Nhàn đàm: "Một góc hồn quê"

21/12/2003 09:53 GMT+7

Đoái trông muôn dặm tử phần Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa... Hồn quê là cái gì vậy ? Một thiền sư giải nghĩa: "Hồn và phách là hai khía cạnh của tâm lý. Hồn nhẹ hơn phách. Phách còn gọi là vía, cũng là hồn nhưng có dính với phần sắc thân nhiều hơn… Phách gần với thân thể. Theo tín ngưỡng bình dân Việt Nam thì đàn ông có ba hồn và bảy phách, đàn bà có ba hồn và chín phách (nặng vía hơn), khi thân thể đã chết phách vẫn còn và từ từ tan biến, hồn thì còn nguyên".

Cho nên, như trong truyện Kiều "...những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh". Tinh anh là cái hồn, chỉ có siêu thăng chứ không hủy diệt.

Như vậy hồn quê là cái tinh anh của một xứ sở, một vùng đất chăng ? Cái xứ sở ấy, vùng đất ấy có thể chỉ là một xóm nhỏ heo hút, một làng quê, nhưng nó thay mặt cho một phạm vi lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều, là một huyện, một tỉnh, một miền và cả quốc gia.

Hồn của một con người, có phải, có đúng là tinh anh hay không, e đợi khi người ấy nằm xuống mới họa may mường tượng ra được. Hồn quê của xứ sở cũng vậy, khi ta xa cách, nghĩa là ít nhất cũng gần với sự mất mát mới nhận biết. Phải đến sống ở nhà người khác ta mới nhớ nhà ta, sống ở xóm khác ta mới nhớ xóm ta. Rời bỏ làng quê chiều chiều nhìn mây bay đỉnh núi, gió cuốn chân đèo, sông dài nước chảy, sóng bổ mặt ghềnh… ta mới thấy nhớ thương da diết.

Một nhà văn nói đến câu thơ trong bài Nhớ tuổi thơ của Chế Lan Viên: Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế! Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!, cho rằng cái nhớ ấy gồm trong bốn chữ "nhớ chao ôi nhớ", tức là nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ cồn cào và hai yếu tố gây nhớ trầm trọng là trời xanh và tiếng gà gáy trưa. Hồn quê ở đó chăng? Không khí nông thôn yên tĩnh, tiếng gà gáy luôn luôn vang lên lảnh lót, cho nên quá quen thuộc rồi nó vẫn làm cho mọi người chú ý. Thơ Huy Cận cũng có tiếng gà: Tới ngả ba sông, nước bốn bề/Nửa chiều gà lạ, gáy trên đê. Và Lưu Trọng Lư: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng! Về tiếng gà này, trong một bài nói về thơ mới thời ấy, Lưu Trọng Lư có nhận xét: Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ.

Một người bạn sống ở nước ngoài kể chuyện: Có một bà bữa nọ đi chơi phố Tàu thấy trong tủ kính bày bán mớ gà trống sinh động quá mua vài con đem về cho cháu. Cháu chỉ nhìn qua, hỏi "Chim gì?" rồi thôi. Một người về thăm quê, trên đường trở lại, qua Thái Lan thấy có bán gà giả trông giống y như gà thật mua làm kỷ niệm, nhưng con cháu chẳng để ý đến. Lại kể chuyện: Có người nuôi gà và con gà lỡ miệng gáy bừa bãi vào buổi sáng thế là bị cảnh sát đến làm khó dễ. Như thế… ở phương trời ấy, đối với thế hệ ngày ngày ăn thịt gà mà không biết gà là con "chim gì" thì tiếng gà gáy là một tai họa, còn thế hệ từng bâng khuâng về một tiếng gà chỉ còn biết... đoái trông theo ngọn mây Tần xa xa…

Thời thơ ấu tôi sống ở nông thôn, đến giờ còn nhớ mãi một lần sau cơn mưa cha tôi chỉ cho thấy trên sân đất ướt dấu chân mèo in hình hoa mai và dấu chân gà in hình lá trúc. Hồn quê ở đó chăng? Nó thâm nhập vào hồn tôi tự lúc nào, thật nhẹ nhàng theo những bước chân êm đềm của con mèo, con gà và còn mãi mãi theo tôi tận lúc tuổi già.

Những người như tôi từ quê ra tỉnh thường nghĩ rằng quê là thôn quê, quê mùa cũng là mây nước mộng mơ, tỉnh là phố phường thành thị, cũng là tỉnh táo thực tế. Được bạn cõng trên lưng, tay cầm roi tre vung vẩy xưng mình là Đinh Bộ Lĩnh, chạy băng qua vũng nước đọng trên gò cỏ cho rằng đang vượt sông dài biển sâu, ấy là quê mùa, là mộng tưởng. Như thơ Hồ Dzếnh: Chập chùng vó ngựa quá quan/Cờ treo ý cũ mây dàn mộng xưa. Lúc này thân xác phải sống thực mà hồn phách thì cứ theo cõi mộng trời quê, thành thử thích nghi chậm chạp, không bắt kịp thời đại. Bởi cõi mộng là cõi ngoài, là "phương ngoại".

Các bạn trẻ bây giờ tầm nhìn rộng mở và phóng khoáng, luôn nghĩ đến những cái gì thật lớn lao, thật mới mẻ, có lẽ hà tất phải bận tâm tới điều nhỏ nhặt. Nhưng với thế hệ chúng tôi và lớp trước, bao điều nhỏ nhặt ấy là sự tế nhị, sự tinh vi, nên không khỏi nhiều khi mường tượng ra trên nền sân đất ướt dấu chân gà tựa như lá trúc, dấu chân mèo tựa như hoa mai và lắm khi "giật mình nhớ tiếng gà trưa, vần thơ năm ấy như vừa mới đây".

Còn gì nữa nhỉ? Tiếng con nghé lạc mẹ trong nắng chiều "ngưa ngưa", con ngựa giữa khuya "sì sì" rồi gõ móng lên sàn chuồng gọi người thêm cỏ, buổi trưa thì lũ chuồn chuồn bay lượn dọc ngang trên mặt hồ sen, bóng con kênh kênh giăng thẳng đôi cánh lượn lờ trên mây cao hoặc mùi đường sôi trong chảo lớn thơm lừng cả xóm… Còn nữa, nhiều lắm... Mà toàn những chuyện kể ra nghe vớ vẩn buồn cười. Nó là một góc hồn quê đó. Không phải một góc hồn quê tồn tại trong hồn người mà cả hồn người nương náu trong góc hồn quê ấy…

Trần Huyền n

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.