đàn ông tỏ ra hết sức mạnh mẽ, nhưng thông thường, "người đàn ông nào ngoài xã hội hung hăng nhất lại là kẻ nhút nhát trong gia đình với vợ" (Jean-Paul Sartre).

Trong tư thế của một người cha, khi muốn bù đắp tình thương yêu cho con, người cha thường gặp sự cố các con "theo phe mẹ", làm áp lực với mình qua các yêu cầu rất đổi ngây thơ của con trẻ. Trong trường hợp này, các ông chồng thường tìm kế hoãn binh và đành chịu thua phe đa số. Ấy mới biết sức mạnh của các bà vợ trong công tác "vận động quần chúng con" và do đó, các bậc mày râu không "nể vợ" sao được?

Đàn ông không sợ gian truân, không sợ quỷ dữ, không sợ thú rừng, không sợ cọp nhưng sợ… vợ. Đó là một cách thể hiện lòng cảm mến phụ nữ, lòng yêu quý vợ và trân trọng hình ảnh của người thường chấp nhận đứng sau lưng sự thành công của mình. Nói sợ vợ nghĩa là yêu vợ, nói sợ vợ nghĩa là hết mình vì vợ đấy thôi, bởi lẽ có thể đánh lừa người đàn ông vào đam mê, nhưng phải có đủ lý lẽ mới có thể đưa họ đến với sự thật. Sợ vợ là một thuộc tính của đàn ông, phải chăng đó là một sự thật?

Theo CNTD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.