'Nếu để tư nhân đi một mình, dễ chệch hướng thiên về lợi nhuận'

08/12/2019 09:08 GMT+7

GS Đặng Văn Bài (ảnh), Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam , nói như vậy khi trả lời Thanh Niên xung quanh việc hợp tác công - tư trong khai thác, bảo vệ di sản.

Ông đánh giá hiện trạng bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới thế nào?
Cơ bản ta đã giữ được những di sản quan trọng và có giá trị lớn của đất nước. Đấy cũng chính là những di sản tạo nên thương hiệu di sản văn hóa Việt Nam. Thứ nữa, các di sản ấy có vị trí lớn trong xã hội, thực sự là một nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế. Nó cho thấy khía cạnh kinh tế của di sản.
Với Huế, Hạ Long, Hội An, di sản là động lực phát triển. Có thể thấy rõ điều đó. Như di tích ở Huế bán vé được 380 tỉ đồng năm 2018. Họ bán vé vào cửa cho 3,5 triệu khách du lịch. Thế mà du lịch Huế thu được 4.500 tỉ đồng; du lịch qua cộng đồng thu được 11.500 tỉ đồng. Tổng thu nhập quốc dân Huế là 32.000 tỉ đồng. Như vậy, thu từ di sản thúc đẩy thu nhập cho địa phương rất lớn.
Vấn đề hợp tác công - tư trong quản lý di sản là điều UNESCO khuyến khích, nhưng ở Việt Nam đây cũng là điểm xảy ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, các vụ việc xây dựng gây ảnh hưởng di sản ở Ninh Bình, ảnh hưởng môi trường ở Hạ Long...?
Vấn đề công - tư là phải chọn. Không phải tư nhân nào cũng thoải mái cùng hợp tác trong khai thác di sản. Ta phải lựa chọn những công ty có tư tưởng, chiến lược phù hợp với phát triển bền vững. Họ cũng phải theo đuổi mục tiêu giữ bền vững cho di sản chứ không phải phát triển bằng mọi giá. Nhà nước cũng cần phải kiểm soát việc đó, chứ nếu để tư nhân đi một mình thì họ sẽ rất dễ chệch sang hướng chỉ thiên về lợi nhuận.
Vậy làm sao để tư nhân không thể phát triển một mình? Rõ ràng nếu họ cứ lẳng lặng làm thì khi phát hiện cũng đã muộn; chưa kể ở địa phương còn có tình trạng “lờ” đi cho việc đã rồi...
Vấn đề đặt ra là làm sao có cơ chế để hợp tác công - tư tốt. Đặc biệt là trong luật Di sản văn hóa sửa đổi tới đây cần nghiên cứu điều chỉnh để tạo ra cơ chế đấy. Chẳng hạn, việc quy định trách nhiệm phải rất rõ ràng, các chế tài phải nặng hơn.
Với các doanh nghiệp làm trùng tu chẳng hạn, chúng ta có hàng rào kỹ thuật, như họ phải có bao nhiêu người cơ hữu có bằng về trùng tu. Vậy, với các doanh nghiệp khai thác di sản có cần những chứng chỉ tương tự không, thưa ông?
Vừa qua, việc đào tạo cấp chứng chỉ chỉ hạn chế cái xấu được một phần thôi. Nếu nhà quản lý được bổ nhiệm đúng, trong sáng thì cán bộ mới làm tốt được. Chứ nếu không cán bộ địa phương sẵn sàng “lờ” đi cho tư nhân làm tổn hại di sản.
Các di sản văn hóa phi vật thể cũng đang bị kêu là bị làm sai lệch. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Cũng phải phân biệt rõ việc làm sai lệch và việc phát triển. Chẳng hạn, có cái gọi là cải biên. Người biểu diễn cần phải nói đâu là gốc, đâu là cải biên vì di sản văn hóa phi vật thể sẽ luôn có phần cải biên để thích ứng với đời sống xã hội. Như thế nó mới lan tỏa được. Vấn đề là khi biểu diễn phải nói rõ đâu là gốc, đâu là phần cải biên. Sau này, phần cải biên đó có hợp không cũng sẽ được đời sống xác định.
Nếu di sản vật thể cần giữ nguyên gốc thì di sản phi vật thể sẽ rất khác. Ngay từng nghệ nhân cũng đã có sáng tạo trong từng buổi diễn rồi. Không “đóng băng hóa” di sản phi vật thể được.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.