Nếu như thầy nói ngọng…

25/11/2016 10:36 GMT+7

Nói ngọng, phát âm không chuẩn, vốn là một khiếm khuyết trong kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Dư luận mấy ngày qua lại được hâm nóng bởi nhiều ý kiến trái chiều về việc này.

Có người phê phán kịch liệt, gọi nói ngọng là căn bệnh, thậm chí cho rằng, nếu là giáo viên hoặc quan chức mà nói ngọng thì nên từ bỏ công việc của mình. Bên cạnh đó, có người lại cho rằng, đó là việc bình thường, thậm chí nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu với báo giới rằng, “nói ngọng là ngôn ngữ địa phương nên có thể coi là bình thường”.
Cuộc tranh cãi một lần nữa trở nên quyết liệt, khó có thể ngã ngũ trong một sớm một chiều. Xưa nay, đã có những câu chuyện tiếu lâm phê phán người nói ngọng gây hiểu lầm cười ra nước mắt. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến vấn đề này trong một phạm vi nhỏ hơn: Thầy cô giáo với căn bệnh nói ngọng, phát âm không đúng chuẩn.
Hầu hết các trường sư phạm khi tuyển đầu vào đều không có môn thi về kỹ năng phát âm, trong chương trình học, càng không có môn học nào chuyên về rèn luyện phát âm khi đứng lớp. Vì thế, mỗi vùng miền khác nhau với một đặc điểm khiếm khuyết khác nhau trong việc phát âm lệch chuẩn. Thầy cô ở miền Bắc bộ thì dễ nhầm lẫn phụ âm đầu (x,l,n,…), thầy cô ở Trung bộ dễ nhầm dấu thanh, giáo viên quê Nam bộ nhìn chung dễ nhầm lần âm cuối (ăn, ăng, anh, ang…). Nếu cô giáo quê ở Bắc bộ dạy một trường học ở quê nhà thì mọi chuyện có vẻ ổn, nhưng các bạn hãy tưởng tượng, nếu là một trường học ở Tây nguyên hoặc TP.HCM, nơi thu nhận giáo viên đến từ nhiều miền đất nước, thì vấn đề tiếp nhận của học sinh sẽ rất khó khăn. Các em sẽ phải làm quen với “khuyết tật ngôn ngữ” của từng giáo viên, đương nhiên, việc lĩnh hội kiến thức sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi là một giáo viên miền Trung, việc phát âm “trọ trẹ” bởi tất tật dấu câu đều quy về dấu nặng (.), đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảng dạy. Những tiết dạy đầu tiên, học sinh ngớ ra nghe thầy nói rồi cười khúc khích. Hỏi ra mới biết, thầy nói các em không nghe được!
Không còn cách nào khác, thầy phải là người tự rèn luyện để thay đổi cách phát âm đúng dấu câu. Cố gắng mềm hoá từng âm, từng chữ cho gần nhất với cách phát âm phổ thông. Và với ý thức đó, mọi việc dần dà ổn thỏa, bài học được truyền đạt một cách rõ ràng, chính xác. Tôi nghĩ, hầu hết giáo viên khi gặp tình huống này đều phải tự ý thức để khắc phục, không thể đổ lỗi cho đặc điểm vùng miền được. Việc cho rằng, vì là ngôn ngữ địa phương nên nói ngọng là bình thường như nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu, chỉ có thể chấp nhận được ở những người lao động bình thường, chứ với người truyền đạt kiến thức như giáo viên thì không thể chấp nhận được.
Hiện nay chúng ta chưa có Luật Ngôn ngữ để đưa ra những quy chuẩn cần thiết, vậy nên, ý thức rèn luyện của mỗi cá nhân là hết sức quan trọng. Và tôi biết, có những đồng nghiệp của tôi, để làm trọn công việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, vẫn âm thầm luyện nói mỗi ngày.
Nếu như, vì thầy nói ngọng, dẫn đến học sinh nói ngọng thì sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.