Xe lửa phố núi Đà Lạt

18/02/2004 15:15 GMT+7

Một nhà Ga vốn được đánh giá là đẹp nhất Đông Dương, cùng với ga Hải Phòng, ga hỏa xa Đà Lạt được xem là cổ kính nhất Việt Nam hiện nay; là nhà ga cao nhất Việt Nam (tọa lạc trên độ cao trên 1500m so với mặt nước biển) và mới được Bộ Văn Hóa Thông Tin cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn Hóa .

Nhà ga xe lửa Ðà Lạt.

Nhà ga Đà Lạt xây dựng từ năm 1932 và hoàn tất năm 1936, công trình do hai kiến trúc sư Moncet và Revéron thiết kế. Trong ý tưởng sáng tạo họ mô phỏng hình ảnh dãy núi LangBian - Biểu tượng của Đà Lạt, tòa nhà chính như anh thấy với 3 vòm mái nhô cao như 3 đỉnh núi, nên nó không hề giống bất cứ dinh thư hay nhà ga nào trước đó. Sự tài tình của các kiến trúc sư một mặt họ giữ được nét đặc trưng của Đà Lạt, mặt khác lại đưa nét kiến trúc độc đáo của Pháp vào thông qua những mái vòm…chiếc đồng hồ đặt trên “đỉnh núi “ ở mặt tiền ga, tượng trưng cho thời gian bác sĩ Yersin đã chinh phục cao nguyên Lâm Viên mà ông đã ghi trong nhật ký.

Tiếng còi tàu tu… tu…tu báo hiệu tàu chuẩn bị khởi hành. Những vị khách cuối cùng vội vã bước lên tàu; toa trước có khảng hơn 20 vị khách nước ngoài gồm nhiều quốc tịch khác nhau, toa của chúng tôi hầu hết là người Việt. Đã nhiều lần đi tàu lửa Bắc - Nam nhưng cảm giác đi tàu du lịch phố núi nó cứ là lạ làm sao ấy, không hề có cảnh xô bồ, chen lấn; nó không ồn ào náo nhiệt,đoàn tàu 2 toa êm ả chầm chậm rời ga. Suốt chuyến hành trình anh hướng dẫn viên đã giành khá nhiều thời gian để giới thiệu với du khách lịch sử con đường hỏa xa Phố núi. Vâng, từ năm 1933 tuyến đường sắt Phan rang - Đà Lạt hoàn thành được đưa vào sử dụng; để tàu vượt lên đèo Ngoạn Mục hiểm trở ấy các chuyên viên hoả xa đến từ Pháp, Thụy sĩ đã phải thiết kế đường ray răng cưa, đồng thời bên cạnh một toa kéo còn có một toa đẩy phía sau…đoạn đường sắt chỉ dài hơn 100km nhưng phải thi công trong hơn 10 năm mới hoàn thành, vì địa hình trắc trở và có nhiều hầm chui… nên chi phí xây dựng cũng cao gấp nhiều lần so với đường hỏa xa ở đồng bằng.

Bảo tháp 7 tầng cao 36 m.
Xe lửa chui qua cây cầu phía trên người và xe đang qua lại khá tấp nập, vượt qua xóm dân cư và lúc này đang cheo leo trên đỉnh đồi cao, mọi người trầm trồ nhìn về phía trước, hồ Than Thở với huyền thoại đồi thông hai mộ, rừng ái ân đang hiện rõ dần trước mắt, khung cảnh thật thơ mộng và huyền ảo. Tàu vừa ôm cua theo triền núi, hai bên là vườn rau tươi đủ loại nào là cà rốt, khoai tây, bắp cải…tàu lại đưa du khách xuyên qua những dãy nhà kính trồng hoa, trồng rau sạch theo công nghệ mới . Có vị khách bảo đi một chuyến thế này thưởng thức và tiếp cận được nhiều điều thú vị quá! Tiếng còi tàu lại cất lên, hóa ra tàu chuẩn bị tăng tốc để vượt lên con dốc phía trước. Chúng tôi đưa mắt nhìn qua hai bên những triền núi cao đã được bàn tay con người khai phá biến thành những thửa vườn bậc thang rất độc đáo, trên đó nhà vườn Đà Lạt đang canh tác những giống cây đặc trưng của miền đất ôn đới như hồng,đào, atisô, dâu tây… Phía xa xa trên cao, xen giữa rặng thông xanh rì là con đường bộ ngoằn nghèo đang cõng trên mình những chiếc xe tải, xe du lịch. Hóa ra từ trên đỉnh đồi cao chỉ trong chốc lát đoàn tàu đã ẩn mình dưới thung lũng sâu, cảm giác ấy thật thú vị và hiếm có!

Chùa Linh Phước, trước đây có người còn gọi là chùa Rồng.

Vượt qua đoàn đường 7km chúng tôi đến ga Trại Mát (nói trạm thì đúng hơn) đây là trạm dừng để du khách đi tham quan một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Đà Lạt - chùa Linh Phước, trước đây có người còn gọi là chùa Rồng, vì trong hoa viên cạnh chùa có một con rồng được xây dựng bằng ve chai rất độc đáo, người có thể chui vào bụng rồng, vào những ngày mùng một và rằm hương thơm tỏa ngát từ miệng rồng càng làm cho bầu khí thêm linh thiêng; khi chùa nâng cấp mở rộng thì đường nét kiến trúc chủ đạo là hình tượng con rồng. Nơi đây có chiếc chuông đồng lớn nhất Đà Lạt nặng tới 5 tấn, để trong bảo tháp khá đồ sộ. Sau khi tham quan chùa, ghé vào các kiosque bên đường mua sắm đặc sản, rau quả do nhà vườn trực tiếp bán tươi rói…chúng tôi lại lên tàu để về lại Đà Lạt. Cả đoàn khách Tây và Ta lại háo hức để thêm một lần chiêm ngắm cảnh đẹp huyền ảo của Đà Lạt ngàn hoa qua khung cửa sổ tàu hỏa!

Con Rồng được làm bằng ve chai.

Được biết ngành đường sắt khôi phục lại đoạn đường sắt này từ năm 1991 và đưa vào khai thác du lịch. Lượng du khách “thưởng thức” xe lửa tăng dần, năm 2003 vừa qua có trên dưới 20.000 khách; điều thú vị với khách nước ngoài thì có đến 80% đến từ nước Pháp, dường như họ đến với ga Đà Lạt để tìm lại một chút kỷ niệm xưa , để đi lại con đường Yersin năm xưa đã đi. Những năm qua Ga Đà Lạt liên kết với SaiGonTourist ,Công ty Du lịch Việt Nam, Du lịch Thanh Niên… và Khách sạn Sotifel DaLat Place đưa khách đi tham quan, tổ chức ăn điểm tâm, ăn trưa trên tàu cho nhiều đoàn khách. Một chuyến tham quan bằng xe lửa trên phố núi quả là thú vị, nhưng giá vé chỉ 15.000đ/ người, với người nước ngoài là 5USD. Ông Ngô Minh Châu cho biết chỉ cần 2 người nước ngoài hoặc 10 người Việt Nam mua vé là chúng tôi phục vụ ngay, không để khách phải chờ lâu, với 2 đầu máy và 4 toa nhà ga có thể phục vụ 200 khách một lúc… từ ngày được công nhận Di tích Lịch sử - Văn Hóa Ga Đà Lạt đang cố gắng tôn tạo, gìn giữ vẻ đẹp vốn có của nó từ khuôn viên, nhà ga và đường ray…

Bạn đã đi xe lửa bao giờ chưa? Cho dù bạn đã từng đi tuyến xe lửa Bắc - Nam bạn cứ thử một lần lên Đà Lạt đi xe lửa Phố núi, chắc chắn sẽ cho bạn một cảm giá thú vị và đáng nhớ.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.