Rộn ràng tiếng Lân đầu ngõ...

17/01/2004 15:01 GMT+7

Ông bà kể rằng: ngày xưa, vào dịp cuối năm khi người nông dân thu hoạch mùa màng, từ đâu có con thú dữ, hình dạng tựa con Kỳ Lân xuất hiện phá hoại cây trái, ruộng nương. Dân làng bèn hoá trang, ăn mặc giống con thú, tập múa thuần thục bước chân của nó. Con thú xuất hiện, ngừơi ta đánh trống khua chiêng, bao vây nó giữa đám đông, giữa tiếng trống, tiếng xèng; gặp “con thú” giả tranh giành lãnh địa, nó sợ quá chạy mất. Từ đó thành tục, khi thu hoạch xong, người ta múa Lân ngày Tết đáp tạ mùa màng, cầu bình an, may mắn...

Tại TP hồ Chí Minh, múa Lân Sư Rồng phát triển nhất ở khu vực Q.5, 11... nơi tập trung đồng bào người Hoa sinh sống. Từ hai tháng nay, khắp phố phường, ngõ hẻm đã âm vang tiếng trống rộn ràng: “Tùng beng beng, tùng beng...” của những xe bán đầu Lân, ông Địa. Trẻ con hễ thấy xe Lân là cứ ùa cả lại, nằng nặc đòi bố mẹ mua cho bằng được cái đầu Lân, cái trống thùng để... múa. Khắp các con đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục (Q.5)... đầy ắp một màu đỏ bởi những cửa hàng bán đầu Lân, phục vụ Tết. Ngày Tết là ngày vui, vừa chơi Tết vừa ngồi thưởng thức nhiều tiết mục hấp dẫn như: Lân chơi với ông Địa, Sư Tử vờn trái châu, Lân bắt cua, múa Rồng... diễn ra trong tiếng chiêng trống vui tươi, khí thế là cái thú của nhiều người. Tú Quyên-sinh viên năm hai ngành công nghệ thông tin trường Sư Phạm Kỹ Thuật dù tối ngày đối mặt với những con số khô khan nhưng cũng mê tít múa Lân. Cả nhà Quyên năm người ai cũng thích, có năm, người hàng xóm kêu đoàn Lân ghé vào, xem xong hay quá, ba Quyên rước ngay vào nhà mình “xông đất”. Quyên kể: “Cứ nghe tiếng trống múa lân là lòng mình cứ lâng lâng, rộn ràng, vui vui mà không hiểu vì sao.” Tết nhất đi đường thấy chỗ nào có múa Lân là cô ghé vào xem... cho đã.

Chợ bán ðầu Lân Ở Q.5, TP Hồ Chí MInh

Suốt 1 tháng nay, nhiều người đi đường tò mò bởi tiếng xèng, tiếng trống lạ tai đã ghé lại công viên Văn Lang (Q.5) để xem... múa Lân. Đóng đô tại đây là hai đoàn Nhơn Dũng và Tâm Hoa đường. Chuẩn bị cho Tết Giáp Thân sắp đến, hơn 50 võ sinh đã miệt mài tập luyện suốt từ 19g đến 22g mỗi ngày. Ai nấy đẫm mồ hôi, tập trung vào từng chi tiết của bài diễn. Nhìn chú nhóc Cường- đoàn Tâm Hoa (15 tuổi mà bé tí như một học sinh lớp 2) nhảy Mai Hoa Thung mới thấy được hết cái hay, cái khó trong nghề múa Lân. Dưới chân Cường là những cọc sắt cao nghệu, thế mà chú bé biến ảo, nhảy múa trong suốt bài diễn kéo dài gần nửa giờ mà không hề có sai sót...

Tính luôn cái Tết 2004 này, đã 14 năm anh Quách Chí Kỳ đội trưởng đội Lân Sư Rồng Nhơn Dũng đường đã ăn Tết cùng với thầy, với sư huynh đệ và với... chiếc xe tải 3 tấn. Tập võ cổ truyền lúc 9 tuổi, sau 4 năm dùi

Tập múa Lân, chuẩn bị vào mùa biểu diễn

mài quyền cước, Kỳ bắt đầu chuyển qua tập Lân với mơ ước: “Có ngày sẽ đội cái đầu lân trên đầu mà múa trước hàng trăm con mắt, oai lắm!” Suốt 14 năm không được ăn Tết ở nhà cùng gia đình nhưng bù lại anh được sống trong những lễ hội tưng bừng, thấm tình nghĩa đệ huynh. Anh kể: “Cực lắm, ngồi trên xe nắng nhìn như dân da đen, nhưng vui thì thiệt là vui. Năm nào không đi là không chịu nổi.” Còn nhóc Tuấn, mới 13 tuổi đã đảm nhận tiết mục khó nhất: Lân lên Mai Hoa thung, ngoài việc theo đoàn vì sở thích còn vì: “Múa Lân ngày Tết được lì xì nhiều lắm!” Tết con Dê vừa rồi, cậu bé ẵm trọn gần 1,2 triệu đồng. Sư huynh Nguyễn Hữu Danh - đoàn Tâm Hoa kể về kỷ niệm nhớ đời: “Có lần biểu diễn, con Lân của mình ngã kềnh xuống đất, nhưng may là giữ được bình tĩnh, làm như cố ý ngã, khiến bà con cười ngất.” Theo chú Khổng Đức Thọ-Phó đoàn Lân Nhơn Dũng: "Đã thành lệ, cứ tối giao thừa là nhiều đoàn ở quận 5 sẽ tụ họp đến múa cầu an tại chùa Bà, những đoàn ở Bình Thạnh thì ghé Lăng Ông; sáng mồng 1 Tết tất cả cùng xuất quân.” Chú Thọ năm nay đã thất thập cổ lai hy, gắn bó và sát cánh với đoàn Lân gần 60 năm. Mỗi đoàn Lân sẽ diễn vòng vòng thành phố, tại các khu vui chơi Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Thế Giới... từ mồng một cho đến mồng 7, sau đó đưa quân lên Bình Dương chuẩn bị lễ vía Bà. Chú Thọ tâm sự: “Nghệ thuật Lân Sư Rồng là một tinh hoa dân tộc lâu đời, không khí ngày Tết mà thiếu nó thì không còn Tết nữa.”

Mỗi năm, đoàn Lân nào cũng phải nghĩ ra “chiêu” mới, tiết mục độc đáo, hấp dẫn để phục vụ bà con. Năm nay, Nhơn Dũng nhập về những tấm lông cừu từ Trung Quốc để làm đầu Lân, khi múa, lông sẽ rung rung như thật. Tiết mục múa Rồng sẽ kết thúc bằng hình ảnh chú rồng dài 12m cuộn lại thành hình ngôi sao năm cánh. Tâm Hoa, Nhơn Nghĩa, Kiến Nghĩa đường thì “bí mật” vào phút chót. Trong những ngày này, khi người ta đổ xô đi mua sắm thì hàng ngàn võ sinh của nhiều đoàn Lân vẫn miệt mài bên sân tập, háo hức chờ ngày đầu năm, xuất quân!

Tết đến, ngoài bánh chưng xanh, câu đối đỏ, phong lì xì, hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần, loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm chất dân gian, một cách mời gọi may mắn trước thềm năm mới -xét về góc độ tâm linh- của rất nhiều bà con, đặc biệt là người Hoa...

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.