New York - nơi không ngủ của thế giới và những ngày lạnh lẽo cuối 'năm Covid'

30/11/2020 19:51 GMT+7

Cuối tháng 11, New York bây giờ là những cơn gió đầu đông lạnh buốt mỗi ngày. Các cành cây khô trơ trụi lá. Các chàng trai, cô gái New York co ro trong những chiếc áo lông dạo bước vội vã trên các con phố hẹp.

Cuối tháng 11 cũng là thời gian bắt đầu các lễ hội: lễ Tạ ơn, lễ Giáng Sinh, giao thừa và năm mới.
Thời điểm này những năm trước, New York thật tưng bừng. Năm ngoái gia đình và bạn bè tôi nô nức kéo đến New York chơi thời gian này để được thấy một không khí náo nhiệt, tưng bừng ở các trung tâm mua sắm, quảng trường Thời đại, toà nhà Rockefeller, hay đơn giản là “chỉ nhìn dòng người và xe tấp nập trên phố đã thấy vui rồi” như mẹ tôi nói.
Nhiều lúc chúng tôi sợ lạc nhau giữa dòng người chen chúc, xô đẩy khi cùng ba mẹ đi trên đại lộ số 5 (Fifth Avenue) - con đường mua sắm nổi tiếng thế giới với độ xa hoa của những thương hiệu lâu đời và đắt tiền.

New York đang trải qua một mùa lễ hội ảm đạm năm Covid

NVCC

Năm nay đại lộ số 5 vắng hoe người. Cuối tuần rồi tôi đi với em sinh viên đến trung tâm Rockefeller, chỗ trượt băng chỉ có nhân viên ngồi. Mấy cô trò xuống tầng hầm thì các cửa hàng đã đóng cửa trước 7 giờ vào tối thứ 6! Đây là điều không ai có thể tưởng tượng đang xảy ra ở thành phố New York, thành phố sôi động nhất thế giới.
Trên các con đường, dòng xe cũng không tấp nập là mấy. Trong các trung tâm mua sắm, số nhân viên đông hơn số khách. Họ vồn vã ra giúp mỗi khi khách cần tư vấn điều gì.

Người vô gia cư ở New York

Trong cái tiết đầu đông của New York, trên đường phố tôi thường bắt gặp hình ảnh những người vô gia cư đang co ro trong những cơn gió lạnh. Lòng tôi chợt chùng xuống.
Tiết lạnh chỉ dành cho những người có tiền với một mái nhà ấm áp luôn đợi họ trở về. Gió lạnh se sắt và những cơn mưa buốt giá của mùa đông New York thật là đáng sợ đối với những người vô gia cư. Đáng buồn là ở New York số người vô gia cư luôn nằm trong top 3 của nước Mỹ.
Họ đang trốn cái lạnh bên trong những góc tường kín gió, giữa các toà nhà cao tầng, những gầm cầu, trạm tàu điện ngầm, hiên nhà các cửa hàng đóng cửa.
Người vô gia cư ở New York ngồi sát cạnh nhau dưới những máy sưởi của các nhà hàng để đỡ rét.
Nằm trên nền gạch lạnh buốt và dơ dáy, hay lót thêm mấy miếng bìa các tông mỏng manh làm nệm, cố dỗ giấc ngủ trong đêm dưới nhiều lớp áo hay khoác thêm mấy lần chăn.
Nhiều lần tôi đi ra phố, thấy những người vô gia cư lục thùng rác để tìm đồ ăn. Ở đất nước giàu có và tiên tiến nhất thế giới này, đồ ăn được xem là thừa mứa vậy mà có những người đang phải tìm từng mẩu bánh vụn, đồ ăn thừa để tồn tại qua ngày.
Rất nhiều học sinh Brooklyn trường tôi là người vô gia cư. Các em vô gia cư vì nhiều lý do: quá nghèo, mồ côi, lầm lỡ trong bước đường tuổi trẻ bồng bột, gia đình đổ vỡ và thiếu quan tâm.
Nhớ học kỳ đầu tiên tôi bắt đầu dạy ở Đại học Brooklyn, tôi cứ tròn mắt nhìn học sinh mình kéo cả vali hành lý từ lớp học đến thư viện. Rồi sau đó được biết là các em không có chỗ ở, chỗ ngả lưng mỗi tối của các em là thư viện trường mở cửa 24/7.
Tôi và các bạn đồng nghiệp đang tiến hành những dự án hỗ trợ các em học sinh này thì dịch Covid-19 ập đến. Trường đại học Brooklyn buộc phải đóng cửa, có lẽ đến tận năm sau.
Khi cái lạnh ập về, tôi không tránh khỏi những xót xa về các em học sinh vô gia cư của mình... Các em sẽ ngủ ở đâu cho đỡ rét để qua mùa đông này?

Sinh viên tốt nghiệp năm 2020

Có khoảng gần trăm em học sinh Đại học Brooklyn của tôi tốt nghiệp năm nay, tháng 5 (học kỳ Xuân) hay tháng 12 (học kỳ Thu Đông).
Đây là thời điểm tồi tệ cho sinh viên mới tốt nghiệp vì thị trường việc làm rất ảm đạm. 99% các em sinh viên của tôi chưa có việc làm sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, có em còn chưa được một cuộc phỏng vấn nào từ các doanh nghiệp dù đã gửi hàng chục bộ hồ sơ xin việc.
Em Jerry Trịnh (22 tuổi, Việt kiều) tâm sự: “7 tháng từ ngày em ra trường, em vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ, xin làm thêm thì không ai nhận. Chương trình thực tập qua mạng của em không được trả đồng lương nào mà công ty cũng không có tên tuổi...”
Trên các mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, LinkedIn... của các em thấy không có cập nhật công việc hay hoạt động nào mới sau khi tốt nghiệp.
Em Nick (21 tuổi) chia sẻ: “Em tính qua mùa lễ này rồi đi học Thạc sĩ cô ạ. Không việc làm không đi đâu được. Đi học lại dù sao chính phủ cũng cho vay nên còn có tiền sống chứ ở New York không có tiền chỉ có chết.”

Những tiệm nail người Việt

Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh là lúc thời nail buồn vì bắt đầu mùa vắng khách. Mọi người co ro trong những lớp áo và những đôi giày bốt kín mũi, những đôi găng tay, thì nhu cầu làm nail cũng xuống nhanh.

Tôi nhớ cuộc điện thoại gần đây với cô bé Yến, thợ nail gần nhà “Tiệm vắng lắm chị ơi. Mùa lạnh không ai muốn ra ngoài làm đẹp. Mà có ra ngoài cũng chỉ để đi ăn, đi công chuyện một chút rồi về...”

Cô bé nói tiếp “năm nay phải đóng cửa từ tháng 3 vì dịch Covid-19, đóng đến hè luôn... mất mấy tháng làm ăn mùa hè... đến tháng 10 thì lại tiếp với lệnh đóng cửa của thành phố New York. Năm nay tụi em đói rồi...”
Tôi có nhớ cô bé hay nhờ tôi chở ra bưu điện chuyển tiền về cho người thân ở Việt Nam mỗi lần nghỉ trưa. Giờ đây giọng em buồn xo trên điện thoại “mùa lạnh về New York lại bùng lên dịch đợt thứ 2 rồi... Trường học mới đóng cửa... Em sợ tiệm nail em cũng sẽ đóng cửa dài hạn tiếp...”
Cô Hoan (65 tuổi) góp vô câu chuyện “năm nào giờ này (cuối tháng 11) đến đầu năm sau hay có trộm cướp vì mọi người nặng cái nghiệp phải mua quà trong dịp lễ cuối năm. Nhưng năm nay nhiều hơn hẳn. Mới tối qua, có cướp vào ngay trong tòa nhà có khoá ở khu Do Thái. Mới chưa đến 9 giờ mà đã vậy. Vậy nên tiệm tui mà vắng khách tối là đóng cửa liền.”
Mấy lần từ nhà có việc ngang qua tiệm các cô, tôi thấy hoặc là đóng cửa sớm hoặc là tiệm vắng hoe chỉ có mấy cô thợ ngồi mỗi người một góc xem báo, coi phim Việt Nam.

Gian nan đường về nhà sum họp ngày lễ

Vì nhiều thành phố và tiểu bang ra lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày khi trở về hoặc rời đi nên ai nấy đều băn khoăn về việc có nên về thăm gia đình, bạn bè vào dịp lễ cuối năm theo truyền thống hay không.
Tôi rất muốn về thăm gia đình ở Houston nhưng cũng ngại về điều đó nên quyết định ở lại New York. Tôi biết phần lớn đồng nghiệp và học sinh mình tại Đại học Brooklyn cũng chọn phương án ở lại thành phố cho đến hết học kỳ (ngày 22.12) rồi mới bắt đầu chuyến “hành hương” về nhà của mình.
Thầy cô, học sinh có kế hoạch ra công viên gần nhà để ăn lễ Tạ Ơn. Mỗi người mang một món ăn, góp lại thế là cũng đủ một bữa tiệc. Vừa vui vừa an toàn trong mùa dịch! Đây là kiểu tiệc tùng của người New York thời Covid-19.
Trong 2 ngày này, bầu không khí ở New York và nước Mỹ bớt căng thẳng sau lời tuyên bố chuyển giao quyền lực của TT Donald Trump. Mọi người hy vọng tình hình chính trị, kinh tế, dịch bệnh sẽ ổn định, khả quan hơn. Sinh hoạt của người dân bắt đầu khởi sắc trở lại. Cổ phiếu tăng mạnh.
Ai cũng nói: “Mong cho năm 2020 lịch sử này chóng qua mau, để bắt đầu năm mới tốt đẹp hơn!”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.